Tự do ngôn luận - một
trong những quyền cơ bản của con người
Quyền tự
do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự
và chính trị năm 1966. Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948
nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo
lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền
bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không
có giới hạn về biên giới”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị (ICCPR) năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền
này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không
phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc
dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào
tùy theo sự lựa chọn của họ”. Có thể nói, tự do ngôn luận là cơ sở quan trọng để
thực hiện đầy đủ các quyền con người khác và gắn liền với quyền tự do biểu đạt,
tự do hội họp, lập hội, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quyền
tham gia quản lý các công việc của nhà nước và xã hội.
Tuy
nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay,
hình thức thể hiện của tự do ngôn luận đã có sự biến đổi lớn. Internet và mạng
xã hội trở thành công cụ phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư
tưởng, truyền bá thông tin, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Sức lan tỏa và ảnh
hưởng của nó đôi khi còn mạnh mẽ và nhanh chóng hơn cả báo chí truyền thống và
các hình thức biểu đạt khác. Thực tế này đã đặt ra nhiều vấn đề về xã hội và
pháp lý, trong đó có việc quản lý thông tin trên không gian mạng.
Giới hạn
của quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng
Tự do
ngôn luận là quyền con người cơ bản, nhưng luôn phải có giới hạn trong khuôn khổ
của pháp luật. Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng
định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất
định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng
các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự
công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy, quyền tự do ngôn luận
không phải là tự do tuyệt đối. Trong một số trường hợp nhất định, tự do ngôn luận
có thể xung đột với các giá trị hay quyền chính đáng khác.
Đặc biệt,
trong bối cảnh bùng nổ của internet và mạng xã hội, thông tin càng trở nên phức
tạp và khó kiểm soát. Thông qua các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, người
dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền bất cứ
thông tin gì thông qua tài khoản cá nhân của mình mà không chịu bất kỳ giới hạn
nào. Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người chưa bao giờ trở nên dễ
dàng và có sức lan truyền nhanh chóng đến thế. Nhưng chính điều này cũng mang đến
những nguy cơ khi quyền này bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông
tin trên không gian mạng có quan điểm sai trái, thái độ cực đoan, nhận thức
pháp luật chưa đầy đủ…
Nhìn
vào thực tiễn thực thi pháp luật của nhiều nước trên thế giới, có thể thấy
không hề tồn tại cái được gọi là quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Mỗi quốc gia,
tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh cụ thể mà đưa ra những giới hạn nhất định đối
với việc thực hiện tự do ngôn luận của công dân. Ở Mỹ, giới hạn của tự do
ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các tòa án, đặc biệt là Tòa
án Tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn
có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn, mà không bị xem
là vi hiến.
Nhiều nước châu Âu
khác cũng rất nghiêm khắc trong vấn đề này nhằm chống lại mọi hình thức tuyên
truyền kích động, tiến hành xử lý hình sự đối với những phát ngôn thù ghét và
kích động. Italia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hình sự hóa các hành vi phỉ
báng, xúc phạm danh dự của tổng thống hay các thành viên hoàng gia. Bên cạnh
đó, trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận để
phát ngôn thù địch, tiêu cực trên internet, Liên minh châu Âu (EU) đã ban
hành Bộ Quy tắc ứng xử trên internet với sự cam kết hành động của
bốn doanh nghiệp mạng lớn nhất thế giới bao gồm Facebook, Twitter, Youtube và
Microsoft. Những động thái này nhằm “bảo đảm quyền tự do ngôn luận đúng nghĩa của
người dân và tạo cơ sở để xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh”(1).
Ở Việt
Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó
có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định
ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946:
“Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và
hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”
(Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục
khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông
tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy
định” (Điều 25).
Nhận
thức rõ tầm quan trọng, lợi ích cũng như những hiểm họa từ mặt trái của internet và
mạng xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm
phát triển internet và mạng xã hội; đồng thời bảo vệ an ninh mạng và
phòng, chống lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính
quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong đó phải kể đến Chỉ
thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư khóa XI, về “Tăng cường
công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày
15-7-2013, của Chính phủ, về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
internet và thông tin trên mạng”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày
17-6-2014, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường công tác bảo đảm an
ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”. Văn kiện Đại hội
XII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin
trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là
cho thanh niên, thiếu niên”. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị quyết
số 35-NQ/TW, ngày 22-1-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công
tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động
lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ Quốc phòng, Bộ
Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý
nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Bộ
Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) được thành lập theo Quyết định
số 1198/QĐ-TTg, ngày 15-8-2017, của Thủ tướng Chính phủ, đóng vai trò nòng cốt
trong việc bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng,
chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Luật
Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm
2018, đều quy định rõ những hành vi như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch,
xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang
trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc,
anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan,
tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... đều bị pháp luật xử lý.
Các thế
lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng tự do ngôn luận
để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, gây
kích động, hoang mang trong nhân dân, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an
toàn xã hội. Chẳng hạn, liên quan đến việc thông qua Luật An ninh mạng,
nhiều trang điện tử và các phần tử phản động đã đưa tin bóp méo, xuyên tạc, cho
rằng luật này “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”, “vi phạm tự do ngôn
luận, báo chí, internet”. Một số người không đủ thông tin, thiếu hiểu biết nên
dễ dàng tin theo và có những phát ngôn chống đối, cản trở việc thi hành Luật. Vụ
việc Đồng Tâm ngày 9-1-2020 gây chấn động và chia rẽ trong cộng đồng bởi quá
nhiều luồng tin trái chiều trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch cũng nhân cơ
hội này mà tuyên truyền nhằm chống phá chế độ…
Để đấu tranh phòng, chống lợi dụng quyền
tự do ngôn luận trên không gian mạng, cần phải triển khai đồng bộ các giải
pháp:
Thứ nhất, giáo dục, tuyên
truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng mạng và tinh thần cảnh giác
trước tin đồn. Nâng cao nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin của người
dân và cộng đồng, hình thành thói quen hành xử tích cực trên môi trường mạng. Đây
là giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài để mỗi người dân trở thành bộ lọc
thông tin hiệu quả cho chính mình và cộng đồng.
Thứ hai, thường xuyên
theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống
pháp luật, cơ chế, chính sách giúp quản lý hiệu quả, vừa phù hợp với các quy tắc
điều chỉnh hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, vừa theo kịp sự
phát triển của mạng xã hội.
Thứ ba, cần tăng cường
các biện pháp kỹ thuật. Cụ thể là, đầu tư thỏa đáng cho các cơ quan có trách
nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia. Tuyển dụng, đào tạo đội
ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thực hiện hiệu quả các
biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật. Đồng thời, khuyến khích phát triển mạng xã hội của
Việt Nam; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài,
như Facebook, Google, Twitter, Youtube để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ
những nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét