Nhằm phủ nhận đường lối phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các thế lực
thù địch ra sức xuyên tạc đường lối đó với nhiều quan điểm sai trái. Vì vậy, nhận
diện đúng và tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề này
là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, các cơ
quan, đơn vị và cá nhân mỗi chúng ta.
Bằng quan điểm xuyên tạc, phủ nhận
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các thế lực
thù địch, phản động, cơ hội đã đồng nhất kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa
và chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hoặc
không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần khẳng định ngay rằng, việc các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, coi đây là sản phẩm
riêng của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn. Kinh tế thị
trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, khi mà đầu vào và đầu
ra của quá trình sản xuất đều được thực hiện thông qua thị trường. Kinh tế thị
trường chỉ là một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, tồn tại
ở nhiều chế độ xã hội khác nhau và được chủ nghĩa tư bản sử dụng làm cơ sở cho
sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Chính sự phát triển của sức sản xuất
đạt đến một trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan cho
kinh tế hàng hóa - điểm khởi đầu của kinh tế thị trường tồn tại. Đó là phân
công lao động xã hội và những hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất.
Những điều kiện ấy đã xuất hiện trước chủ nghĩa tư bản và vẫn tiếp tục tồn tại
trong chủ nghĩa xã hội, nên việc duy trì và phát triển kinh tế thị trường hiện
nay ở nước ta là đúng với quy luật đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất
nhỏ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, chứ không phải là sự “xoay trục sang con đường
phát triển tư bản chủ nghĩa”.
Những luận điệu trên thực chất là mưu đồ đen tối, cố tình
xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một bộ
phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng
đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đây là những
luận điệu hết sức phản khoa học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước kinh tế chưa
phát triển, bỏ quan chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất,
khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, từng
bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo
những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi
phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế, Việt
Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam
thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; chất lượng
tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt; kinh
tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối
lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; huy động các nguồn lực
cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh
và chất lượng, hiệu quả được cải thiện… Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá,
Việt Nam là nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Những kết quả đó là
minh chứng thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc,
sai trái, thù địch về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét