Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

NVH41 - Ý nghĩa của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

 

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng; tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ góp phần quan trọng vào thành công của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần giữ vững thành quả cách mạng của Đảng và Nhà nước ta 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần giữ gìn giang sơn gấm vóc và thành quả cách mạng. Để đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Nhân dân luôn vững tâm tin theo Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, một trong những đòi hỏi cấp bách và xuyên suốt là phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm cho Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, có đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với niềm tin của Nhân dân. 

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần bảo đảm sự thịnh vượng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực xã hội, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là vấn nạn chung đã và đang đặt ra cho các quốc gia đều phải quan tâm và tiến hành đấu tranh quyết liệt, hiệu quả. Yêu cầu “nội sinh tự thân” đặt ra cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải có chiến lược phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt, hiệu quả để giữ gìn và phát triển thịnh vượng. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định quyết tâm chính trị và trách nhiệm đạo đức của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng con người mới hướng đến chân, thiện, mỹ và xây dựng hệ giá trị quốc gia xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị liêm chính, vững mạnh, nâng tầm vị thế quốc tế của Việt Nam

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VII đã nhấn mạnh: “Tệ tham nhũng, hối lộ, ăn chơi phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại rất lớn, làm tổn hại thanh danh của Đảng”(2). Đến các kỳ Đại hội ĐBTQ khóa VIII, IX, X, XI, XII và nhiều Nghị quyết Hội nghị Trung ương của Đảng đều khẳng định, tham nhũng có tác hại vô cùng to lớn, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(3). Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể hóa bằng các chính sách và pháp luật để thực thi đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả. 

Sau hơn 38` năm đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định: “Một trong những bài học lớn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là phải giữ vững và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ then chốt”(4); chống tham nhũng là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoạn kết toàn dân tộc”(5). Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định số 114-QĐ/TW ra đời rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay; quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, của thành viên cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo. 

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa gắn kết đồng bộ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ngược lại. Hiện nay, chủ trương xây dựng Đảng trên năm phương diện cơ bản là chính trị; tư tưởng; đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về chính trị đòi hỏi tất cả cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải thấm nhuần sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đưa các nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề thường kỳ và coi đó là các tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên. Trong quá trình công tác, chú trọng chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức để phòng, chống từ sớm, từ xa; xây dựng Đảng về tư tưởng góp phần cho mỗi cán bộ, đảng viên phải “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Trước đây, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu tập trung vào các hành vi như tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ, chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản nhà nước; thì nay mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước, gắn hành vi tham nhũng của cá nhân với tập thể lãnh đạo, quản lý và trách nhiệm của người đứng đầu; gắn phòng, chống tham nhũng với tiêu cực.  

Để có đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự liêm chính, việc trước tiên phải xây dựng Đảng về đạo đức gắn với xây dựng hệ thống chính trị về đạo đức, góp phần cho mỗi tổ chức cơ sở đảng và đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện các chuẩn mực đạo đức cách mạng là: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; lòng yêu thương con người; tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Phương châm rèn luyện với nguyên tắc: tu dưỡng đạo đức suốt đời, bền bỉ và nêu gương với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần “thức tỉnh” cán bộ có ý thức, cầu thị, không ngừng trau dồi, rèn luyện bản thân và từ đó hình thành nhu cầu tự thân trong việc hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác được giao tại cơ quan, đơn vị.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở Việt Nam

Hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng quyết liệt, mạnh mẽ thì đòi hỏi càng cao về vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước và hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành vấn đề thường trực tác động tích cực vào nếp nghĩ, tác phong, hành vi công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ suy nghĩ đến hành động sẽ phải chuẩn mực, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng quy trình, đáp ứng niềm tin yêu về chính quyền phục vụ, chính quyền vì Nhân dân. Mọi hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều có ý nghĩa “phòng là chính”, có ý nghĩa răn đe và có ý nghĩa hoàn thiện, khắc phục những khâu yếu kém trong quy trình xử lý tội phạm tham nhũng. Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và giám sát chặt chẽ để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn. 

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bảo đảm cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, nên đã đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm như đặc quyền, đặc lợi, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, hẹp hòi, cục bộ… Vì vậy, Người luôn yêu cầu cán bộ cách mạng phải có đức và tài, trong đó, “đạo đức là gốc”. Do đó, trong giáo dục, bồi dưỡng cán bộ nhà nước thì phải luôn coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị để mỗi người biết liêm sỉ, trọng danh dự và tự “miễn nhiễm” trước những cám dỗ quyền lực, vật chất. Tuy nhiên, cán bộ có đạo đức thì cũng không hẳn là mãi mãi trong sáng, nếu không thường xuyên trau dồi, rèn luyện thì dễ dẫn đến sa vào chủ nghĩa cá nhân - đó chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống.

Vì vậy, cần đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng, trau dồi về đạo đức cách mạng, kỹ năng và phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng lý tưởng và bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ. Trọng tâm là tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu khóa XIII; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; gắn với đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự trau dồi - tự phê bình - tự rèn giũa mình để luôn có lý tưởng và nhân cách của người cách mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...