Gần
nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn
lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù
địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm
vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Tái diễn những luận điệu sai trái, xuyên
tạc
30/4/1975
là một ngày lịch sử trọng đại - ngày hội thống nhất non sông, Bắc Nam một dải.
Đó là thắng lợi vẻ vang của toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh bại những thế lực thực dân, đế quốc hùng
mạnh. Vẫn luận điệu cũ, một bộ phận người Việt vốn từng ở bên kia chiến tuyến
trở lại điệp khúc ta thán về cái gọi là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen”, “ngày
tắm máu”…
Vì
cho đến hôm nay, họ vẫn không nhìn thẳng để công nhận một sự thật lịch sử, đó
là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, là cuộc chiến
tranh vệ quốc, bảo vệ giang sơn, bờ cõi, thống nhất non sông. Gần nửa thế kỷ
hòa bình, xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng, phát triển, dân tộc ta với
tinh thần hòa hiếu gác lại quá khứ chứ không bao giờ phủ nhận, lãng quên quá khứ.
Di chứng, hậu quả chiến tranh, sự hy
sinh, mất mát sau chừng ấy năm chiến tranh kết thúc thì ở nhiều làng mạc, thôn
xóm vẫn còn hiện hữu.
Để
làm nên chiến thắng đó, quân và dân Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp khối
đại đoàn kết, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo đúng đắn,
sáng suốt của Đảng, làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi
cuối cùng, non sông Việt Nam thu về một mối. Đó là thắng lợi to lớn, toàn diện
và triệt để của 30 năm chiến tranh giải phóng, một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử
của dân tộc ta. Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là sự kế tục và phát
triển cao độ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và của cuộc kháng chiến
chống Pháp, là thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc
lập, tự do cho dân tộc. Đó là chiến thắng không thể phủ định và để có chiến
thắng đó, nhân dân ta đã phải chiến đấu trường kỳ, hy sinh biết bao xương máu.
Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn không nhìn thẳng vào sự thật, luôn cố tình đánh tráo, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xuyên tạc Chiến thắng 30/4/1975. Những ngày gần đây, chúng đăng tải nhiều bài viết, video, hình ảnh sai lệch, xuyên tạc trên Internet, các trang mạng xã hội, tìm cách phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân cả nước. Hàng trăm bài viết kèm các hình ảnh phản cảm dưới tiêu đề “ngày quốc hận”, “tháng tư đen” được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội để hướng lái dư luận, đánh tráo bản chất chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Cùng với đó, chúng ca ngợi chế độ dân chủ, tự do và kinh tế phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn; đòi vinh danh chế độ Việt Nam Cộng hòa, thậm chí có ý kiến còn đòi chia đôi lại đất nước giống như trước năm 1975. Từ đó, các đối tượng phủ định ý nghĩa Chiến thắng 30/4/1975, đòi từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và kiên trì xây dựng; bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động hận thù, ly khai; phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân; làm giảm ý chí quyết tâm, đóng góp xây dựng đất nước của nhân dân, trong đó có đồng bào ta sống xa Tổ quốc; cố tình đả kích, phủ nhận chính sách và nỗ lực hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta… Một số bài viết cố tình xuyên tạc rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đại thắng mùa xuân 1975 của chúng ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh”; vu cáo đây là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc, “không có kẻ thua, người thắng, chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”; cho rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”… Không dừng ở việc xuyên tạc trên mạng xã hội mà số đối tượng chống đối mới đây còn xây dựng một bộ phim được gọi là “Cảm tình viên” (The Sympathizer) được quay tại Thái Lan, tái hiện lại Việt Nam thời kỳ trước năm 1975. Nội dung kể về hành trình của một người tình báo cộng sản nằm vùng trong bộ máy nguỵ quân, sau ngày giải phóng tiếp tục hoạt động tình báo, sau đó theo đám phản động lưu vong về nước.
Nhân vật này có sự thay đổi
nhận thức khi vào trong trại cải tạo, lung lạc tinh thần và cuối cùng trốn chạy
sang Mỹ vì cho rằng chỉ có tư tưởng của Mỹ mới tiến bộ, nhân văn. Với nội dung
xuyên tạc như vậy, bộ phim được công chiếu ngay sát thời điểm kỷ niệm chiến
thắng 30/4, với ý đồ tiêu cực, xuyên tạc chiến thắng của nhân dân Việt Nam.
Chúng còn tổ chức những buổi hòa nhạc kệch cỡm, kêu gọi ủng hộ “ngày quốc hận”,
tổ chức tưởng nhớ những người lính Việt Nam Cộng hòa, phủ nhận toàn bộ công lao
của quân và dân ta…
Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng và trí tuệ con người
Ngày
30/4/1975 không phải là “ngày quốc hận” mà là ngày quốc gia độc lập, thống nhất
non sông, ngày mở ra một trang sử mới hào hùng cho dân tộc Việt Nam. Đó là khát
vọng của nhân dân cả nước, thống nhất Bắc – Nam để chung sức đồng lòng xây dựng
giang sơn gấm vóc. Vì vậy, nói ngày 30/4/1975 là “ngày quốc hận”, “tháng tư
đen” thể hiện suy nghĩ thù hận, bóp méo bản chất, ý nghĩa thiêng liêng của ngày
thống nhất non sông, quan điểm đó đi ngược lại với dòng chảy của lịch sử.
Chiến
thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân
và dân ta. Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (vĩ
tuyến 17) của tỉnh Quảng Trị trở thành giới tuyến quân sự tạm thời phân chia
nước ta thành 2 miền Nam - Bắc. Theo Hiệp định, sau 2 năm sẽ tiến hành tổng
tuyển cử để thống nhất đất nước. Thế nhưng, với âm mưu chia cắt lâu dài nước
ta, Mỹ đã cho quân xâm lược miền Nam và tìm mọi cách để đánh chiếm miền Bắc,
buộc nhân dân ta phải sống, chiến đấu anh dũng suốt 21 năm ròng rã. Đến ngày
30/4/1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta mới trọn niềm
vui thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Hơn hai mươi năm, dân tộc ta đã đi qua cuộc trường chinh muôn vàn gian
khổ, gánh chịu bao mất mát, hy sinh để giải phóng đất nước, thống nhất non
sông. Đấy là chân lý thời đại, là cái "dĩ bất biến" của một dân tộc
yêu nước, yêu hòa bình chứ không phải là ý niệm và hành động của kẻ hiếu chiến,
kích hoạt xung đột.
Thắng
lợi đó khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự phát triển đỉnh cao
của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt
Nam; một biểu tượng sáng ngời của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và tinh thần
đoàn kết quốc tế, cũng chính là chiến thắng của sức mạnh chiến tranh nhân dân
Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự
cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước của nhân dân ta đã trải qua hơn 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài,
gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt.
Thắng
lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng đúc kết những kinh nghiệm quý
báu. Đó là bài học xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với
đặc điểm của cách mạng Việt Nam; phát huy sức mạnh thời đại; vận dụng một cách
sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành
chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và
phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam. Bài
học về sự chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh
cách mạng và nghệ thuật nắm bắt thời cơ, giành những thắng lợi quyết định. Đồng
thời, phải luôn luôn chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong mọi hoàn cảnh,
nâng cao sức chiến đấu và phát huy năng lực lãnh đạo của Đảng.
Lâu
nay, chúng ta đón nhận những người từ bên kia chiến tuyến trở về với tinh thần
gác lại quá khứ, chung tay xây dựng đất nước. Quan điểm hòa hợp, hòa giải bằng
tinh thần bao dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước. Nhưng chung tay hoà
hợp không có nghĩa là xoá nhoà lịch sử, làm sai lệch bản chất, ý nghĩa cuộc
kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Chiến thắng 30/4/1975 là mốc son lịch sử, là
niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, được nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ và
tôn vinh. Mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các
phần tử cơ hội chính trị đều không thể làm phai nhạt giá trị, ý nghĩa lịch
sử.
Đại
thắng mùa xuân 30/4/1975 được coi là ngày hội thống nhất non sông không chỉ của
người dân sinh sống tại Việt Nam mà còn là ngày hội của hàng triệu đồng bào ta
đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ngày hội thống nhất non sông mang ý
nghĩa cao cả và có tầm vóc to lớn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước
hàng ngàn năm của dân tộc ta. Quá khứ được ghi ơn một cách trân trọng, sâu sắc
và điều quan trọng hơn là lời nhắc nhở về tinh thần yêu quý hòa bình, hòa giải,
hòa hợp và đoàn kết dân tộc. Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4,
Đại hội lần thứ IV của Đảng ta đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng
thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi
mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất,
một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và
trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế
kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu
sắc”. Do đó, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo, nâng cao tinh
thần cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật của các
tổ chức, cá nhân phản động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét