Trong chiến lược chống phá Việt Nam hiện nay, các thế
lực thù địch trong và ngoài nước tập trung vào chống phá Đảng, chế độ và hệ tư
tưởng. Trong đó, tự do ngôn luận, báo chí đang là một mục tiêu xuyên tạc, bôi
nhọ của chúng. Gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít
trang web trong và ngoài nước rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn
luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự
do báo chí, tự do internet”; Hà Nội “bắt bớ nhiều blogger”, v.v. Điển
hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị
viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc
tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy
ban bảo vệ nhà báo (CPJ), v.v. Trong báo cáo năm nay, mặc dù không thể
không thừa nhận Việt Nam đã có “tiến bộ về dân chủ, nhân quyền”, nhưng vẫn
xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ
trái phép các blogger”, v.v. Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai
lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm
dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế.
Những
thủ đoạn, mưu đồ chống phá của chúng, trước hết là xuyên tạc khái niệm tự do
báo chí; viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về
tự do báo chí, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm
theo rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người
hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn
chế nào. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các đối tượng còn tác động đến
Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật,
nghị quyết, báo cáo thường niên,... với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ,
nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do ngôn luận,
tự do báo chí”. Một số phần tử còn tác động vào các chính khách cực đoan trong
Quốc hội Mỹ, Anh, Canađa,… tổ chức điều trần, hội thảo, xuyên tạc tình hình tự
do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam nhằm tác động Liên hợp quốc ra nghị
quyết bất lợi đối với nước ta. Trên lĩnh vực báo chí, một số đối tượng còn
thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng dưới chiêu bài “tự do ngôn
luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá
Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Báo
cáo thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023 của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ (gọi tắt là Báo cáo) cho rằng Chính phủ Việt Nam đã: “...không tôn
trọng các quyền này và một số luật đặc biệt xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Chính phủ cũng tiếp tục sử dụng các điều khoản rộng rãi về an ninh quốc gia và
chống phỉ báng trong luật để hạn chế quyền tự do ngôn luận”; “Chính phủ tiếp
tục hạn chế các bài phát biểu chỉ trích cá nhân các nhà lãnh đạo chính phủ hoặc
đảng, thúc đẩy đa nguyên chính trị hoặc dân chủ đa đảng hoặc đặt câu hỏi về các
chính sách về các vấn đề nhạy cảm”; “Kiểm duyệt hoặc hạn chế nội dung đối với
các thành viên của báo chí và các phương tiện truyền thông khác, bao gồm cả
phương tiện truyền thông trực tuyến...”. Đây là những nhận định sai sự thật,
thiếu khách quan trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi cố tình xuyên tạc,
vu khống Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Trước hết, cần khẳng định rằng,
tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là chủ trương, chính sách nhất
quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến
pháp, pháp luật
Trên
cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về tự do ngôn luận, tự do báo chí, Hiến
pháp đầu tiên năm 1946, Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã khẳng định người dân
có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện.
Các Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm
1946, năm 1959 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Hiến
pháp năm 2013 và các bộ luật liên quan như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo
chí, Luật An ninh mạng và nhiều văn bản pháp luật khác tiếp tục thể chế hóa quyền
này. Cụ thể:
Hiến
pháp năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các
quyền này do pháp luật quy định”.
Luật
Báo chí năm 2016 quy định tại Điều 10 về Quyền tự do báo chí của công dân: Sáng
tạo tác phẩm, cung cấp, phản hồi, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ
quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in; Điều 11 về Quyền
tự do ngôn luận trên báo chí của công dân quy định công dân có quyền: phát biểu
ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến,
phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức, cá
nhân.
Luật
Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng khẳng định tại Khoản 1, Điều 3 và Khoản 1,
Điều 8: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực
hiện quyền tiếp cận thông tin”; “Công dân có quyền: a) Được cung cấp thông tin
đầy đủ, chính xác, kịp thời; b) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm
pháp luật về tiếp cận thông tin”;
Điều
167 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân”...
Bên
cạnh đó, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công
dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; bảo đảm cung cấp thông tin
chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi; bảo đảm mọi công dân đều
bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông
tin... cũng được quy định rõ trong Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông
tin năm 2016.
Từ
ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí của công dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện thuận
lợi để người dân được thụ hưởng. Tính đến tháng 6-2023, Việt Nam có 127 cơ quan
báo, 677 cơ quan tạp chí (trong đó 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học,
72 tạp chí văn học nghệ thuật); 71 cơ sở truyền thanh, truyền hình hoạt động
độc lập; 666 cơ sở truyền hình - truyền thanh cấp huyện; 9.959 đài truyền thanh
cấp xã (trong đó 1.757 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn
thông, 1.386 đài của xã nông thôn, miền núi); 57 nhà xuất bản. Số lượng lao
động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830 người (tăng 4,5% so với cùng kỳ
năm 2022); Tỷ lệ người dùng internet đạt 78,59% (vượt mục tiêu kế hoạch năm
2023, năm 2023 là 76%)(1); 253 cơ quan báo chí tham gia hoạt động thông tin đối
ngoại, 59 văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài, 137 phóng viên
Việt Nam thường trú tại nước ngoài trong năm 2022(2); số người được cấp thẻ nhà
báo là 11.958(3).
Đảng
và Nhà nước ta bảo đảm mọi công dân Việt Nam thực hiện tốt nhất quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí của mình thông qua các sản phẩm báo chí, thông tin.
Ngoài báo chí phổ thông, nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương còn
xuất bản ấn phẩm phục vụ dân tộc thiểu số hay người khuyết tật. Ví dụ, Đài
Truyền hình Việt Nam phát đồng thời hình ảnh người dẫn chương trình ký hiệu
dành cho người khuyết tật, nhiều đài phát thanh - truyền hình dành chuyên kênh
phát thanh, truyền hình bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu
số... Bên cạnh các cơ quan báo chí trong nước, tại Việt Nam còn có nhiều hãng
truyền thông quốc tế hoạt động như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Asia, Rossiya
Segodnya... Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu
thị, tích cực học hỏi, tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các
quốc gia trên thế giới để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí cho đại đa số người dân. Đây là những minh chứng khẳng định quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và
ngày càng bảo đảm.
Thứ
hai, tự do ngôn luận, tự do báo chí được xem là nguyên tắc cơ bản cho một nền
dân chủ, tuy nhiên không vì thế mà quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không
có giới hạn nhất định
Trong
pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của mỗi quốc gia, quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô chính phủ.
Công
ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã khẳng định tại Điều 19: “Việc
thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và
những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền
hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng,
sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Tuyên
ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789 ghi nhận: “Bất kỳ công dân nào
cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm
nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Các hành vi phỉ
báng, xúc phạm danh dự của tổng thống hay các thành viên hoàng gia... bị hình
sự hóa ở các nước như Italia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ...
Ngay
tại Hoa Kỳ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện ở chỗ Tòa án Tối cao Hoa
Kỳ cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất
khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến.
Pháp
luật Việt Nam cũng nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí để vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng,
Nhà nước, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thông tin
không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận, xâm phạm danh dự, uy tín,
nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân khác... Các hành vi nghiêm cấm này được quy định cụ thể trong các
văn bản: Luật báo chí năm 2016 (Điều 9), Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (Điều
3), Luật An ninh mạng năm 2018 (Khoản 3, Điều 16); Bộ luật Hình sự năm 2015
(Điều 331).
Tự
do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người, được pháp luật
Việt Nam tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, quyền tự do nói chung, quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí nói riêng đều phải trong khuôn khổ cho phép và không
bị nghiêm cấm bởi luật pháp. Những thành tựu về mặt pháp lý, cũng như thực tiễn
thời gian qua là minh chứng sinh động phản bác luận điệu xuyên tạc trong Báo
cáo cho rằng Việt Nam “không tôn trọng” hay “xâm phạm” quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí.
Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam để
xuyên tạc, bóp méo những nỗ lực trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí ở Việt Nam. Báo cáo đã liệt kê các vụ việc như: Đinh Văn Hải và Nguyễn Duy
Linh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bến Tre kết án về tội “Truyền
bá thông tin, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước”; Nguyễn Hoài
Nam bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ”; Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt báo
Pháp luật Việt Nam 325 triệu đồng và đình chỉ giấy phép hoạt động do đăng
“thông tin sai sự thật”, “nội dung giật gân”,“suy diễn vô căn cứ”, “thiếu
chuyên nghiệp”;... Báo cáo đã sử dụng những thuật ngữ như: “một số nhà phê bình
nổi tiếng trên mạng xã hội”, “streamer”, “nhà phê bình lớn tiếng”, “Tiếng nói
của Truyền hình Sự thật”... để cổ xúy cho những cá nhân, tổ chức đang “đấu
tranh” cho cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí kiểu phương Tây và cho
rằng những vụ việc này là điển hình về việc vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí tại Việt Nam.
Trên
thực tế, các đối tượng mà Báo cáo liệt kê, dẫn chứng đã lợi dụng quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí để tán phát tài liệu, tuyên truyền, chia sẻ các bài
viết, thông tin có nội dung xấu độc và đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp
luật Việt Nam về các hành vi phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội,
kích động bạo lực, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, vi phạm
đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam.
Để bảo
đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, chúng ta cần:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà
nước đối với báo chí, truyền thông và công tác phòng ngừa, đấu
tranh với hoạt động lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Việt
Nam. Đồng thời, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với
cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông, ở cả bốn
khâu: Định hướng phát triển; định hướng nội dung; công tác cán bộ; công tác
kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt coi trọng công tác rà soát, đánh giá đội ngũ cán
bộ quản lý báo chí; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen
thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền
thông.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, truyền
thông, quản lý internet, mạng xã hội; tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên
giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trong
công tác chỉ đạo, quản lý trên lĩnh vực này. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các
quy định đạo đức nghề nghiệp; các chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để ngăn ngừa,
răn đe những biểu hiện vi phạm. Hiện nay, mạng xã hội đang có tác động lớn đến
xã hội, nhất là mạng YouTube (của Google). Được biết các cơ quan chức năng của
Việt Nam đã nhiều lần làm việc với đại diện của Google, yêu cầu bóc những
tin bài sai sự thật, nhưng hiệu quả vẫn còn thấp, còn nhiều tin bài xấu, không
phản ánh trung thực tình hình Việt Nam. Biện pháp căn bản là quán triệt, tuyên
truyền từ người xem, người nghe, người đọc, nhẹ dạ cả tin, không nghe, không
tin những tin bài đó.
Ba là, cán bộ làm công tác báo chí phải làm tốt lời
dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ
báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Do đó, mỗi nhà báo cần không
ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tự giác học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập
trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, thực hiện tốt Luật Báo chí và các quy định
của pháp luật trên lĩnh vực báo chí; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích vì lợi
ích của đất nước, của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên
trường quốc tế. Hiện nay, đã và đang xuất hiện tình trạng báo chí viết bài
không để chuyển tải nội dung tư tưởng, chính trị, văn hóa chính thống, mà vì
“câu view” “câu like” và mong muốn có nhiều người đọc, nhiều like, được
nhiều view. Bởi vậy, báo chí không chỉ phòng ngừa xu hướng này mà còn đưa ra
những giải pháp kỹ thuật ngăn chặn.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý
vi phạm trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó, chủ động phát hiện
những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc ở các cơ quan báo chí và đội ngũ
phóng viên, nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiên quyết đưa ra khỏi
vị trí lãnh đạo, quản lý đối với những người không đủ bản lĩnh chính trị, năng
lực chuyên môn, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành
tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; kết hợp chặt chẽ
giữa tuyên truyền đối nội và đối ngoại, qua nhiều kênh và nhiều hình thức tuyên
truyền đa dạng, phong phú làm cho cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước
ngoài hiểu đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước và thành tựu bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Qua
đó, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần đấu tranh hiệu
quả các luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở
Việt Nam.
Tự do
ngôn luận báo chí đối với các chế độ xã hội và nhà nước là một điều kiện bảo
đảm quyền con người. Hơn thế nữa còn là một điều kiện quan trọng để phát triển
xã hội về các mặt, từ tư tưởng, chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Một
xã hội không có tự do ngôn luận, báo chí, như có người nói - đó là “một xã hội
đã chết lâm sàng”. Tự do ngôn luận, báo chí của người dân Việt Nam đã được hiến
định bảo đảm bằng một hệ thống pháp luật minh bạch. Mọi luận điệu xuyên tạc
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam cần phải bị bác bỏ, lên án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét