Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

NVD42 - “VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÂN PHẨM, NHÂN QUYỀN TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY”

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề nhân phẩm, nhân quyền từ bản tính nhân bản của chính con người gắn với các giá trị văn hóa tiến bộ và cả những giá trị nhân văn có tính “vượt trước” của dân tộc và nhân loại. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.


 
Về nhân phẩm: Trong lịch sử nhân loại và tư tưởng của các nhà triết học có nhiều quan điểm về nhân phẩm nhưng tiếp cận nhân phẩm từ bản tính nhân văn của chính con người là nét đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng, vấn đề thiện ác, nhân phẩm ở con người truyền thống cơ bản thể hiện ở nhân nghĩa. Người đổi mới cách giải thích: “Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào... sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ...

không ham giàu sang,

không e cực khổ, không

sợ oai quyền”. “Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy... không có lợi ích riêng phải lo toan...”. Nhân phẩm con người cơ bản thể hiện ở đạo đức. Đạo đức là nền tảng, là cái gốc của nhân phẩm, của nhân quyền (hay quyền con người). Đạo đức, nhân phẩm, nhân quyền là những cách thể hiện khác nhau của bản tính nhân bản mỗi khi con người hiện diện trong cộng đồng và trong xã hội nói chung dưới những góc độ và vai trò khác nhau.

Vấn đề thiện ác, nhân nghĩa hay vấn đề đạo đức, nhân phẩm truyền thống được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải sâu sắc hơn qua các nội hàm: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính trong hoàn cảnh mới. Người nhấn mạnh: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng thi đua ái quốc”. Con người sẽ vững vàng trước mọi thử thách, cám dỗ nếu hội đủ những phẩm chất nhân văn nêu trên trong nhân phẩm của mình.

Về nhân quyền: Nhân quyền là sự biểu hiện của nhân phẩm bằng pháp luật trong xã hội. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân trong các bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (năm 1776), bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp (năm 1789) và tư tưởng về quyền dân tộc tự quyết của V.I.Lênin thành quyền cá nhân con người gắn với quyền độc lập - tự do - hạnh phúc của tất cả các dân tộc. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền con người gồm cả quyền dân tộc tự quyết, từ đó Người tạo cơ sở về dân chủ, dân quyền cho việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ qua lại giữa việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền bình đẳng, tương trợ, đoàn kết giữa mọi người và giữa các cộng đồng với việc bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia Việt Nam và ngược lại.

Trong thực tế cả đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng chỉ theo đuổi một mục đích làm cho ích quốc lợi dân. Người không quên quyền lợi của bất kỳ một cộng đồng xã hội nào, từ nhi đồng, thiếu niên, đến thanh niên, phụ nữ, phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, người khuyết tật... Người xác định dân là chủ thì mới làm chủ và có khả năng gắn bó quyền lợi của bản thân với quyền lợi của cộng đồng và quyền lợi của đất nước (hay ngược lại); bảo đảm quyền lợi của Nhân dân Việt Nam thì đồng thời phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc khác. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là “công bộc”, là tấm gương phục vụ quyền lợi của Nhân dân.

Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền để xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay

Một là, vận dụng tư tưởng về mối quan hệ giữa nhân phẩm, nhân quyền.

Tư tưởng nhân quyền gắn bó mật thiết với nhân phẩm nhưng chúng không phải là “đặc quyền tự nhiên” được mặc nhiên thừa nhận từ bản tính nhân bản cố hữu của mỗi người mà luôn bị quy định bởi điều kiện xã hội. Do đó, cần vận dụng nhân quyền vừa mang tính phổ quát các giá trị nền tảng của nhân phẩm, vừa mang tính đặc thù của điều kiện xã hội tạo nên các giá trị này. Nhân quyền không giới hạn chỉ ở khía cạnh thực thể tự nhiên - xã hội, mà mang bản chất “tổng hòa các quan hệ xã hội”, trước tiên là quan hệ pháp lý, của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa.

Hai là, vận dụng tư tưởng về mối quan hệ qua lại giữa bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia và tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi của các cá nhân và các cộng đồng trong nước.

Đây là một nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững vàng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 1980 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ giữa những năm 1990. Đến nay, Việt Nam đã giải quyết khá tốt việc bảo đảm quyền phát triển của đất nước cùng với việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền của các dân tộc thiếu số, tôn giáo và các cộng đồng khác trong nước, nhưng lại chưa phát huy được giá trị của mối quan hệ biện chứng này. Vì vậy, cần nhận thức rõ hơn việc thực hành, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng này trong thực tế đổi mới đất nước; trong đó việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi của người dân và các cộng đồng lớn nhỏ chính là cơ sở bảo đảm quyền độc lập - tự do - hạnh phúc của đất nước.

Ba là, khắc phục những hạn chế trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền.

Trong thực tế, không ít trường hợp vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền chưa phân biệt, có khi nhầm lẫn chưa chú ý làm rõ, vận dụng và phát triển sáng tạo mối quan hệ giữa bảo đảm quyền cá nhân và quyền tập thể; giữa vấn đề đạo đức, văn hóa và pháp lý cũng như mối quan hệ giữa xây dựng đạo đức mới, văn hóa mới với bảo đảm quyền con người; chưa coi trọng đúng mức việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện thể chế về bảo đảm quyền của từng giai tầng xã hội: công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân... phù hợp với tình hình phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đang xuyên tạc, vu khống về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, do đó các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...