Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến
vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết
toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong
quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận
dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc,
tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc
thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp
luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, được cụ thể hóa thành những
luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh
của các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế
nhằm phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở Nhân dân, “Trong bầu trời không gì quý
bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân
dân”, đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Người khẳng
định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà
đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động
khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà,
gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân
dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân
chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật
thà đoàn kết với họ”. Người căn dặn: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục
tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả
dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành
công”.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn
dân tộc, kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò
quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân
dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách
mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngay sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống
nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, quan điểm đoàn kết toàn dân tộc
đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng, đưa lên nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với
việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương
Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân
tộc trong cả nước (Các tổ chức Mặt trận là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân
chủ và hòa bình Việt Nam). Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước được
tổ chức trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977,
quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển lớn
mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ hoạt
động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào công
cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc.
Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh:
“Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao
động”. Muốn đưa vào sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, điều
kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên
chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân
dân lao động, xây dựng chế độ làm chủ tập thể là xây dựng một xã hội trong đó
người làm chủ là nhân dân lao động, có tổ chức mà nòng cốt là liên minh công
nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Quan điểm này đã được Đại hội V của Đảng khẳng định:
Thành công rực rỡ của Đảng và nhân dân ta đã nhanh chóng thống nhất đất nước về
mặt nhà nước, triển khai thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy quá trình thống
nhất về mọi mặt, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội xác định một
trong những nhiệm vụ trọng tâm là Nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ tập
thể của mình chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo cuả Đảng. Tăng cường Nhà
nước là vấn đề cấp bách để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Tại Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng
công cuộc đổi mới toàn diện, có nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực
tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc như: “Trong toàn bộ hoạt động của
mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc” xây dựng và phát huy
quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”.
Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng
đất nước, trong đó nhấn mạnh hai bài học kinh nghiệm về đoàn kết dân tộc: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân…; Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn
Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Đến Đại hội VIII, Văn kiện Đại hội một lần nữa khẳng
định: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc
hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi
mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi
mới đạt được những thành tựu hôm nay”.
Đại hội IX nhấn mạnh: Động lực chủ yếu để phát triển
đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông
dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể
và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của
toàn xã hội.
Đại hội X chỉ rõ, nhiệm vụ phát huy sức mạnh toàn dân
tộc, đưa vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc là một trong bốn thành tố của
chủ đề Đại hội; coi đó là “nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết
định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tiếp tục khẳng định quan điểm của các nhiệm kỳ đại hội
trước, Đại hội XI chỉ rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải
quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong
Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
tộc. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng
trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...”.
Đại hội XII nhấn mạnh yêu cầu trong giai đoạn cách
mạng hiện nay là phải “tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của
Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ
chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn
đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đại
đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích
giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của Nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung một
số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám
sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để
nhân dân làm chủ”. Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân
dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo
của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một
nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đảng xác định mục tiêu của
cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ
công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở
thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng
chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng
nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn
dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách
mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của
đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét