Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng núi liền núi, sông liền
sông, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, có mối quan hệ bền vững, lâu
dài, đôi bên cùng có lợi. Từ xưa đến nay, hai nước có sự gắn bó mật thiết trên
các phương diện diện lịch sử - văn hóa, tư tưởng, chính trị, kinh tế, an ninh -
quốc phòng và giao lưu nhân dân.
Trên
phương diện lịch sử - văn hóa, tư tưởng, chính trị
Nhờ yếu
tố địa lý, hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, tư tưởng,
chính trị. Từ rất sớm, hai nước cùng chia sẻ những giá trị chung của nền văn
minh nông nghiệp lúa nước, của tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Để đánh
đổ ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc, hai nước đều đi theo con đường cách mạng
vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hai nước. Lựa chọn con đường
này, cách mạng hai nước đã giành được thắng lợi.
Sau khi
giành được độc lập, cả hai nước đều tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong
quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hai nước đã hỗ trợ nhau cả về vật chất và
tinh thần. Ngày 18-1-1950 đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc như một mốc
son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Kể từ
khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ chính trị - ngoại
giao ngày càng tin cậy. Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư
Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm quan
hệ hai nước là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng
tới tương lai”. Tiếp theo đó, bổ sung tinh thần “bốn tốt”, gồm “láng giềng tốt,
bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Trên cơ
sở đó, năm 2008, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Từ đây, quan hệ hai nước ngày càng được củng cố, mở rộng theo hướng tin cậy và
chặt chẽ hơn. Các cuộc tiếp xúc cấp cao được tăng cường, diễn ra thường xuyên để
định hướng, dẫn dắt mối quan hệ hai nước.
Nhờ sự
tương đồng về thể chế chính trị, quan hệ giữa hai Đảng rất gắn bó, tin cậy, với
nhiều hoạt động phong phú. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế
giao lưu, hợp tác thường xuyên giữa các ban Ðảng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo
cán bộ, xây dựng Ðảng, phát triển lý luận về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự hợp tác giữa hai Đảng cầm quyền ở hai nước góp phần củng cố nền tảng chính
trị vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là ở các địa
phương vùng biên giới.
Trên
phương diện kinh tế
Hiện
nay, hai nước đã thiết lập được một hệ thống các cửa khẩu, chợ vùng biên; giao
thông hai nước kết nối chặt chẽ bằng cả đường bộ, đường biển, đường không.
Trung Quốc
là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ năm 2004, đồng thời là nước cung
ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).
Ngược lại, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn
thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Cơ cấu
hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau. Trung Quốc có
nhu cầu nhập khẩu lớn sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như rau quả, đồ gỗ, thủy sản.
Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị, dụng
cụ, phụ tùng và nhiều loại sản phẩm, nguyên vật liệu khác. Cơ cấu hàng hóa trao
đổi mang tính bổ sung cho nhau tạo thuận lợi để hai nước khai thác, phát huy tiềm
năng, thế mạnh của mỗi nước, đồng thời duy trì sự gắn kết bền vững.
Trung Quốc
cũng là một trong những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, có nguồn vốn dồi dào. Đầu
tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, thứ hạng cải thiện rõ rệt.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đến
nay, thứ hạng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng gần 10 bậc. Trong bối
cảnh Trung Quốc tích cực triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), năm
2017, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế,
thương mại, kết nối hạ tầng, mở ra những cơ hội mới trong hợp tác đầu tư giữa
hai nước.
Trên
lĩnh vực an ninh - quốc phòng và giao lưu nhân dân
Việt Nam
và Trung Quốc có chung biên giới trên bộ và trên biển, trong đó riêng biên giới
trên bộ đã trên 1400 km. Vì vậy, hợp tác an ninh - quốc phòng và giao lưu nhân
dân giữa hai nước rất được coi trọng. Hai nước đã hình thành nhiều cơ chế hợp
tác về an ninh - quốc phòng như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam
- Trung Quốc, thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng ba cấp (Trung ương, quân
khu, cấp tỉnh).
Từ năm
2015, Việt Nam và Trung Quốc triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng,
thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Trong
bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những thách thức
an ninh truyền thống và phi truyền thống. Vì vậy, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc
ngày càng được tăng cường, đẩy mạnh. Các cơ chế hợp tác giữa hai nước diễn ra
chặt chẽ.
Gắn liền
với quan hệ quốc phòng - an ninh, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, thời
gian qua, các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước đã được đẩy mạnh với
hình thức phong phú, đa dạng. 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ
hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc. Các cơ chế,
chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường
xuyên. Từ năm 2010, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối
ngoại nhân dân Trung Quốc phối hợp luân phiên tổ chức Diễn đàn nhân dân Việt
Nam - Trung Quốc. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ
năm 2000 đã được mở rộng về quy mô.
Có thể
nói, giao lưu nhân dân giữa hai nước đã phát triển sâu rộng, bền vững, đặc biệt
là ở các vùng biên giới. Đây là nền tảng vững chắc để củng cố quan hệ chính trị,
kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng giữa hai nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét