Để nâng cao hiệu
quả đấu tranh với những kẻ “cơ hội chính trị” cần nhận thức đúng những biểu
hiện của kẻ “cơ hội chính trị” và tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu
tranh phòng, chống kẻ “cơ hội chính trị” hiện nay. Từ đó, chủ động, kịp thời,
kiên quyết thực hiện những biện pháp, bước đi thích hợp, không cho chúng có cơ
hội trở thành một trào lưu, một lực lượng ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng của
Đảng, của Nhân dân và Quân đội ta.
“Cơ hội chính trị” là một bộ phận
không nhỏ những kẻ cơ hội, thiếu lý tưởng cộng sản, tìm cách chui vào Đảng
để tìm cơ hội “thăng quan tiến chức”. Bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân,
họ tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc để đạt danh vọng.
Họ say mê quyền lực, địa vị, coi như một thứ có thể mua bán, tiến thân, từ đó
mà khéo luồn lách, nịnh bợ cấp trên; chèn ép cấp dưới. Họ kéo bè kết cánh, dựa
vào các mối quan hệ thân thiết, tiền bạc để tìm cách chạy chức, chạy quyền,
chạy danh, chạy lợi, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy tuổi... Họ lợi dụng việc
tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển cán bộ để trục lợi cá nhân, tìm mọi cách đưa
người “cùng cánh” vào nắm những chức vụ quan trọng trong cơ quan, đơn vị mà
không chịu chọn những người có đức, có tài, đủ tâm, đủ tầm vào vị trí xứng
đáng, thậm chí họ sẵn sàng “dìm” người khác để nâng mình lên, vì lợi ích cá
nhân mà bất chấp lợi ích tập thể; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức
của Đảng; không gương mẫu trong công tác; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ
được giao. Từ đó, họ dần từ bỏ trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân,
không còn là “công bộc” của dân, trở thành những “ông quan” cách mạng, đục
khoét tiền bạc, của cải của Nhà nước, nhân dân.
Ngoài ra, còn có những đối tượng cơ
hội chính trị cực đoan, nhóm này thường bộc lộ công khai tư tưởng bất mãn,
chống đối. Họ triệt để khai thác các khiếm khuyết của cơ chế, chính sách, lợi
dụng những người có địa vị, uy tín cá nhân nhưng bất mãn hoặc đã từng bị xử lý,
nhằm tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng, công kích chính diện vào chủ trương
đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước ta với động cơ và mục
đích không lành mạnh, gieo rắc tâm trạng hoài nghi, tư tưởng bất mãn, chống
đối, phục vụ cho mưu đồ bạo loạn, lật đổ khi có đủ các điều kiện. Bộ phận khác
do “công thần”, sống vụ lợi ích kỷ, thiếu tu dưỡng rèn luyện, khi lợi ích cá
nhân không được đáp ứng, thể hiện và biểu lộ công khai quan điểm bất mãn. Họ
thường nói và làm trái với quan điểm của Đảng, gây xáo trộn và dư luận xấu
trong xã hội,…
Có thể khẳng định, những kẻ cơ hội
chính trị có nhiều cấp độ biểu hiện, có nhiều dạng và tồn tại ở nhiều vị trí
khác nhau, nó là những con “sâu”, con “mọt” đang ngày đêm đục khoét phá hoại
Đảng và chế độ XHCN ở nước ta, làm suy yếu sức mạnh của tổ chức đảng và đội ngũ
cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đoàn kết, thống nhất trong
Đảng. Chính vì vậy, tăng cường đấu tranh với những kẻ “cơ hội chính trị” là một
trong những nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay.
Để đấu tranh có hiệu quả với những kẻ
“cơ hội chính trị”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nói chung, các cơ quan,
đơn vị trong Quân chủng PK-KQ nói riêng cần chủ động, kịp thời, kiên quyết thực
hiện những biện pháp, bước đi thích hợp, kết hợp chặt chẽ giữa “phòng” và
“chống”, không thỏa hiệp với những tư tưởng, biểu hiện của kẻ “cơ hội chính
trị” ở mọi nơi, mọi lúc. Đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư
tưởng, lý luận, kinh tế, văn hóa, xã hội,… không cho chúng có cơ hội trở thành
một trào lưu, một lực lượng ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng của Đảng, của
Nhân dân ta.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị, sự phối hợp và tổ chức chặt chẽ của các lực lượng tạo thành thế
trận vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng nói chung, chống chủ nghĩa cơ hội nói riêng. Kiên quyết ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quán triệt, cụ thể hóa các
nội dung Nghị quyết thành các văn bản pháp luật thành kế hoạch, chương trình cụ
thể; nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ
chủ trì trong thực hiện Nghị quyết, nêu gương trong lời nói, hành động, công
việc, đời sống riêng và thực hiện nghiêm chế tài giám sát, kiểm soát sự nêu
gương ấy.
Xây dựng các tổ chức đảng TSVM, cơ
quan, đơn vị VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật
sự vững mạnh, không tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất đoàn kết. Tiếp tục đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển
biến rõ rệt về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo
đức, lối sống và tác phong công tác.
Thực hiện có nền nếp và chất lượng
việc đấu tranh tự phê bình và phê bình. Thường xuyên nâng cao trình độ lý luận
về chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng để tạo sức
“đề kháng” trước sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên
lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Tăng cường công tác quản lý chính trị nội bộ, kịp
thời đấu tranh và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét