Đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế là chủ
trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này đã được khẳng định rõ
trong các Văn kiện Đảng và trong thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước hơn 35
năm qua. Tuy nhiên, trong âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động,
thì chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là một trong những mục
tiêu mà họ nhắm tới và tìm mọi thủ đoạn thâm độc để chống phá.
Sự
tinh vi của những luận điệu chống phá chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng
và Nhà nước Việt Nam
Trong
thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều
diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế
lớn, song các nhân tố bất ổn ngày càng gia tăng. Cạnh tranh chiến lược giữa các
nước lớn ngày càng quyết liệt hơn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ
nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi
truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát
triển mạnh mẽ. Quá trình định hình lại cấu trúc chính trị, kinh tế thế giới
đang diễn ra ngày càng nhanh với những tập hợp lực lượng đa dạng, phức tạp, đan
xen, tác động nhiều chiều đến hòa bình, an ninh và phát triển của các nước.
Lợi
dụng bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều biến động mới; tình hình trong
nước còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo
riết tung ra những luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng mà sự chống phá của
các thế lực này hướng tới không gì khác là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng,
của chế độ xã hội chủ nghĩa và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sự
tinh vi của những thủ đoạn này ở chỗ, họ lợi dụng không gian mạng xã hội - nơi
khởi phát nhanh chóng những thông tin thật - giả, đúng - sai, tốt - xấu... đa
chiều, phức tạp, để tung ra thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối đối ngoại
của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thậm chí, một số “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ”,
“học giả” tự xưng..., kể cả ở ngoài nước, đưa ra những “ý kiến”, “tư vấn”,
“phản biện”, tạo những “cơn sóng ngược” trên mạng xã hội, mưu toan gieo rắc tâm
lý hoang mang, mất phương hướng, tạo sự bức xúc, tâm lý chống đối, gây mất ổn
định xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Chẳng
hạn, họ xuyên tạc rằng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện
nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc; rằng sự
lạc hậu về chính sách đối ngoại sẽ khiến Việt Nam khó giữ được các quan hệ an
ninh với các “phên dậu láng giềng”. Rồi họ đưa ra “lời khuyên”, “chỉ đường” cho
Việt Nam nên bỏ chính sách “bốn không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực
hiện “dân chủ hóa Việt Nam”. Xem đây là giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Và rằng, một nền dân chủ đích thực sẽ giúp đất nước thoát khỏi tình thế suy
yếu, bị chèn ép...
Tính
chất nguy hiểm của các luận điệu nêu trên là tạo ra sự hoang mang, dao động,
gây chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam
với các nước, nhất là các nước đối tác, đối tác chiến lược, khiến dư luận trong
và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.
“Chiến
dịch quân sự đặc biệt” mà Nga thực hiện ở U-crai-na là một sự kiện quốc tế được
các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng triệt để nhằm bóp méo, xuyên tạc chủ
trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Quan
điểm của Việt Nam hết sức khách quan, rõ ràng, thể hiện qua bốn lần bỏ phiếu,
đó là đều khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp quốc tế
bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương
Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng
vũ lực trong quan hệ quốc tế, tiếp tục kêu gọi các bên giảm căng thẳng, ngừng
bắn, nối lại đối thoại, tìm giải pháp lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở tính
tới quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Phát biểu của Trưởng
Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc trong Phiên họp lần thứ 11 của Đại hội
đồng Liên hợp quốc đã thể hiện rất rõ quan điểm rằng, Việt Nam hết sức lo ngại
về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở U-crai-na, một quốc gia có chủ quyền,
thành viên của Liên hợp quốc. Việt Nam cho rằng, điều cấp bách hiện nay là cần
kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm
thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường. Việt Nam kêu gọi các
bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông
qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và
quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trên các
trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân thù địch,
chống đối liên tục đăng tải tin, bài, cố tình đưa ra những luận điệu sai trái,
suy diễn, võ đoán, quy chụp rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ”, “không kiên
định”, “lập trường không dứt khoát”, “rõ ràng”; rằng Việt Nam “lạc lõng” trước
thời cuộc. Từ đó, họ đưa ra những kết luận hàm hồ, vô căn cứ rằng Việt Nam sẽ
“mất đi sự ủng hộ của các nước vì thực chất đã “chọn phe””.
Kiên
định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ
quốc tế
Trước
hết cần khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa
quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các
nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình
đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ
động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối
tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Điều này thể hiện rõ trong các nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng và thực tiễn
sinh động của đất nước. Trong hơn 35 năm đổi mới, đường lối độc lập, tự chủ, đa
dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta đã góp phần quan trọng tạo môi
trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của
cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc
phòng - an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do
vậy, có thể khẳng định, nhất quán kiên định thực hiện chính sách đối ngoại độc
lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam xuất phát trước hết vì lợi
ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại là hòa bình, độc lập, phát
triển và hội nhập quốc tế.
Bảo
đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu xuyên suốt, nhất thành bất biến,
không thể đánh đổi, không thể thỏa hiệp, dù trong bất cứ thời đoạn, hoàn cảnh
nào. Trong mỗi bước đường lịch sử cách mạng, trong mỗi giai đoạn và hoàn cảnh
khác nhau, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều có những thứ tự ưu tiên
trước sau, nhưng mục đích xuyên suốt vẫn là độc lập, chủ quyền, tự do cho đất
nước, hạnh phúc cho nhân dân. Chúng ta sẽ không vì bất cứ lợi ích trước mắt,
lợi ích cục bộ nào mà đánh đổi hoặc nhân nhượng. Đây là nguyên tắc tối cao, bất
biến trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong
lịch sử cách mạng Việt Nam, để đạt được và bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia
- dân tộc, dù nhiều lần đứng trước thách thức nghiệt ngã của lịch sử, nhưng
chúng ta vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, “dĩ bất biến ứng vạn biến”,
giành chiến thắng từng bước, thậm chí có lúc phải nhân nhượng để tranh thủ
khoảng thời gian hòa bình quý báu, tránh tối đa tình thế bất lợi cho cách mạng,
đồng thời bảo toàn, củng cố lực lượng, dồn sức cho cuộc đấu tranh trường kỳ
gian khổ, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo đảm và bảo vệ lợi ích tối cao
của quốc gia - dân tộc.
Thưc
hiện nhiệm vụ đối ngoại vì lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu tối thượng,
hàng đầu, xuyên suốt đã được Đảng ta khẳng định trong các văn kiện đại hội
Đảng. Đại hội XI đã nêu rõ mục tiêu đối ngoại là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc,
vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Đại hội XII khẳng định: “Bảo
đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản
của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối
đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa
phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là
bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Theo
đó, nhiệm vụ xuyên suốt, bao trùm của đối ngoại là đưa đất nước vào vị trí có
lợi nhất trong mọi diễn biến bất định của tình hình thế giới, khu vực, xu thế
quốc tế và tương quan lực lượng chính trị thế giới; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định để phục vụ phát triển, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia - dân
tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Kiên định thực hiện chính sách đối ngoại
độc lập, tự chủ
Độc
lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại là khả năng tự quyết trong các vấn đề
liên quan tới hoạch định và triển khai chính sách, chiến lược, hành động của
mình, mà không chịu bất kỳ sức ép hay tác động, áp đặt từ các yếu tố bên ngoài,
nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Độc lập, tự chủ còn là khả
năng đứng vững, chống chịu trước mọi biến động của thời cuộc, thể hiện rõ tinh
thần độc lập, tự cường, dựa vào chính mình để bảo vệ lợi ích của đất nước, dân
tộc. Độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với biệt lập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa
và hội nhập quốc tế, độc lập, tự chủ chính là sự chủ động tăng cường mở rộng
hợp tác quốc tế, xử lý đúng đắn, hài hòa, cân bằng các mối quan hệ lợi ích dân
tộc và giai cấp, quốc gia và thời đại. Và trong quá trình mở rộng hợp tác với
thế giới, độc lập, tự chủ chính là “mỏ neo” quy định quá trình hội nhập quốc
tế. Nói cách khác, độc lập, tự chủ của một quốc gia sẽ quyết định mức độ, phạm
vi, chiều hướng hội nhập quốc tế của quốc gia đó.
Hiện
nay, thế giới đang trong ngã rẽ của những biến chuyển liên quan đến cạnh tranh
nước lớn cũng như những điều chỉnh chính sách của họ. Mọi động thái của các
cường quốc đều ảnh hưởng, chi phối đến sự vận động, phát triển của thế giới.
Trong môi trường quốc tế bất định, bất an đó, các nước, nhất là các nước nhỏ,
đều chuẩn bị cho mình một tâm thế tự chủ, khả năng độc lập trước mọi biến động
của tình hình, không ngả nghiêng, dao động, không chịu bất kỳ sức ép bên ngoài
nào. Giữa muôn vàn quan hệ lợi ích đa chiều, chồng chéo, đan xen và sự cạnh
tranh đối đầu quyết liệt giữa các nước lớn, sức ép của các nước lớn với các nước
vừa và nhỏ cũng theo chiều hướng gia tăng, đòi hỏi phải có đối sách thận trọng,
mềm dẻo và khôn khéo để duy trì quan hệ cân bằng, tạo thế đan xen lợi ích, giữ
được thế trung lập và chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, tránh rơi vào tình
trạng đối đầu hay lệ thuộc, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, vừa bảo vệ hòa
bình.
Độc
lập, tự chủ là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam, là căn cứ quan trọng
nhất để hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của nước ta. Thực tiễn
cách mạng Việt Nam trong quá trình đấu tranh, bảo vệ, giữ vững nền độc lập Tổ
quốc, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã cho thấy điều đó.
Sau
hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử, hội đủ tiền đề nội lực để có thể phát huy thế mạnh, bảo đảm sự tự chủ
trong các quyết sách liên quan đến vận mệnh phát triển và an ninh của đất nước.
Điều này thể hiện rõ trong sự đi lên của đất nước, với cơ đồ, tiềm lực, vị thế,
uy tín quốc tế ngày càng nâng cao. Việt Nam đã tích cực tham gia vào đời sống
quốc tế, góp phần tạo dựng, duy trì, củng cố và gìn giữ môi trường hòa bình, an
ninh, ổn định, phát triển. Đảm đương xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2020 - 2021, liên tục
được bầu chọn vào các vị trí quan trọng trong các tổ chức khu vực, quốc tế là
những minh chứng cho một Việt Nam ngày càng tự chủ, tự tin, độc lập. Trước
những diễn biến mới, phức tạp của một số quốc gia, khu vực trên thế giới, Việt
Nam vẫn luôn kiên trì, kiên định giữ vững lập trường đối ngoại, tạo dựng được
lợi thế quốc gia và vị thế quốc tế. Do đó, việc cho rằng Việt Nam cần đi
theo và dựa vào một bên để làm điểm tựa chống lại bên khác như một số “luận
điệu rao giảng”, sẽ chỉ là ảo tưởng, phi thực tế và vô căn cứ.
Nhất quán chính sách đối ngoại đa dạng hóa,
đa phương hóa
Trong
dòng chảy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, thực hiện chính sách đối
ngoại cân bằng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại là một trong những
lựa chọn của không ít các quốc gia trên thế giới nhằm tối ưu hóa lợi ích quốc
gia.
Trong
lịch sử thế giới, mọi quốc gia, dân tộc trong giải quyết các mối quan hệ đối
ngoại đều đề cao và đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc mình lên trên hết. Đặc
biệt, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước vừa hợp tác, vừa đấu tranh với
nhau, vừa là đối thủ, vừa là đối tác của nhau. Không có một quốc gia nào vì
quyền lợi nước khác mà hy sinh quyền lợi của nước mình. Do đó, quan điểm liên
minh với nước này để chống nước khác hoàn toàn là phi thực tế. Hơn nữa, nếu chỉ
trông chờ ảo tưởng vào sự trợ giúp của nước ngoài thì quốc gia đó sẽ trở thành
quân cờ trong bàn cờ chiến lược của họ. Nếu chỉ dựa vào một bên, rơi vào quỹ
đạo ảnh hưởng của nước khác, không sớm thì muộn, sẽ trở thành đối tượng chiến
lược, đối đầu với nước lớn khác, thậm chí còn làm trầm trọng, căng thẳng và
phức tạp thêm tình hình. Nó sẽ khiến quốc gia phải lệ thuộc vào chính sự lựa
chọn này, là một trong những nguồn gốc làm mất tính độc lập, tự chủ, làm xói
mòn sức mạnh, vị thế của đất nước. Nhiều bài học xương máu của các nước trong
lịch sử và cả hiện tại minh chứng rõ điều đó.
Bối
cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay buộc các nước, nhất là các nước
vừa và nhỏ, phải có chính sách đối ngoại khôn khéo, giữ cân bằng quan hệ trên
tinh thần đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trên nguyên tắc bình
đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mở
rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trên thế giới không phân biệt chế độ
chính trị - xã hội là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong
các văn kiện Đại hội. Trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong thời gian vừa
qua, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa giúp Việt Nam tạo dựng một
mạng lưới quan hệ rộng khắp, tranh thủ được nhiều yếu tố thuận lợi cho công
cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế quốc
tế.
Thực
hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, đan xen lợi ích với các
đối tác chính là nhằm giúp đất nước tránh bị “ngả” về một bên, tránh bị lệ
thuộc hoặc bị “kẹt” trong những toan tính chiến lược của các nước khác, bảo đảm
sự vững vàng về tâm thế độc lập, tự chủ thông qua sự gia tăng tùy thuộc lẫn
nhau giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Lịch
sử dân tộc đã chứng minh, để bảo vệ được chủ quyền, độc lập dân tộc, ông
cha ta đã phải rất khéo léo trong việc xử lý mối quan hệ bang giao. Nằm ở
vị trí địa - chính trị xung yếu, trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ
nước, Việt Nam luôn phải đối mặt với việc xử lý mối quan hệ với các nước lớn.
Do vậy, sự lựa chọn duy nhất trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ buộc ông cha ta
phải đứng lên chống ngoại xâm, giành và bảo vệ vững chắc độc lập, song vẫn phải
giữ đối sách ứng xử mềm, khôn khéo nhằm bình ổn đất nước, giữ yên bờ cõi.
Ngoại
giao đa phương trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chính sách đối ngoại làm bạn với
tất cả các nước, không gây thù oán với ai đã được Người vận dụng khéo léo trong
mọi hoàn cảnh. Năm 1947, thay mặt nhân dân, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, Người gửi thông điệp tới nhân dân toàn thế giới là: Việt Nam chủ trương
làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai(3).
Người hết sức coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có
chung biên giới; mở rộng bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đối với kẻ thù khi bị sa lầy, bại trận, Người luôn tạo điều kiện, sẵn sàng mở
cho đối phương một con đường rút lui trong danh dự. Trong ứng xử với các nước
lớn, Người luôn khôn khéo xây dựng và giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp, tranh
thủ được sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của dân
tộc. Khoan hòa, nhưng rất kiên quyết, kiên định nguyên tắc với kẻ thù. Người
từng chỉ rõ, nguyên tắc thì phải vững chắc, nhưng sách lược cần linh hoạt.
Chính vì vậy, cách ứng phó linh hoạt, mềm dẻo của Người, thậm chí có lúc chấp
nhận lùi một bước để tiến những bước xa hơn, không những tranh thủ được thời cơ
vàng để đưa cách mạng tiến lên, mà còn thu phục được sự nể trọng của đối
phương.
Đường
lối ngoại giao đa phương của Việt Nam ngày nay mang dấu ấn đậm nét tư tưởng
ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành
viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Trong triển khai chính
sách đối ngoại đa phương, Việt Nam xây dựng, củng cố, phát triển mạng lưới quan
hệ quốc tế đa dạng, duy trì cân bằng quan hệ với các nước lớn, “coi trọng phát
triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng;... đẩy
mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt
là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác,
tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”.
Đối
với các nước lớn, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại “không chọn bên”, đặt
mục tiêu lợi ích quốc gia trong ứng xử với các nước này. Tăng cường đa dạng
hóa, mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều đối tác sẽ giúp tạo nên một không gian
lựa chọn rộng lớn nhiều chiều, nhiều tuyến, nhiều tầng nấc... nhằm tránh bị lệ
thuộc vào một vài đối tác, thị trường, thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích an ninh
và phát triển của Việt Nam, góp phần huy động những nguồn lực và sự ủng hộ của
cộng đồng quốc tế phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong
điều kiện hiện nay, giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn được hiểu là
không ngả nghiêng, dao động, không chịu sức ép trước sự lôi kéo, tác động ảnh
hưởng từ bên ngoài. Cân bằng trong quan hệ đối ngoại thể hiện sự độc lập, tự
chủ trong chính sách, tránh sự lệ thuộc một chiều vào một bên. Trong thế giới
toàn cầu hóa và cạnh tranh nước lớn, giữ được thế cân bằng đòi hỏi phải có thực
lực và tinh thần tự chủ. Trong hơn 35 năm đổi mới, thực lực cũng như vị
trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới không ngừng được nâng cao. Quan hệ song
phương và đa phương của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực
ngày càng mở rộng, đi vào thực chất, hiệu quả. Việt Nam giữ vững chính sách
quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với
nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử
dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa
sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Theo đó, chúng ta không dựa vào bên nọ để
chống bên kia và ngược lại; phát triển quan hệ đối ngoại đa phương, thiết lập,
củng cố quan hệ với tất cả các nước, nhất là các đối tác chiến lược; gia tăng
đan xen lợi ích chung với nhiều nước, tranh thủ tối đa và tạo sự ủng hộ, giúp
đỡ của cộng đồng quốc tế; ngăn ngừa nguy cơ và đối phó hiệu quả với mọi hình
thức chiến tranh xâm lược...
Đứng
vững trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa,
sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc
tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Thực
tế sinh động diễn ra trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, đã
minh chứng cho tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của của Đảng và Nhà nước
Việt Nam. Với mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, chính
sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của
Việt Nam đã góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập,
chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế
độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam được mở rộng, ngày càng đi
vào chiều sâu, ổn định; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; đời sống
nhân dân được nâng cao, cải thiện. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với
189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 17
nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là
thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan
trọng, như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
(APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)... Trong thực hiện đường lối đối ngoại,
Việt Nam luôn tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không
can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Đối với những vấn đề phức tạp của
các quốc gia, Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao
đổi, đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện
pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế,
Việt Nam luôn phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng
đồng quốc tế, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối ngoại. Vai trò, vị thế, uy tín của
Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Thực tế đó là minh chứng
không thể phủ nhận về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa
phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh
tranh chiến lược phức tạp và nhiều xu hướng tập hợp lực lượng đa chiều hiện
nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét