Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

NVC42 - TỰ DO BẦU CỬ - MỘT TRONG NHỮNG QUYỀN LÀM CHỦ CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Ngày 29/10/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Báo Nhà nước cho phép biểu quyết “ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ” trong khi im lặng về bầu cử Việt Nam”, nội dung xuyên tạc, bịa đặt cho rằng: Việc được nói thoải mái về bầu cử nước ngoài là để tạo ra cảm giác của đất nước có tự do ngôn luận và chứng minh cho người dân Việt Nam thấy chính trị nước ngoài bất ổn, từ đó người dân không còn “muốn có đa đảng”; kích động, vu khống rằng đây là cách để “giải toả bức xúc” của người dân và giảm bớt sự chú ý vào những khiếm khuyết hiện tại của thể chế chính trị, cách thức tiến hành ứng cử, bầu cử ở Việt Nam.

Sự thật là, cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân ở nước ta được tổ chức khoa học, chặt chẽ, vừa phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, trên thế giới, thường có ba hệ thống bầu cử được áp dụng phổ biến. Một là, hệ thống bầu cử theo quy tắc đa số, ai nhiều phiếu nhất là thắng, được áp dụng tại hơn 80 quốc gia, như: Mỹ, Anh, Canada, Nga... Hai là, hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện, hiện đang được sử dụng tại hầu hết các nước châu Âu, một số nước ở khu vực Mỹ La-tinh và châu Phi. Ba là, hệ thống bầu cử hỗn hợp, phái sinh từ hai loại cơ bản trên, được sử dụng ở các quốc gia còn lại. Như vậy, các hệ thống bầu cử trên thế giới rất đa dạng. Ở mỗi một hệ thống bầu cử đều có những lợi điểm, cũng như hạn chế nhất định và mỗi quốc gia, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống chính trị - văn hóa, điều kiện kinh tế…, mà lựa chọn hệ thống bầu cử cũng như cách thức tiến hành bầu cử khác nhau và được người dân quốc gia đó chấp nhận. Không thể khẳng định rằng, mô hình bầu cử của quốc gia này ưu việt, dân chủ hơn quốc gia khác. Không thể áp đặt một mô hình bầu cử chung cho mọi quốc gia, cũng không thể áp đặt mô hình của hệ thống bầu cử nước này sang cho nước khác. Tại Việt Nam, hệ thống bầu cử tồn tại cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vừa tiếp thu những giá trị dân chủ tiến bộ của nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa chính trị riêng của Việt Nam và được nhân dân Việt Nam chấp nhận, tôn trọng, thể hiện đầy đủ và thực chất quyền dân chủ của nhân dân, với hình thức bầu cử đặc trưng hết sức dân chủ và tiến bộ bằng “phổ thông đầu phiếu”.

Ngay từ Sắc lệnh số 14-SL, ngày 8-9-1945 - sắc lệnh đầu tiên về nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành - đã nêu rõ: “Mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội” và “Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”.

Tinh thần dân chủ ngay từ bản Hiến pháp và sắc lệnh về bầu cử đầu tiên của Nhà nước ta tiếp tục được kế thừa và phát triển về sau này. Về cơ bản, cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử. Nguyên tắc bình đẳng nhằm bảo đảm để công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, đồng thời đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu nhằm bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội; các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu phù hợp. Nguyên tắc trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình, không qua một cấp đại diện nào. Nguyên tắc này đòi hỏi cử tri phải tự mình trực tiếp bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu, không được nhờ người bầu hộ, bầu thay. Nguyên tắc bỏ phiếu kín thể hiện ở việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí (sự bỏ phiếu) của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu, nhằm bảo đảm sự tự do và sự thể hiện đầy đủ ý chí của cử tri. Cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật.

Bốn nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trong bầu cử được xem như một chỉnh thể của những nguyên tắc tiến bộ nhất cho một nền dân chủ hiện đại, thiếu sót ở nguyên tắc nào cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc khác. Việc bảo đảm bốn nguyên tắc này trong bầu cử ở nước ta chính là thể hiện việc thực hiện chế định dân chủ tiến bộ, văn minh, sự tự do, dân chủ trong bầu cử.

Điều 15, Điều 27 Hiến pháp năm 2013; Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, tính đến ngày bầu cử được công bố, tất cả công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này. Điều đó có nghĩa, bất kỳ một công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, nếu xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được quần chúng nhân dân tín nhiệm đều có quyền bầu cử và ứng cử. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV năm 2021, cả nước có 74 người ứng cử là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ là 8,53%; 9 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội có 3 người, Thành phố Hồ Chí Minh có 2 người, các tỉnh Cần Thơ, Bắc Kạn, Nam Định, Sóc Trăng mỗi tỉnh 1 người)... Những người tự nộp hồ sơ ứng cử, có đủ phẩm chất, năng lực, muốn đóng góp sức mình vào cơ quan của Quốc hội và hội đồng nhân dân đều có thể được cử tri tín nhiệm bầu chọn. Điều đó cũng khẳng định, ở Việt Nam không hề có việc hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân; ngược lại, luôn rộng mở “cánh cửa” vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với mọi ứng viên ở tất cả các giai tầng, thành phần, dân tộc, giới, tôn giáo..., nếu đủ đức, đủ tài. 

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bầu ra các đại biểu là người dân tộc và các đại biểu là phụ nữ để tham gia Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trên thực tiễn những năm qua, tỷ lệ số đại biểu là người dân tộc và số đại biểu là phụ nữ luôn tăng cao. Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72% - một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số cũng không ngừng tăng lên qua các khoá Quốc hội. Từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIV đã có 49/53 dân tộc thiểu số có đại biểu tham gia Quốc hội. Quốc hội khóa II có số đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số là 56 đại biểu, đến Quốc hội khóa XIV là 86 đại biểu. Việc các tầng lớp dân cư khác nhau đều được đại diện và có được tiếng nói ở Quốc hội chính là điều kiện tiên quyết thể hiện việc Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân, thấu hiểu và phản ánh lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Để bảo đảm dân chủ, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân ở nước ta còn áp dụng cơ chế hiệp thương (hay còn gọi là hội nghị hiệp thương). Đây là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để bàn bạc, thảo luận giữa các cơ quan, tổ chức về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, sao cho mang tính đại diện các giai tầng trong xã hội cao nhất, trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng, lấy ý kiến của đa số để đi đến kết quả thống nhất. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, được tiến hành qua 5 bước cụ thể với 3 vòng hội nghị hiệp thương. Ngoài ra, việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và lấy ý kiến cử tri nơi công tác vừa thể hiện sự chặt chẽ, khoa học, vừa thể hiện tính dân chủ rất cao trong bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân ở nước ta.  

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I ngày 6-1-1946 đến nay, việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam đã diễn ra được 14 khóa và đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả và thành công của 14 cuộc bầu cử ở nước ta trong suốt 75 năm qua là minh chứng khẳng định bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và địa biểu hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam hoàn toàn tự do, công bằng và đặc biệt bảo đảm, tôn trọng và thực hành rộng rãi quyền dân chủ của nhân dân. Do đó, luận điệu cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân ở Việt Nam “thiếu dân chủ” là sự bịa đặt trắng trợn và hoàn toàn phi lý!

Mỗi lá phiếu mà cử tri đi bầu không chỉ thể hiện ý thức về dân chủ, về quyền làm chủ của mình, mà còn thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào các cơ quan dân cử do nhân dân trực tiếp bầu ra và giao cho nắm giữ quyền lực nhà nước, sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin vào tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy cao nhất. Không một thế lực nào có thể làm lung lay niềm tin đó, cũng không một thế lực nào ngăn trở được sự thành công của ngày hội toàn dân bầu cử ở nước ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...