Sau 37 năm đổi mới, tích cực và chủ động hội
nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong bảo vệ, thúc đẩy
quyền con người, quyền dân chủ và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân
dân. Điều đó được thể hiện sinh động trên thực tế và được cộng đồng quốc tế ghi
nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, với mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, phản
động chẳng những không thừa nhận, mà còn ra sức chống phá, với những luận điệu
xuyên tạc đến mức lố bịch, họ cho rằng: ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng,
tôn giáo.
Việt Nam là đất nước có truyền thống
văn hóa lâu đời, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Có thể nói, tôn giáo ở
Việt Nam được ví như bức tranh thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới, từ các hình
thức sơ khai, như: Tô tem giáo, Ma thuật giáo, Saman giáo đến các tôn giáo lớn,
được hình thành từ rất sớm, có tổ chức chặt chẽ, như: Công giáo, Phật giáo, Tin
Lành, Hồi giáo,… trong đó có những tôn giáo du nhập từ bên ngoài, nhưng cũng có
nhiều tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Thiền phái Trúc Lâm,
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương, v.v. Loại hình tổ chức của các tôn giáo cũng đa dạng: có những tôn giáo
chỉ có một tổ chức duy nhất (Phật giáo, Công giáo) và cũng có những tôn giáo có
rất nhiều tổ chức khác nhau (Tin Lành, Cao Đài), v.v. Nếu như nhiều quốc gia
thường có một tôn giáo giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống
chính trị, xã hội, thì ở Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng cùng tồn
tại và bình đẳng về vị thế, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo, ảnh
hưởng quyết định đến đời sống xã hội Việt Nam.
Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù
địch, phản động luôn coi vấn đề dân tộc, tôn giáo là “ngòi nổ” trong mưu đồ
chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Họ câu kết với các phần tử
cơ hội chính trị, chống đối, cực đoan lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để
chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, xuyên tạc tình hình tự do tín
ngưỡng, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở
trong nước, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chính quyền một số địa
phương trong thực hiện các chính sách về kinh tế, xã hội, một số chức sắc tôn
giáo có tư tưởng cực đoan bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để lồng
ghép yếu tố chính trị, kích động, gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta
đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng,
tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, v.v. Ở ngoài nước, một
số nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng
tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, kích động
nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo”, “nhân
quyền”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp.
Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đưa ra các
báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có nêu một số nội
dung nhận định thiếu khách quan, sai lệch dựa trên những thông tin chưa được
kiểm chứng và không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực tế
tại Việt Nam. Họ cho rằng: Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế khi chính
quyền sách nhiễu các tổ chức tôn giáo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số khu vực ở
Đồng bằng sông Cửu Long; sách nhiễu những thành viên của các nhóm tôn giáo tham
gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ
chức chỉ trích chính quyền; cản trở việc thực hành tôn giáo của phạm nhân. Đồng
thời, nêu quan ngại về một số trường hợp “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn
giáo”,... đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do
tôn giáo - SWL”. Lợi dụng việc đó, các thế lực thù địch, phản động, chống đối,
cơ hội chính trị “té nước theo mưa”, ra sức xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, phê phán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước
ta.
Ngày 09/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền
thông đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt “Sách trắng Tôn
giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Đây là tài liệu chính thống, kịp
thời cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo ở Việt
Nam và những thành tựu, cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; một trong những công cụ chuyển tải thông tin
trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền,
tôn giáo, làm cơ sở tham chiếu, chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam trong việc
đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, khẳng định chính sách nhất
quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.
Những thành tựu thực tiễn trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta cho thấy, tôn trọng và bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là quan điểm, chính sách
xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm đó được thể hiện trong
các văn bản của Đảng ngay từ khi mới thành lập, nhất là trong công cuộc đổi mới
toàn diện đất nước đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ về công tác tôn giáo được ghi
dấu bằng nhiều nghị quyết, tiêu biểu như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày
12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “Về công tác tôn
giáo trong tình hình mới”, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ
Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng, v.v. Trong đó, khẳng định rõ: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu
cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong
quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là bộ phận
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; coi trọng giữ gìn và “phát huy những giá
trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển
đất nước”; “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân
tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của
pháp luật”1.
Quan điểm nhất quán ấy đã được thể chế
hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và các chính sách nhằm bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo thực tế của người dân, phù hợp với từng giai đoạn của cách
mạng Việt Nam. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
(năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau
này, đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các
quyền cơ bản của con người. Hiến pháp (năm 2013) ghi rõ: “Mọi người có quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn
trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Thực hiện các nguyên tắc đã được hiến
định, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín
ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Trong
đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa XIV) thông qua
ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 là dấu son trong lộ
trình cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với đời
sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam. Đồng thời,
khẳng định với quốc tế rằng, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách
nhiệm trong đảm bảo quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Các cấp tiếp tục tham mưu, triển khai
thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thông tin, tuyên
truyền về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cùng
với đó, quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động
theo đúng hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các
nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt
tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo và
có hướng giải quyết thấu đáo các vụ việc phát sinh. Chủ động phòng ngừa, kiên
quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia
rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xuyên tạc, vu
cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét