Thứ nhất, đường lối, chính sách, các chiến lược, kế hoạch...
phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đều khẳng định rất
rõ ràng, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; lợi ích
quốc gia trên biển là vấn đề trọng yếu, thường xuyên và lâu dài của Việt Nam.
Ngay từ thời điểm đang phải dồn toàn lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước, dù khó khăn trăm bề, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã kịp thời đưa lực
lượng, phương tiện đi giải phóng các đảo từ tay chế độ cũ, thể hiện tầm nhìn
trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì đấu
tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tất cả lợi ích hợp pháp, chính đáng trên
biển Việt Nam đã được luật pháp quốc tế và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy
định. Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã nhiều lần phát ngôn công khai, khẳng định
rõ lập trường, quan điểm nêu trên.
Hệ thống quan điểm của Đảng ta về công tác đấu tranh bảo vệ chủ
quyền biển, đảo ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Điều đó được thể hiện rõ
qua các văn kiện của mỗi kỳ đại hội Đảng. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng
tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo
vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan
điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề trên biển hiện nay.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn ưu tiên dành mọi
nguồn lực tốt nhất cho nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo; kết hợp chặt chẽ
giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an
ninh tại địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh phát triển
kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu từ
biển. Nhiều ngành kinh tế biển được chú trọng như khai thác dầu khí, vận tải
biển, điện gió ngoài khơi, du lịch biển, đảo, phát triển kinh tế các đảo, đẩy
mạnh nghiên cứu khoa học... Tất cả hoạt động kinh tế biển đó thể hiện tính chất
của nền quốc phòng toàn dân, thực hiện sách lược gắn kinh tế với quốc phòng,
góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành
Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia
mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an
toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an
ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.
Thứ ba, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có
những diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển,
đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc
gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và
luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Đảng, Nhà nước ta thực hiện triết lý “Ngoại giao cây tre” mà bản
chất là mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt. Mục tiêu lớn nhất
là tránh được xung đột, không để xảy ra chiến tranh, giữ gìn môi trường hòa
bình để phát triển đất nước, nhưng đồng thời bảo vệ được lợi ích quốc gia-dân
tộc với quyết tâm cao nhất. Chúng ta biết nhu, biết cương, biết thời thế, biết
thực lực, biết mình, biết người, biết tiến, biết lui đúng lúc, hợp thời. Đó
cũng là thực hiện triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Lạt mềm buộc chặt” mà
ông cha ta đã đúc rút từ các bài học đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Chúng ta xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn
đề lâu dài, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh
chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của nước ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính
đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng ta không đi
với nước này để chống lại nước kia; không thụ động chịu tác động hay sự lôi kéo
của bất cứ nước nào, nhất là tránh việc trở thành con bài trong tay các nước
lớn.
Thứ tư, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng lực lượng
hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển và lực lượng kiểm ngư
vững mạnh, với trang bị, phương tiện ngày càng đồng bộ, hiện đại đủ sức quản
lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các lực lượng nêu trên luôn có tinh thần, quyết
tâm cao, kiên quyết, kiên trì, kiên cường thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao,
không có chuyện “không kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc
gia trên biển”... như kẻ xấu xuyên tạc, vu cáo.
Thứ năm, Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên
truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công tác tuyên truyền
đã thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để người dân trong nước, người Việt
Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và
sự quản lý thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ
quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên
Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, tạo đồng thuận của cộng
đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế
để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Do đó, những luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính
sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo
rõ ràng là xuất phát từ những mưu đồ đen tối, âm mưu kích động, phá hoại, chia
rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam với các nước trên
thế giới, cần phải được nhận diện, lên án, đấu tranh kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét