Tự
do báo chí là vấn đề phức tạp, vừa trừu tượng, vừa cụ thể và có sự độc lập
tương đối với các lĩnh vực khác của đời sống. Một trong những âm mưu, thủ đoạn
chống phá dai dẳng của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam là xuyên
tạc, phủ nhận những nỗ lực, thành quả của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự
do báo chí, tự do ngôn luận cho công dân. Các thế lực thù địch tìm đủ mọi lý lẽ
mơ hồ hòng tấn công, xuyên tạc thực tế tự do báo chí, áp đặt quan niệm về tự do
báo chí của các nước tư bản vào nước ta, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai
trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Song, cả
phương diện lý luận và thực tiễn đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí trong
khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Lâu
nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF); các đài BBC, RFA, RFI,
VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân phản động luôn tìm cách xuyên tạc, bịa
đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Mới đây, RSF đã công bố cái gọi là
báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, trong đó xếp Việt Nam hạng
174 trong tổng số 180 quốc gia. Ngày 05/4/2024, trên trang Đối thoại phát tán
bài “Báo cáo 2024 của RSF: Việt Nam trong nhóm bảy nước đội sổ về tự do báo chí”,
nội dung xuyên tạc, vu cáo chính quyền “đàn áp và kiểm duyệt” báo chí, “bỏ tù
có hệ thống” những “nhà báo” cất tiếng trên mạng xã hội; “hạn chế” quyền tự do
tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời phủ nhận những giá trị tự do, dân
chủ ở Việt Nam.
Có
thể thấy, đây là chiêu trò cũ rích nhằm phát tán tin giả, tin sai sự thật, quy
chụp, xuyên tạc trắng trợn về tình hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn
luận ở Việt Nam. Những thông tin sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí như
những mũi kim tiêm tẩm độc xuyên vào nhận thức, thái độ, làm thay đổi thế giới
quan, nhân sinh quan của nhiều người. Một bộ phận người dân hoài nghi, bi quan
về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng nói
chung và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng. Nguy hại hơn, các quan
điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam còn tạo ra cái nhìn
thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; thậm chí có thể ảnh
hưởng tiêu cực đến đánh giá của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về vấn đề
nhân quyền và trình độ phát triển xã hội Việt Nam.
Đầu
tiên, chúng ta phải khẳng định: Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm
trong cộng đồng quốc tế, chúng ta tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều
19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận
và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm
kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền
thông nào và không giới hạn về biên giới”. Về pháp lý: Tự do ngôn luận được hiến
định tại Điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa (năm 1946): “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự
do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra
nước ngoài”. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện
hành (năm 2013) tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các
quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông
tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều có những quy định cụ thể về tự
do ngôn luận, tự do báo chí.
Kể
từ năm 1945 đến nay, Đảng ta đã nghiên cứu, đề xuất, thực hiện nhiều chủ
trương, đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển hệ thống báo chí Việt Nam,
bên cạnh chú trọng các yếu tố về số lượng, chất lượng, chủng loại, Đảng ta quan
tâm đào tạo đội ngũ nhà báo, tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiến tiến, bắt kịp
với thời đại… nhằm giúp cho mọi người có thể tự do tiếp nhận các thông tin dễ
dàng, nhà báo có đầy đủ điều kiện để tự do lao động sáng tạo.
Thực
tiễn về tự do báo chí ở Việt Nam trái ngược hẳn với những gì mà RSF đưa ra. Hiện
nay, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí in và điện tử, hơn 70 cơ quan có giấy
phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Cả nước có hơn 40.000 người hoạt động
trong cơ quan báo chí, trong đó có hơn 17.000 người được cấp Thẻ Nhà báo. Việt
Nam được thế giới ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử
dụng internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người (chiếm 70% dân số). Điều
này đã thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội
dung của cả hệ thống báo chí và truyền thông. Những thành tựu trên đã minh chứng
sinh động cho sự tự do báo chí ở Việt Nam.
Ngoài ra, thực chất RSF tồn tại và hoạt động dựa
vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy,
trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt
một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động.
Về bảng đánh giá tự do báo chí World Press Freedom Index hằng năm được RSF đưa
ra, không khó để thấy căn cứ đánh giá, xếp hạng của RSF không thuyết phục.
Riêng đối với Việt Nam, RSF không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về
tình hình báo chí. Đồng thời, tổ chức này cũng không sử dụng bất kì báo cáo nào
của Chính phủ Việt Nam để đưa ra đánh giá. Trái lại, việc RSF xếp loại tự do
báo chí ở Việt Nam lại thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản
động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam
cung cấp, do đó thông tin không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo
chí ở Việt Nam. Chính vì vậy, mức độ tin cậy trong bảng đánh giá tự do báo chí
được RSF đưa ra hầu như không có.
Cũng
giống như các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam mọi hành vi lạm dụng, lợi
dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế tài
nghiêm khắc theo các điều luật đã quy định. Điều này thường bị các thế lực thù
địch xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước ta “đàn áp và kiểm duyệt” báo chí, “bỏ tù có
hệ thống” những “nhà báo” cất tiếng trên mạng xã hội… Tuy nhiên, trong tiến
trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay
“tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối,
tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị, hoặc cố tình
phủ nhận sự thật. Ở những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới
như Mỹ, Anh thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực
và luật lệ nhất định của nước đó. Ví dụ ở Mỹ, nền báo chí bị hạn chế bởi giới
quân sự. Người dân Mỹ không được tiếp cận thông tin về tình trạng của người dân
vô tội ở các nước Mỹ tấn công quân sự…
Với
cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do
báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tiễn đó bác bỏ, phủ nhận
những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự
do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Đề nghị các đồng chí tích cực tìm hiểu,
nghiên cứu, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực thù địch, phần tử
xấu lợi dụng, bôi xấu chế độ, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở
Việt Nam, hòng gây mất niềm tin, gieo rắc sự hoài nghi, chống phá Nhà nước, chống
phá chế độ, hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét