Cứ
mỗi dịp xuân về, khi các địa phương tổ chức ngày hội tòng quân thì trên không
gian mạng lại xuất hiện các thông tin sai trái, bôi nhọ việc tham gia nghĩa vụ
quân sự, nghĩa vụ Công an (NVQS, CA), đả kích môi trường quân ngũ. Đây là luận
điệu nhằm bôi nhọ hình ảnh, truyền thống của người chiến sĩ Quân đội và Công
an, tạo dư luận xấu, gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Từ đó, tác động đến giới
trẻ, nhất là những người trong độ tuổi thực hiện NVQS, CA, gieo rắc tâm lý tiêu
cực, thoái thác về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc.
Những luận điệu phiến diện, xuyên tạc
Họ
đưa ra các bài viết, status đăng dòng trạng thái của thanh niên thực hiện nghĩa
vụ NVQS, CA năm 2024 với những luận điệu quen thuộc như: “Trong khi các nước
quan tâm chăm lo đào tạo cho thanh niên lập nghiệp, làm ăn kinh tế thì chỉ có
Việt Nam mới bắt ép người dân đi NVQS, CA”; “sao không để thanh niên lập
nghiệp, làm giàu chính đáng lại bắt đi nghĩa vụ”; “chỉ con nhà nghèo mới bị bắt
đi nghĩa vụ”... Thậm chí có những hình ảnh, video được cắt ghép, dàn dựng để
bóp méo sự thật, xuyên tạc về đạo đức, tác phong và hoạt động của cán bộ, chiến
sĩ trong Quân đội, Công an nhằm kích động một số người nhẹ dạ, cả tin, thiếu
hiểu biết chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội, làm nóng vấn đề. Trên mạng xã hội,
các trang tin phản động ở nước ngoài và nhiều page được lập nhằm mục đích chia
sẻ các bài viết về cách thức, thủ đoạn để trốn tránh NVQS, CA như tìm cách làm
sai lệch tình trạng sức khỏe, khai gian thông tin của mình, lợi dụng tiểu xảo
để không đủ tiêu chí khi khám sức khỏe và kiểm tra lý lịch…
Đây
là những luận điệu phiến diện hòng làm cho thanh niên Việt Nam nói chung và
thanh niên nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an nói riêng dao động tư
tưởng, hoài nghi dẫn đến phai nhạt lý tưởng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Không những thế, những người thiếu bản lĩnh khi tiếp nhận thông tin trên sẽ mất
niềm tin vào thế hệ trẻ, không tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước và chủ trương, chính sách của QĐND, CAND. Từ đó, tạo luồng tư tưởng
“tự diễn biến” khiến cho công dân đến tuổi nhập ngũ hoang mang, buông lỏng về
trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với Tổ quốc, làm phụ huynh không muốn cho
con em mình thực hiện NVQS,CA. Cùng với luận điệu sai trái trên là mưu đồ hòng
gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khi các đối tượng phản động
kích động người dân biểu tình, chống phá, kích động các quân nhân đào ngũ,
chống đối việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…
Tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là vinh dự và trách nhiệm
thiêng liêng
Lịch
sử dân tộc đã minh chứng, khi Tổ quốc lâm nguy đã có hàng triệu thanh niên tình
nguyện nhập ngũ tham gia các cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Nhiều
lá đơn được viết bằng máu, thể hiện ý chí, trách nhiệm, quyết tâm của lớp lớp
thanh niên đối với đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, thế hệ thanh niên ngày
nay luôn nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của mình đối với Tổ
quốc, cảm thấy vinh dự khi trở thành người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang
nhân dân Việt Nam.
Hiến
pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao
quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng
nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45, Chương II) và “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN
là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ
nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64, Chương IV). Thể chế hóa Hiến pháp,
Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật CAND quy định rõ việc công dân tham gia nghĩa vụ
Quân sự, Công an.
Theo
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định: “Nghĩa
vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong QĐND”; “Công dân
trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần
xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải
thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Luật cũng chỉ rõ, hành vi trốn tránh, chống đối,
cản trở, gian dối trong khám sức khỏe, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy
định về nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ
luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng,
Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND và CAND là nòng cốt”.
Chính sách và chiến lược quốc phòng của Đảng ta là tăng cường tiềm lực quốc
phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân
dân vững chắc... Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển,
đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để
phát triển bền vững đất nước.
Thực
tiễn lịch sử cho thấy, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát
triển của dân tộc, đó chính là truyền thống quý báu của tổ tiên ta. Ðảng ta đã
vận dụng, phát triển thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các triều đại
phong kiến trong lịch sử Việt Nam đã có chính sách “ngụ binh ư nông”. Chính
sách này ra đời trong bối cảnh một đất nước đất không rộng, người không đông,
lại thường bị các thế lực nước ngoài xâm lược. Chính sách “ngụ binh ư nông” là
sự kết hợp nhiệm vụ duy trì lực lượng quốc phòng với sản xuất, sẵn sàng chuyển
hóa lực lượng quân sự từ sản xuất sang chiến đấu khi cần thiết và ngược lại,
chuyển lực lượng chiến đấu về sản xuất trong thời bình.
Bảo
vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi công
dân. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tuổi trẻ luôn là lực lượng xung kích trên
tuyến đầu chống giặc. Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế
quốc xâm lược, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, lớp lớp thanh niên với
khát vọng tự do đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nêu cao tinh thần “quyết tử
cho Tổ quốc quyết sinh”, họ đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên
Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cùng với toàn quân, toàn dân ta
giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc sống hòa
bình hôm nay là thành quả được đánh đổi bằng xương máu và sự hy sinh cao cả của
bao thế hệ cha anh. Vì vậy, sẵn sàng tham gia nghĩa vụ Quân sự, Công an để góp
phần bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên bình, hạnh phúc của
nhân dân chính là cách để tuổi trẻ thể hiện tinh thần yêu nước, thể hiện trách
nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước.
Bác
Hồ đã từng nói, Quân đội là “trường học lớn” để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn
đấu rèn luyện, trưởng thành. Được phục vụ trong môi trường Quân đội, Công an,
cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân. Môi
trường quân ngũ với đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể
và tình đồng chí, đồng đội… là điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu rèn
luyện, không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện. Do đó, người dân
nhất là những gia đình có con, em đến tuổi thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an
cần nhận thức rõ việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng. Trong quá
trình thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an nếu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện tốt
sẽ được xem xét tuyển vào biên chế của lực lượng Quân đội và Công an. Bên cạnh
đó, sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ Quân sự, Công an và thực hiện xuất ngũ,
các chiến sĩ sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như được cộng điểm khi thi tuyển
sinh vào các trường đại học, học viện, hỗ trợ đào tạo học nghề, tạo công ăn
việc làm… Khi xuất ngũ được hưởng trợ cấp (4 tháng); trợ cấp việc làm (6
tháng); trợ cấp bảo hiểm (4 tháng); thanh toán nghỉ phép; quà Tết; phụ cấp; thẻ
học nghề giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp và ổn định cuộc sống sau này.
Lên
đường thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm,
mà trên hết đó còn là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam để góp phần bảo vệ vững
chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, hội nhập quốc
tế. Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin, chúng ta xúc động trước
những chia sẻ của các nam, nữ thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường nhập
ngũ hay các cơ quan, đơn vị, các gia đình, dòng họ tổ chức lễ tuyên dương, động
viên con em mình lên đường thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an. Những tấm
gương, gia đình, dòng họ đó coi đây là niềm tự hào, nối tiếp truyền thống của
các thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân, ra
sức tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hòa
cùng không khí vui tươi của những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, hàng vạn thanh
niên trên khắp mọi miền Tổ quốc đang nô nức lên đường tòng quân. Thực hiện
nghĩa vụ Quân sự, Công an là điều kiện để thế hệ trẻ thực hiện trách nhiệm,
nghĩa vụ thiêng liêng, góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đây cũng là cơ hội để các thế hệ thanh niên được tu
dưỡng, rèn luyện và trưởng thành. Thực tiễn sinh động đó là minh chứng bác bỏ
các luận điệu về thực hiện nghĩa vụ Quân sự, Công an mà kẻ xấu đang cố tình rêu
rao, xuyên tạc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét