Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

NVI41 - KÊNH ĐÀO PHÙ NAM (FUNAN TECHO CANAL) VÀ NHỮNG THÔNG TIN SAI LỆCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Vừa qua vào ngày 08/8/2023, Campuchia đã gửi thông báo đến Ủy hội Sông Mekong về dự án kênh đào từ sông Bassac tới khu vực cảng biển ở tỉnh Kampot-Kep bên bờ Vịnh Thái Lan. Chính phủ Campuchia đặt tên kênh đào này là “Funan Techo Canal” (tạm dịch là “Kênh đào Đế chế Phù Nam”) do Campuchia hợp tác với Trung Quốc xây dựng dự kiến trong 04 năm với chiều dài 180km, chi phí ước tính 1,7 tỷ USD.

Việc xây dựng kênh đào Funan sẽ tạo ra một tuyến đường thủy từ biển đi thẳng vào Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia mà không cần phải đi qua Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam như trước đây. Việc xây dựng kênh đào Funan theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng sẽ có nhiều tác động đến Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, đặc biệt là các quốc gia có dòng sông Mê Công chảy qua. Chính vì vậy, ngay sau khi Chính phủ Campuchia thông báo về dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thu thập thông tin chi tiết về dự án, triển khai đánh giá tác động xuyên biên giới của dự án tới vùng ĐBSCL của Việt Nam và báo cáo trước ngày 25/10/2023 để làm cơ sở trao đổi với Chính phủ Campuchia.

Trước tình hình trên, trên không gian mạng đã xuất hiện hàng ngàn bài viết, video, bình luận về dự án kênh đào Funan và những tác động đến vùng ĐBSCL của Việt Nam. Trong đó, không ít các bài viết thông tin một chiều, chưa kiểm chứng, sai sự thật,… gây hoang mang dư luận, nhiễu loạn thông tin, thậm chí nhiều bài viết gây tư tưởng thù hằn dân tộc, kích động quần chúng nhân dân yêu cầu Nhà nước Việt Nam có biện pháp mạnh để gây sức ép với Chính phủ Campuchia ngừng triển khai dự án, truyền bá tư tưởng “cấm vận Cam, bài Tàu, thân Mỹ” để giành lấy quyền lợi cho Việt Nam.

Điển hình như bài viết “Kênh đào Funan ở Campuchia: chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài Đồng bằng Sông Cửu long” trên trang Đài Á Châu tự do - RFA đã đưa ra những thông tin cho rằng nếu kênh đào Funan hoàn thành sẽ là dấu chấm hết cho ĐBSCL, gây ra tác hại nặng nề cho đời sống, kinh tế, an ninh lương thực của Việt Nam. Nhiều trang thông tin, đối tượng phản động, chống phá đã đăng tải lại bài viết và thu hút chục ngàn bình tiêu tiêu cực, trái chiều, như: “Con trai HunSen chơi khăm VN, có TQ hậu thuẫn để chống lại VN”; dân tộc Khmer và Campuchia vẫn ấp ủ âm mưu diệt Việt Nam để cướp lại miền Tây Nam Bộ; bà con miền Tây nhanh chóng bán hết đất đai, nhà cửa vì kênh đào Funan sẽ làm biển xâm lấn, ngập mặn, hạn hán, ngày tàn của VN đã đến; Việt Nam cần “bắt tay” với Mỹ để “chống lại” Campuchia và Trung Quốc; Đảng ta lại tiếp tục “quan ngại sâu sắc”, người khổ nhất vẫn là nhân dân, cần có “biện pháp mạnh” đối với Campuchia;… Những bài viết, bình luận tiêu cực trên khắp các nền tảng mạng xã hội kết hợp với thực trạng vùng ĐBSCL đang đối mặt với mực nước lũ đầu nguồn thấp, mưa ít kết hợp với hiện tượng El Nino sẽ gây khô hạn và xâm lấn mặn gay gắt vào mùa khô càng làm quần chúng nhân dân thêm lo lắng, hoang mang, đồng thời gây tranh cãi, dư luận trái chiều trên mạng xã hội.

Theo nhận định của một số chuyên gia, nhà khoa học thì kênh đào Funan có khả năng là một dự án “viễn tưởng”, lấy ví dụ thực tế kênh đào Pinglu mới nhất của Trung Quốc sát Việt Nam dài 135km trị giá 10,2 tỷ USD đồng thời đòi hỏi nguồn nhân lực và kỹ thuật tân tiến để xây dựng, do đó nếu Campuchia xây kênh đào 180km thì ước tính phải mất ít nhất 13 tỷ USD, gấp gần 8 lần so với ước tính ban đầu và chiếm một nửa GDP của Campuchia và khả năng thu hồi vốn thấp, trong khi đó việc xây cao tốc chỉ tiêu tốn 1/5 số tiền trên. Chính vì vậy, đây là “bài toán” kinh tế đặt ra cho Chính phủ Campuchia trước khi triển khai dự án để tránh dính vào “bẫy nợ” như một số quốc gia trên thế giới. Là quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, với biện pháp ngoại giao “cây tre” mềm dẻo, linh hoạt, việc nghiên cứu tác động của dự án kênh đào Funan đối với Việt Nam cũng như các quốc gia dọc lưu vực sông Mê Công là cơ sở để Việt Nam minh chứng, trao đổi, đàm phán với Chính phủ Campuchia cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Trong thời gian này, quần chúng nhân dân cần tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cảnh giác, “tỉnh táo” trước “ma trận” thông tin trên không gian mạng, lắng nghe từ nhiều phía, nhất là các trang thông tin chính thống của nhà nước để tránh vướng vào “bẫy” tin rác trên mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...