Trong giai đoạn hiện nay một trong những
chiêu bài đang được các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong sử dụng là
móc nối, liên kết với các tổ chức phi chính phủ quốc tế lập các dự án về dân
chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo nhằm mục đích bôi nhọ, tạo hình ảnh, dư luận
xấu để hạ uy tín Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời lấy cớ
kích động thành phần cực đoan, quá khích ở trong nước phá hoại, gây phức tạp về
an ninh, trật tự.
Thời
gian qua, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) ở hải ngoại thường xuyên
tiến hành các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng,
tôn giáo tại Việt Nam; tổ chức các hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã
hội với chủ đề “tự do tôn giáo tại Việt Nam”. Thành phần tham gia là cá nhân
phạm tội, vi phạm pháp luật đã bị xử lý và đại diện cá nhân trong tổ chức tôn
giáo không được pháp luật công nhận, thậm chí đang bị chính quyền đưa vào diện
xóa bỏ do liên quan đến yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi gây ảnh hưởng xấu trong
đời sống xã hội. Gần đây, tổ chức BPSOS đã thành lập cái gọi là “Đề án dân
quyền Việt Nam”, đưa ra “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, đăng tải trên
Facebook “Bàn tròn tôn giáo Việt Nam” phục vụ mục đích chống phá đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo trên không
gian mạng.
Ngày 28/12/2023, tổ
chức BPSOS công bố về cái gọi là “Dự án quốc tế nhắm vào các tổ chức tôn giáo
được sử dụng làm công cụ đàn áp tôn giáo”. Mục đích của dự án được tổ chức này
mô tả rằng: “Nghiên cứu và đánh giá toàn diện các tác hại của các tổ chức tôn
giáo quốc doanh được chính quyền Việt Nam sử dụng làm công cụ tấn công các tổ
chức tôn giáo những tín đồ độc lập”. Đứng sau bảo trợ cho dự án là tổ chức “Ủy
hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế” (tên tiếng Anh United State Commission on
International Religiuos Freedom, viết tắt USCIRF), cơ quan này thường xuyên là
đầu mối tư vấn cho Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ về chính sách đối
ngoại về tự do tôn giáo toàn cầu. Đối với Việt Nam, tổ chức USCIRF hằng năm đều
cử các đoàn khảo sát tự do tôn giáo vào Việt Nam gặp gỡ các chức sắc cực đoan
chống đối như linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, linh mục Đặng Hữu Nam (Công
giáo), Hứa Phi (Cao Đài), Thích Không Tánh (Phật giáo Việt Nam thống nhất),
liên tiếp thúc ép Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các
nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), gần đây nhất là danh sách
“cần theo dõi về tự do tôn giáo” (SWL).
Đối
tượng khảo sát của “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, BPSOS nhắm vào 6 tổ chức
được lựa chọn để nghiên cứu: Chi phái Cao Đài 1997, Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam - Miền Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam - Miền
Bắc, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Đây là
những tổ chức tôn giáo, hội nhóm tôn giáo đang hoạt động tích cực ở Việt Nam,
được pháp luật thừa nhận, bảo hộ. Để khảo sát các tôn giáo, BPSOS đã tự cho
mình quyền phán xét, phục dựng những thông tin về các tổ chức tôn giáo, được mô
tả là: “Lịch sử hình thành và tính cách lệ thuộc nhà nước, cách thức nhà nước
sử dụng nó làm công cụ để thực hiện hoặc che đậy chính sách đàn áp tôn giáo và
những tác hại gây nên cho các cộng đồng hay nhóm tôn giáo độc lập; lập danh
sách các cơ sở tôn giáo đã bị nhà nước tịch thu, phá hủy, hoặc bàn giao cho các
tổ chức kể trên”… Họ quảng bá rằng, việc đề ra nội dung khảo sát nhắm đến những
tổ chức tôn giáo, hội nhóm tôn giáo chính thống có uy tín, ảnh hưởng lớn ở
trong nước, có đường hướng hoạt động đồng hành cùng dân tộc, có sự ổn định về
tổ chức, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn thu thập thông tin liên quan đến “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”,
BPSOS cho rằng đã tiến hành thu thập qua các nguồn, phỏng vấn nhân chứng, người
am hiểu các tổ chức, qua văn bản, tài liệu của nhà nước Việt Nam… Thế nhưng sự thật lại hoàn toàn khác, điểm
qua những gương mặt được lựa chọn phỏng vấn mà họ gọi là “nhân chứng”, thực
hiện trong 2 tháng thì đều tập trung vào những cá nhân chống đối, số phạm tội
hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác như một số đối tượng liên quan vụ khủng
bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk, một số chức sắc, tín đồ người Mông theo
đạo Tin Lành có quan điểm sai trái để rêu rao, lên án chính quyền Việt Nam “đàn
áp đạo Tin Lành”; phỏng vấn một số cá nhân chống phá trong Giáo hội Phật giáo
Việt Nam thống nhất - tổ chức không được pháp luật thừa nhận tại Việt Nam.
Từ hoạt động của BPSOS với cái gọi là
“Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” cho thấy: Thứ nhất, các thế lực thù địch
chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đặc
biệt đối với lĩnh vực có tính nhạy cảm như tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế cho
thấy, họ luôn lợi dụng con bài tự do tôn giáo để nuôi dưỡng, dung túng cho
những tổ chức phản động lưu vong, hỗ trợ những thành phần chống đối trong nước
tìm cách tác động, xuyên tạc tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam hòng
gây sức ép, hạ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Họ dựa trên những báo cáo
sai lệch để xuyên tạc tình hình thực tế tín ngưỡng, tôn giáo trong nước, trực
tiếp can thiệp việc xử lý số đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá ở Việt
Nam.
Thứ
hai, bản chất của BPSOS là núp bóng danh nghĩa một tổ chức phi chính phủ hoạt
động với mục đích “từ thiện, trợ giúp người tị nạn” nhưng bản chất BPSOS cũng
là một tổ chức phản động lưu vong luôn tìm cách phá hoại sự nghiệp xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Tổ chức BPSOS đã đề ra mục tiêu sẽ lôi kéo, tập
hợp lực lượng trong nước hình thành khoảng 1.000 “cộng đồng” (thực chất là các
hội, nhóm xã hội dân sự) với đa dạng thành phần (các dân tộc, tôn giáo, công
nhân, công chức, trí thức...), tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam nhằm
chuyển hóa thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Cho đến nay, với “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, BPSOS càng cho thấy
quyết tâm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua lĩnh vực tín ngưỡng, tôn
giáo để tập hợp lực lượng từ bên trong với sự hỗ trợ, hà hơi tiếp sức của thế
lực thù địch bên ngoài.
Thứ ba, điểm cốt yếu
của “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” là muốn triển khai rộng rãi bắt buộc tổ
chức BPSOS phải tham khảo, khảo sát thông tin từ cá nhân, tổ chức tôn giáo
trong nước. BPSOS đã lập ra các tài khoản mạng xã hội, gmail để chức sắc, tín
đồ có thể gửi hình ảnh, thông tin, từ đó tập hợp trở thành những “báo cáo” nhào
nặn thành “chứng cứ” làm cơ sở cho Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng.
Những
âm mưu, hoạt động của BPSOS với cái gọi là “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”
càng lộ tẩy dã tâm phá hoại khối đại đoàn kết tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam,
gây nên những bất ổn chính trị trong nước, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch
bên ngoài can thiệp. Chính vì vậy, cần nhận thức rõ âm mưu, ý đồ của tổ chức
BPSOS về “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” để người dân trong nước có “đề
kháng”, không cung cấp những thông tin sai trái, thiếu căn cứ liên quan đến tín
ngưỡng, tôn giáo cho các tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu; lên án, phê phán bản
chất của BPSOS với những thủ đoạn, ý đồ lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta dưới cái gọi là “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” như
nêu ở trên. Đoàn kết tín ngưỡng, tôn giáo là truyền thống được các tôn giáo ở
nước ta gìn giữ, phát huy, tạo nên sức mạnh trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và
góp phần bảo vệ giá trị văn hóa của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét