Đó là khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vào tháng 5/2021
nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc và suy ngẫm lại
bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nhận thức đầy đủ, toàn diện
và sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội, thực tiễn và tính tất yếu, khách quan của
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, trang bị thêm cho mình
những luận cứ khoa học cần thiết, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam.
Thời gian qua, với âm mưu phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ ta, các thế lực thù địch chống phá đã đưa ra
các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời lạc hậu, thế giới đương đại là thế
giới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là
lạc đường, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại, rằng Việt Nam muốn thịnh
vượng thì phải dũng cảm từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là những luận điệu
sai trái, thiếu tính khoa học lẫn thực tiễn, cần phê phán, bác bỏ.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư không
chỉ làm sáng tỏ nhận thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội, thực tiễn con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà qua bài viết, Tổng Bí thư còn đặt ra một vấn
đề có ý nghĩa to lớn đối với Đảng ta, Nhân dân ta đó là “Vì sao Việt Nam lựa
chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”. Bằng những phân tích xác đáng từ lý luận
đến thực tiễn cụ thể ở các nước và Việt Nam, người đứng đầu Đảng ta khẳng định
mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ
Chí Minh và Nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn. Tính đúng đắn đó thể hiện ở các
phương diện sau:
Thứ nhất: Xã hội mà chúng ta xây dựng
là một xã hội ưu việt, thật sự “vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân
dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Thứ hai: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là
khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam
và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Trong thực tế không ít người từng say sưa
với chủ nghĩa tự do, “các thế lực chống cộng xuyên tạc, chống phá nhà nước.
Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn,
khoa học của chủ nghĩa xã hội, thậm chí cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần
phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công
kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có
người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã
hội chủ nghĩa”, bài viết của Tổng Bí thư bằng những dẫn chứng cụ thể, xác
đáng, lý lẽ hùng hồn đã vạch trần sự dối trá của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư
bản rêu rao về dân chủ nhưng sự thật thì quyền lực lại không thuộc về Nhân dân
mà “chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập
đoàn tư bản lớn”, “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số nhưng lại kiểm
soát tới ¾ nguồn tài chính”. Họ “rêu rao bình đẳng về quyền nhưng
không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền dẫn đến dân chủ
vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”. Cuộc khủng hoảng
COVID – 19 vừa qua hay các cuộc bầu cử gây chia rẻ xã hội ở các nước được mệnh
danh là xứ sở tự do, tự nó đã vạch trần sự thật trần trụi đằng sau “chiếc mặt nạ
dân chủ” mà chủ nghĩa tư bản luôn dùng làm chiêu bài để gây sức ép với các nước.
Từ việc chỉ ra những mặt tích cực và hạn
chế của chủ nghĩa tư bản, Tổng Bí thư muốn khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản tự
bản thân nó không thể giải quyết được các vấn nạn, các khuyết tật nêu
trên. Và đây chắc chắn không phải là chế độ xã hội mà nhân dân tiến bộ
trên thế giới nói chung và Nhân dân Việt Nam nói riêng mong đợi, càng không phải
là tương lai của nhân loại. Nhân dân Việt Nam cần một xã hội “mà trong đó
sự phát triển là thực sự vì con người…”. Đó chính là xã hội xã hội chủ
nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét