Tự do ngôn luận là quyền chính đáng, khát vọng
chân chính và nhu cầu của con người. Việc bảo đảm tự do ngôn luận là một trong
những thước đo thể hiện sự văn minh, ưu việt của thể chế chính trị.
Thực vậy, Hiến pháp đầu tiên của nước ta ngày
09/11/1946, trong đó điều 10 hiến định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn
luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú,
đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Không ngẫu nhiên mà khi hiến định 5 quyền
tự do cơ bản đó của công dân, quyền tự do ngôn luận được xếp ở vị trí đầu tiên.
Bởi Chính phủ cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã sớm nhận
rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do ngôn luận cho công dân là cơ sở để mở
rộng, phát huy vai trò làm chủ của người dân và khơi nguồn sức mạnh ý chí, trí
tuệ của mọi tầng lớp nhân dân phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Thậm
chí, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hiến định quyền
tự do ngôn luận cho công dân sớm hơn trước 2 năm so với Điều 19, Tuyên ngôn
quốc tế về nhân quyền (Tuyên ngôn thế giới về quyền con người), được Đại hội
đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 271A, ngày 10-12-1948.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về
quyền tự do ngôn luận, trong thời kỳ đổi mới, phù hợp với các Hiến pháp năm
1992 và năm 2013, các văn kiện của Đảng, Nhà nước đều khẳng định và hiện thực
hóa quyền tự do ngôn luận của công dân. Suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và
phát triển Việt Nam luôn phải đối mặt với các phần tử và thế lực thù địch cả ở
trong và ngoài nước, trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau, trong đó có mặt
trận tư tưởng, thông tin. Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để
xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, vu khống các chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước ta trên mọi lĩnh vực, phủ nhận các thành tựu đã đạt được, kể cả những
thành tựu được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chúng lợi dụng internet,
tạo những “trận địa giả”, những mũi tấn công đầy mưu đồ đen tối trên mặt trận
tư tưởng dưới chiêu bài “tự do ngôn luận” với dã tâm, chủ đích là lợi dụng
những vấn đề nóng trong xã hội, dễ gây bức xúc, dễ lan truyền rộng rãi để kích
động 1 bộ phận quần chúng, tiến tới gây rối an ninh, trật tự xã hội, phá hoại
các chủ trương, chinh sách phát triển kinh tế- xã hội của Nhà nước ta..
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ
Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông nhấn mạnh:
“Chúng ta không sợ phải nói về vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận. Tự do ngôn
luận không có nghĩa là tự do xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tự do
ngôn luận không phải là tự do xuyên tạc, bóp méo sự thật, là tự do mạo danh
người khác trên mạng xã hội. Tự do ngôn luận cũng không có nghĩa là tự do bôi
xấu, đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm, kích động bạo lực, kích động chiến
tranh, kích động chia rẽ mối hận thù dân tộc. Chúng ta không cấm phát ngôn
chính kiến trên google, facebook mà chỉ yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp
luật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức”.
Vì vậy, việc đấu tranh phản bác việc lợi dụng
“dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, nhất là “tự do ngôn luận” để
chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ thường
xuyên tất yếu của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ
các dạng quan điểm sai trái, những luận điệu thù địch để có những đối sách phù
hợp. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, làm tốt công tác tư tưởng
trong cán bộ, đảng viên và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục
giác ngộ, nâng cao nhận thức của người dân trước những âm mưu thâm độc của các
thế lực thù địch; đảm bảo cho họ phân biệt được đúng, sai; sàng lọc, tiếp nhận
thông tin có lợi cho quốc gia, dân tộc, không tin, không cổ xúy, lan truyền
những thông tin xấu, có hại cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời, tăng cường tuyên
truyền thông tin chính thống, định hướng dư luận hướng tới sự thống nhất tư
tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh
chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - một thứ giặc nội xâm nguy hại để giữ
vững niềm tin của nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN.
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, sự điều hành, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân sẽ thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động ngăn chặn, phản bác
các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại
mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam của các thế lực
thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét