Ngày
09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn
thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là
nội dung quan trọng hàm chứa các quan điểm, mục tiêu cùng các nhiệm vụ và giải
pháp nhằm xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, đáp ứng
yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, nên cần được quán triệt sâu sắc và tổ
chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong thực tiễn.
Quan điểm, mục tiêu nhất quán
trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Chính quyền, nhà nước là một trong những vấn
đề cơ bản của các cuộc cách mạng xã hội. Nhà nước của bất kỳ quốc gia nào cũng
đều là trung tâm quyền lực của xã hội. Một chính đảng cầm quyền khi và chỉ khi
chính đảng đó nắm được chính quyền, lãnh đạo nhà nước, nhất là nắm cả cơ quan
lập pháp và hành pháp. Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) của Đảng Cộng sản Việt
Nam đánh giá: công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã
đạt được những thành tựu rất quan trọng; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất
cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong
tình hình mới. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam có “hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm
minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ
hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất,
được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành
chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn,
trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia
hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở
thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm
2045”1.
Để đạt mục tiêu đó, Trung ương Đảng nêu quan
điểm chỉ đạo toàn bộ hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giai đoạn
hiện nay là tiếp tục xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới
toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, yêu cầu phải thấu suốt quan điểm kiên
định về vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoạch định và tổ chức thực
hiện thắng lợi đường lối đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nắm
vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý
và Nhân dân làm chủ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân
chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Thực hiện nhất quán nguyên
tắc: tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là
thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả
giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp,
tư pháp. Quán triệt quan điểm đó là quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật,
mọi tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tôn trọng, sống và làm
việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Bản lĩnh vững vàng, quyết tâm chính trị
cao trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) nêu lên 10
nhiệm vụ và các giải pháp toàn diện nhằm tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở đây, xin
được đề cập một cách tổng quát với những vấn đề: nhận thức, hành động và tổ
chức thực hiện.
Về nhận thức, cần tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên
truyền để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức thông suốt, đúng đắn về
nhiệm vụ xây dựng Nhà nước. Trong đó, cần thống nhất nhận thức rằng: xây dựng
Nhà nước phải được tiến hành đồng bộ với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong điều kiện mới. Tính chất pháp quyền của
Nhà nước ta khác hẳn về bản chất so với pháp quyền của nhà nước tư sản, khẳng
định dứt khoát không theo “tam quyền phân lập” mà các quyền đó là thống nhất,
có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả để bảo đảm mọi
quyền lực tối cao đều thuộc về nhân dân. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam phải bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách
là đảng chính trị cầm quyền duy nhất trong xã hội. Một số người quan niệm rằng,
xã hội nước ta là hiện tồn hoạt động của “bộ ba”, gồm: nhà nước pháp quyền
(không có cụm từ “xã hội chủ nghĩa”); cơ chế thị trường (không có cụm từ “xã
hội chủ nghĩa”) và xã hội dân chủ. Quan niệm đó không rõ về bản chất và mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta, nếu không nói đó là nhận
thức sai lầm, phi thực tế. Đây không đơn thuần ở cách diễn đạt chữ nghĩa mà
trên cơ sở lý luận và thực tiễn, cần khẳng định một cách đúng đắn rằng: Nhà
nước đó phải là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cơ chế đó phải là cơ chế
thị trường vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa; xã hội đó phải là xã hội bảo
đảm và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đi liền với kỷ cương, phép nước. Do
đó, để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có
bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn quán triệt quan điểm của Đảng, bảo đảm và
phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội.
Nhận thức khi đã sai, dù chỉ một li, nhưng sẽ
“đi một dặm”, cho nên hệ thống chính trị các cấp phải nhận thức đúng đắn nhiệm
vụ xây dựng Nhà nước trong điều kiện hiện nay.
Trong hành động, vấn đề có tính nguyên tắc, chỉ đạo mọi hành
động xây dựng Nhà nước đó là: phải thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Bỡi lẽ,
Hiến pháp và pháp luật của nước ta là ý chí của giai cấp công nhân, đồng thời
là ý chí của toàn dân tộc Việt Nam yêu nước. Hiện nay, trong xây dựng Nhà nước
ta, cần chú ý hơn cả ba nội dung: đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt
động của Quốc hội; đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa
phương; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh,
liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Để thực hiện điều đó, bài học
kinh nghiệm quý báu được rút ra trong thời gian qua là phải hoàn thiện cơ chế
kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hành
động một cách quyết liệt với quyết tâm chính trị cao trong tất cả các tổ chức,
các cấp của hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên làm việc
trong bộ máy của Nhà nước. Phải khắc phục cho bằng được các “căn bệnh”: nói
nhiều làm ít; nói hay làm dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo để các
chủ trương, nghị quyết, chỉ thị,... của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước đi vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả.
Trong tổ chức thực hiện, Đại hội XIII của Đảng đánh giá: việc
triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn bộc lộ một số hạn chế trong toàn
bộ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ đảng. Để khắc phục hạn chế đó, một
nguyên tắc được đặt ra trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước đó
là: phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa
phương thức lãnh đạo của Đảng, không dựa dẫm, sao chép chương trình của cấp
trên. Điều đó đòi hỏi hệ thống chính trị phải thật sự trong sạch, vững mạnh;
phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tất cả đội ngũ cán bộ,
đảng viên và toàn thể nhân sự trong bộ máy của hệ thống chính trị. Trong thời
gian vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta
đã đạt những thành tựu quan trọng; một bộ phận cán bộ suy thoái, mắc vào tệ
tham nhũng, tiêu cực đã được xử lý; trong đó, có nhiều trường hợp là cán bộ
thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương quản lý; trách
nhiệm của người đứng đầu được đề cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân
đối với Đảng và chế độ. Trong thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị phải
quyết tâm “vào cuộc” với tinh thần cách mạng tiến công vì sự nghiệp phát triển
bền vững của đất nước trên con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội. Tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực; khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám hành động, làm
việc cầm chừng.
Theo tinh thần đó, từ Bộ Chính trị đến các
tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc
Trung ương quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần
thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán
sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản
pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý thực
hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giám sát
việc thực hiện Nghị quyết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh vận động các
tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Ban Tuyên giáo Trung ương
chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quá trình thực hiện Nghị quyết. Ban Nội
chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên đôn
đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết,
tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám
sát, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Xây dựng và hoàn
thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
khác thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, kiểm soát
quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tăng cường
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có xây
dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo càng cần được đẩy mạnh.
Đảng chỉ trong sạch, vững mạnh, làm tốt vai trò hạt nhân, lãnh đạo, cầm quyền,
nâng cao sức chiến đấu, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân khi Nhà nước
trong sạch, vững mạnh, và ngược lại. Sự thắng lợi trong thực hiện Nghị quyết
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về xây dựng và hoàn thiện Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính
trị và hành động quyết liệt của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân Việt
Nam yêu nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét