Cùng với vấn đề “dân
chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, thời gian qua, các thế lực
thù địch lợi dụng tôn giáo để công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước.
Chúng đưa ra luận điệu “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, “vi phạm quyền tự do tôn
giáo” của người dân; yêu cầu các tôn giáo phải được hoạt động tự do, không cần
đặt dưới sự quản lý của Nhà nước… Chúng vu cáo rằng: “CNXH không chấp nhận tôn
giáo, xóa bỏ tôn giáo”; “Pháp luật Việt Nam về tôn giáo, tín ngưỡng chỉ là hình
thức, thực chất là cơ sở để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “Chính phủ Việt Nam
vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có
hành động đàn áp các tín đồ tôn giáo”…
Chúng còn lập nhiều
tài khoản trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Blog… để phát tán,
đăng tải các bài viết, video, hình ảnh đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh
tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng “vạch lá tìm sâu”, cố tình xoáy
vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng, Nhà
nước; thậm chí lợi dụng đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo để lôi kéo,
tập hợp lực lượng, truyền đạo trái phép, tổ chức biểu tình, thách thức, chống
phá chính quyền, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Mục
đích của chúng là để kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã
hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng,
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo
đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo
của mọi người. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật Tín
ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo
khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo. Cụ thể:
Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người
có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các
tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc
lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Như vậy, việc theo hay
không theo tín ngưỡng hoặc tôn giáo nào là quyền tự do của mỗi cá nhân, mỗi
công dân Việt Nam được Hiến pháp 2013 thừa nhận.
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và cần
thiết phải điều chỉnh pháp luật về tôn giáo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và
tình hình tôn giáo tiếp tục có những biến động, mở rộng không chỉ hoạt động tôn
giáo mà cả các hoạt động xã hội, ngày 18/11/2016, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng,
tôn giáo. Theo đó, ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín
ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã đánh dấu son
cho quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Cụ thể
hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có ý
nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với chủ trương cải cách
thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, đảm bảo lợi ích
của quốc gia, dân tộc và các tổ chức tôn giáo. Đồng thời, thông qua đó cũng
khẳng định với quốc tế, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm
trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét nhất để chống lại luận điệu xuyên tạc
của các thế lực xấu, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền dân chủ nhân quyền tôn giáo.
Kích động mâu thuẫn, gây xung đột về tôn giáo là
những thủ đoạn được các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng nhằm chia rẽ, phá
vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định trật tự xã hội, hòng làm suy yếu
đất nước ta. Thực tế này đòi hỏi các tổ chức tôn giáo cũng như mọi người dân
trong xã hội phải luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác để không bị lôi kéo vào các
hoạt động phi pháp, gây tổn hại đến khối đoàn kết dân tộc.
Tại Việt Nam, các tôn giáo đều bình
đẳng trước pháp luật. Nhà nước nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật. Mặt khác, các lãnh đạo Ðảng và Nhà nước luôn dành sự
quan tâm đến tất cả hoạt động, sự kiện tôn giáo lớn trong cả nước.
Như vậy, trước
những mặt trái của sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng cùng âm mưu, thủ đoạn của
thế lực thù địch; nguy cơ xung đột, mất đoàn kết tôn giáo tại Việt Nam có thể
xảy ra bất kỳ lúc nào. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục
hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm việc ban hành
nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn
giáo.
Để chủ động đấu tranh làm
thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn
giáo, dân tộc để kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm
phạm an ninh quốc gia cần phải:
Chủ động, kiên quyết đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động và thù địch lợi dụng
tôn giáo, dân tộc để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là một nội dung
trọng tâm của công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh chính trị và
trật tự, an toàn xã hội nhằm giữ vững ổn định về chính trị, tạo điều kiện thuận
lợi để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
này cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể quần chúng,
các chức sắc tôn giáo cũng như già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền,
vận động, giáo dục nhân dân nêu cao cảnh giác, tăng sức đề kháng trước mọi âm
mưu mua chuộc, dụ dỗ và kích động của các thế lực phản động và thù địch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và
nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, khắc phục tình
trạng yếu kém trong buông lỏng quản lý ở một số địa phương nhất là tuyến cơ sở
xã, phường khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Chú trọng công tác xây
dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong tôn giáo; làm tốt công tác phát
triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín đồ tôn giáo nhằm phát huy tác
dụng làm “hạt nhân” trong phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương.
Đẩy mạnh công tác phát động
phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách đoàn kết
lương - giáo; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển
kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm cho cộng đồng ổn định, buôn làng
phát triển, gia đình ấm no hạnh phúc. Ngoài ra cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo
chuyên sâu ở tỉnh, huyện, xã nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước đối với
hoạt động tôn giáo trong tình hình mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét