Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mô hình phát
triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam, đang từng bước tạo tiền đề bền vững
cho sự phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù
địch, phản động vẫn tìm mọi cách để lan truyền các quan điểm sai trái, xuyên
tạc về định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta dưới
nhiều cấp độ khác nhau. Do vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là kiên quyết
đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái này.
Hiện nay, các luận điệu sai trái,
xuyên tạc về định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt
Nam đang được các thế lực thù địch, phản động tích cực gieo rắc, truyền bá, len
lỏi vào trong các bộ phận, giai tầng xã hội cũng như nhân dân dưới nhiều hình
thức, biện pháp khác nhau, lúc công khai, khi ngấm ngầm, quyết liệt. Các luận
điệu sai trái, thù địch có nhiều, nhưng có thể khái quát vào ba nhóm vấn đề chủ
yếu sau đây:
Một là, nhóm quan điểm sai trái, xuyên
tạc, phủ nhận tính hiện thực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch
ráo riết lan truyền luận điệu rằng, sẽ không thể có được nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều lý lẽ xuyên tạc được các thế lực thù địch sử
dụng để biện hộ cho cách lập luận của họ. Chúng xuyên tạc rằng, chủ nghĩa xã
hội còn chưa rõ là thế nào, thì việc định hướng xã hội chủ nghĩa là không rõ
ràng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng tù mù hơn(?!);
rằng, Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa trong khi lại định hướng
đi tới một chế độ xã hội chưa rõ ràng nên đi từ cái “chưa có gì” đến cái “chưa
biết gì” là không thể. Không dừng lại ở đó, các thế lực thù địch còn tiếp tục
xuyên tạc rằng, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX
rồi, làm gì còn chủ nghĩa xã hội mà định hướng; nào là hệ tư tưởng chủ nghĩa xã
hội đã đi vào dĩ vãng, cáo chung, làm sao cứ bám quá khứ để định hướng đi đến
tương lai (?!)... Nhiều quan điểm sai trái, thù địch kiểu như trên đang diễn ra
hằng ngày, hằng giờ, được cài cắm, len lỏi vào các diễn đàn trên mạng xã hội,
các diễn đàn “hiến kế”, các diễn đàn “yêu nước”, vì “dân oan”... Đây là cách
thức rất tinh vi, xảo quyệt mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng hòng
xuyên tạc, phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở
Việt Nam.
Hai là, nhóm quan điểm sai trái, xuyên
tạc rằng, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là tự mâu thuẫn
nhau, không thể tương dung trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Để biện hộ cho quan điểm sai trái,
tinh vi này, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi luận cứ gán ghép xuyên
tạc, hòng khiến người dân mơ hồ về định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo
chúng, kinh tế thị trường là tự do, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là
chuyên chế; kinh tế thị trường là đa nguyên, trong khi chủ nghĩa xã hội là nhất
nguyên; kinh tế thị trường là dân chủ, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là
độc đoán; kinh tế thị trường là sở hữu tư nhân, trong khi định hướng xã hội chủ
nghĩa là sở hữu toàn dân; kinh tế thị trường là cạnh tranh bình đẳng, trong khi
định hướng xã hội chủ nghĩa lại xác lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước...
Do đó, tự bản thân kinh tế thị trường đã mâu thuẫn với định hướng xã hội chủ
nghĩa, tự nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mâu thuẫn
nhau, nên sẽ không thể cùng tồn tại trong một mô hình kinh tế thị trường(?!).
Ba là, nhóm quan điểm xuyên tạc rằng,
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không có cơ sở lý thuyết khoa
học, có chăng chỉ là sự gán ghép khiên cưỡng lý thuyết kinh tế thị trường với
lý luận Mác - Lê-nin.
Đưa ra quan điểm sai trái, lập luận
phủ định, bác bỏ chưa đủ, các thế lực thù địch, phản động còn viện dẫn đến các
phương thức xuyên tạc, vòng vo, lập lờ để hòng đánh lạc hướng thành viên trong
xã hội. Chúng xuyên tạc rằng, chỉ có sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân mới là
động lực của kinh tế thị trường; đồng thời, viện dẫn các quan điểm lý thuyết
của các nhà kinh tế học phương Tây rằng, muốn có kinh tế thị trường thì tư nhân
phải là chủ đạo. Theo đó, các quan điểm sai trái bám vào luận điệu cho rằng, cơ
sở lý luận của sự phát triển kinh tế thị trường phải dựa trên sở hữu tư nhân;
trong khi đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin lại chủ trương công hữu là là sự gán ghép
khiên cưỡng vào nền kinh tế(?!). Tinh vi hơn, các quan điểm xuyên tạc định
hướng xã hội chủ nghĩa còn thường xuyên nhấn mạnh rằng, kinh tế thị trường phải
dựa trên nền tảng xã hội dân sự, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa lại dựa
trên hệ thống chính trị độc đảng; kinh tế thị trường phải dựa trên các lý
thuyết kinh tế tự do, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa lại dựa trên chủ
nghĩa Mác - Lê-nin ngoại lai(?!). Không dừng lại ở đó, các quan điểm sai trái,
thù địch còn viện dẫn các biểu hiện đơn lẻ để quy kết cho bản chất của nền kinh
tế thị trường ở Việt Nam. Chúng quy chụp rằng, vì sự khiên cưỡng này nên hàng
loạt vụ tham nhũng lớn xảy ra ở Việt Nam là do nền kinh tế thị trường ở Việt
Nam không có cơ sở lý luận vững chắc... Có thể thấy, rất nhiều lập luận sai
trái, xuyên tạc như vậy đang được đẩy mạnh truyền bá trong nhiều chương trình
của hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch, phản động.
Ba nhóm lập luận nêu trên là điển hình
trong rất nhiều quan điểm xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà các thế lực thù địch, phản động ráo riết truyền
bá dưới các màu sắc và cách thức tinh vi, xảo quyệt khác nhau. Âm mưu nguy hiểm
của chúng là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên con
đường phát triển của đất nước ta. Các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc
thực chất là truyền bá đắc lực cho các thế lực mưu đồ giành quyền lực chính
trị. Các thế lực này đang khát khao tìm cách len lỏi vào đời sống xã hội; từ
đó, từng bước gây chia rẽ, mâu thuẫn, mơ hồ trong nội bộ cán bộ, đảng viên và
nhân dân, tiến tới gây ảnh hưởng chính trị, làm rối loạn sự ổn định ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch, phản động nhận thức được rằng, nền tảng tư tưởng, lý luận
của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền
kinh tế thị trường ở nước ta chỉ có thể được thực hiện dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam; do đó, tìm mọi cách xuyên tạc về nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đồng nghĩa với việc gián tiếp bác bỏ vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, khi xuyên tạc, làm méo mó
nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về định hướng xã hội chủ nghĩa
trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động muốn
xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta
đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thành tựu của gần 40 năm đổi mới.
Ý đồ sâu xa của các quan điểm sai
trái, xuyên tạc, thù địch nêu trên là không thừa nhận con đường phát triển đúng
đắn, phù hợp của Việt Nam; cố tình bôi nhọ, tìm mọi cách chống phá, trên mọi
mặt trận, bằng mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động đang ra sức xuyên tạc, chống phá,
hòng làm chệch hướng con đường phát triển của Việt Nam dưới nhiều màu sắc khác
nhau. Chúng vận dụng, tận dụng nhiều hình thức, nhiều kênh, nhiều mặt trận
thông tin để thực hiện âm mưu “mưa dầm, thấm lâu”, gây mơ hồ trong các giai
tầng xã hội, hòng làm dao động tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân;
gây hoài nghi, chia rẽ nội bộ, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân
dân mất niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng từng bước làm tan rã định
hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt
Nam.
Về mặt lý luận, lập luận về sự không tương dung, sự mâu thuẫn,
không có cơ sở lý thuyết vững chắc... của các quan điểm sai trái nêu trên đều
không hề thuyết phục, chẳng qua chỉ là lập luận xuyên tạc, sai trái hòng phân
tán, đánh lạc hướng dư luận. Một mặt, lịch sử phát triển của nhân
loại cho thấy, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại. Ở đâu có
sự phân công lao động và có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa con
người với con người, thì ở đó có sự thúc đẩy dẫn tới xuất hiện của quan hệ hàng
hóa, ở đó có quan hệ thị trường. Sự phát triển cứ như vậy diễn ra một cách
khách quan vượt ra ngoài mọi ý chí chủ quan của con người. Về bản chất, kinh tế
thị trường là giá trị phổ quát, không phải là giá trị riêng có của chủ nghĩa tư
bản. Do đó, việc đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, đồng nhất
kinh tế thị trường với kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn sai lầm;
lấy sự hiểu biết không thấu đáo để lớn tiếng cho rằng, chỉ có trên nền tảng tư
bản chủ nghĩa, chỉ có kinh tế tư nhân mới có kinh tế thị trường là quan điểm ấu
trĩ!
Mặt khác, đến lượt nó, dù phát triển ở đâu, trong phạm
vi quốc gia nào, ngoài những đặc trưng chung, những thành tố không thể thiếu là
các yếu tố thị trường và các loại thị trường, thì kinh tế thị trường đều chịu
sự quy định và phản ánh trình độ phát triển, điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh
tế, xã hội, chính trị, thể chế ở quốc gia đó. Không có một nền kinh tế thị
trường trừu tượng, chung chung, phi lịch sử. Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế
thị trường kiểu Mỹ khác với kinh tế thị trường kiểu Đức, kinh tế thị trường
kiểu Pháp khác với kinh tế thị trường kiểu Nhật Bản, kinh tế thị trường kiểu
Anh khác với kinh tế thị trường kiểu Thụy Điển... Sở dĩ như vậy là vì, ngoài
nền tảng chung là các yếu tố thị trường, các loại thị trường trong nền kinh tế
thị trường hiện đại ngày nay đều có vai trò của nhà nước, không có nền kinh tế
thị trường nào chỉ nguyên nghĩa, tồn tại duy nhất vai trò của thị trường. Bởi
lẽ, bản thân cơ chế thị trường cũng có những “khuyết tật” mà không thể tự khắc
phục được. Vai trò của nhà nước trong việc khắc phục khuyết tật của thị trường
là tất yếu khách quan. Khi đã có sự tham gia của nhà nước một cách khách quan,
tất yếu có đặc trưng khác nhau trong các nền kinh tế thị trường đó ngoài những
đặc điểm chung. Không có một nền kinh tế thị trường tự do vô chính phủ, lửng
lơ. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng không nằm
ngoài tính phổ biến đó. Vì vậy, các quan điểm sai trái, xuyên tạc, cố tình lập
luận, dùng một tưởng tượng về nền kinh tế thị trường chung chung, trừu tượng,
phi lịch sử để quy cho một mô hình kinh tế thị trường cụ thể, hiện hữu là phi
lịch sử và phản khoa học.
Càng không đúng hơn khi xuyên tạc
rằng, kinh tế thị trường là đa nguyên, định hướng xã hội chủ nghĩa là nhất
nguyên; kinh tế thị trường là tự do, định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyên chế,
độc đoán... Đây là những cách lập luận mang tính thù địch, cố tình không phân biệt
giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị, không phân biệt giữa chế độ xã hội
với thể chế kinh tế thị trường, dùng biểu hiện bề ngoài và một vài khía cạnh
của kinh tế thị trường để đánh đồng cho toàn bộ cấu trúc tổng thể của một mô
hình kinh tế thị trường, cũng như không hiểu về bản chất tốt đẹp của xã hội xã
hội chủ nghĩa. Về mặt lý luận, không ở đâu có cái gọi là “kinh tế thị trường
nhất nguyên”, càng không có “kinh tế thị trường tự do trừu tượng”, cũng không
có “kinh tế thị trường nào là độc đoán, chuyên chế”. Sự cố tình lập lờ, tráo
lộn các phạm trù kinh tế với các phạm trù chính trị là lập luận sai trái, âm
mưu nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động.
Hơn nữa, việc sử dụng một số biểu hiện
có tính chất hạn chế nhất thời, để từ đó thổi phồng như là bản chất của nền
kinh tế thị trường càng hoàn toàn không phải là một cách lập luận thuyết phục,
chẳng hạn việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong
đó kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, là dung dưỡng cho tham nhũng, cho thất
thoát lại một lần nữa cho thấy sự không trung thực, ý đồ xấu trong lập luận của
các quan điểm sai trái nêu trên. Thực tế là, những biểu hiện nhất thời, những khiếm
khuyết xảy ra không phải là bản chất xuyên suốt của một nền kinh tế thị trường.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện
đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ theo các quy luật của nền kinh tế thị
trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát
triển của đất nước. Như thế, xét về bản chất, thực hiện đầy đủ những giá trị đó
chính là giá trị chung mà mỗi người Việt Nam chân chính đều mong muốn. Đó cũng
là thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn phát
triển của Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chủ nghĩa vì tự do, chủ nghĩa
hướng đến khát vọng tự do của con người, mưu cầu sự giải phóng cho nhân loại;
song, các thế lực thù địch, phản động lại xuyên tạc việc phát triển kinh tế dựa
trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tham nhũng, thất thoát, lãng phí không
xuất phát từ bản chất kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; do đó, cố
tình dùng hiện tượng đơn lẻ để quy chụp cho bản chất, dùng biểu hiện nhất thời,
quy cho toàn bộ quá trình là cách lập luận hoàn toàn thiếu xác đáng. Tuy nhiên,
việc cố tình lập lờ, đánh lận con đen dễ gây ngộ nhận, nhầm lẫn, nên các thế
lực thù địch không ngần ngại sử dụng hòng xuyên tạc, phủ nhận mọi thành tựu mà
đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chưa cần chỉ ra các cách thức chống phá, luận điệu sai trái, quy
chụp vô nguyên tắc, gán ghép bừa bãi hiện tượng với bản chất, tính ngụy biện,
lập lờ của các quan điểm nêu trên, bản thân những thành quả của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là minh chứng, luận cứ
khách quan, xác thực nhất nhằm phản bác không khoan nhượng các quan điểm sai
trái, thù địch về định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở
nước ta.
Thứ nhất, việc chuyển thành công từ nền kinh tế vận
hành theo cơ chế kế hoạch hóa sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa chính là luận cứ đanh thép nhất phản bác mọi luận
điệu sai trái, xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam. Từ một nền kinh tế đói nghèo, khủng hoảng, chịu thiệt hại nặng nề
bởi chiến tranh do chủ nghĩa thực dân, đế quốc và tay sai bù nhìn gây ra, hiện
nay trong nền kinh tế ở Việt Nam đã hiện diện đầy đủ yếu tố thị trường, các
loại thị trường với biểu hiện phong phú, hiện thực sinh động và sự tham gia đa
dạng các loại hình, các quan hệ kinh tế; số lượng hàng hóa, dịch vụ phong phú,
đa dạng, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của mọi người, từ đô thị đến nông thôn, từ
đồng bằng đến miền núi, từ nơi phát triển đến vùng sâu, vùng xa; hàng hóa, dịch
vụ lan tỏa vào mọi khu vực địa lý, mọi loại địa hình. Thực tế này là gì nếu
không phải là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và do đó, định
hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là đúng đắn, phù
hợp. Đó là một thực tế về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam mà không một thế lực nào có thể bác bỏ được.
Thứ hai, chính những thành tựu phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã đem lại những kết quả vượt bậc
về tăng trưởng kinh tế đi đôi thực hiện tiến bộ xã hội, giảm nghèo bền vững với
tốc độ nhanh, hiệu quả, đang được các phương tiện thông tin đại chúng trên khắp
thế giới ghi nhận và công bố khách quan, một lần nữa minh chứng cho tính hiện
thực của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những kết quả
đó đã được thế giới công nhận. Đặc biệt, khi cả thế giới phải đương đầu với đại
dịch COVID-19, thì tính ưu việt của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam lại càng được thể hiện rõ ràng, hiệu quả.
Bên cạnh những thành
tựu về giảm nghèo, nhiều thành tựu khác về chỉ số phát triển con người, về mạng
lưới an sinh xã hội, về tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, về sự phát
triển của giáo dục, y tế, các dịch vụ cơ bản khác trên tất cả lĩnh vực được thể
hiện đậm nét trong các bảng thống kê của các tổ chức trên thế giới. Điều này
cho thấy, những kết quả, thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội ở nước ta được
thế giới tiến bộ thừa nhận và trở thành luận cứ sắc bén bóc trần âm mưu đen
tối, thái độ hằn học của các thế lực thù địch, phản động.
Thứ ba, nền kinh tế thị trường Việt Nam ngày càng
gắn bó với thị trường thế giới, khi hàng hóa của Việt Nam tham gia vào thị
trường của hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh; và theo chiều
ngược lại, chừng đó những dòng hàng hóa, dịch vụ của các thị trường ấy tham gia
vào nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đó là gì, nếu không phải là do sự vận
hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam? Những
thành tựu có được chính là nhờ việc thực hiện kiên định định hướng xã hội chủ
nghĩa mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Chính chế độ
xã hội chủ nghĩa đã đem lại sự ổn định, phồn vinh của đất nước ta, sự tin tưởng
của cộng đồng doanh nghiệp và các chính đảng, nhà nước, tổ chức quốc tế ở khắp
nơi trên thế giới đối với Việt Nam. Thực tế đó đã chứng minh tính đúng đắn của
việc lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Đồng thời, thực tế còn cho thấy, khi đất nước ta càng đạt được nhiều thành tựu,
thì các thế lực thù địch, phản động càng điên cuồng chống phá, phủ nhận, hòng
xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thế nhưng, chính
những thành tựu mà đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng là luận cứ
đanh thép, thuyết phục nhất phản bác mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế
lực thù địch, phản động; đồng thời, là cơ sở, động lực để thúc đẩy đất nước ta
đạt được những thành tựu mới cao hơn, vững chắc hơn trong giai đoạn phát triển
tiếp theo./.