Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

NVH42 - ĐẤU TRANH VỚI CÁC THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG ĐANG XUYÊN TẠC LỊCH SỬ, CÔNG KÍCH VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Trong thời gian qua những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch thường là: quá khứ thì sai lầm, hiện tại thì hết vai trò lịch sử. Chúng xuyên tạc "thành quả của Cách mạng Tháng Tám là thành quả cay đắng. Chính quyền về tay nhân dân, nhanh chóng rơi vào tay Đảng Cộng sản", "dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu là do Đảng Cộng sản gây ra". Phủ nhận lịch sử đấu tranh của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo, xuyên tạc láo xược một số khẩu hiệu cách mạng trong cuộc kháng chiến, kể cả Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bóp méo sự thật, đòi xét lại một số vấn đề lịch sử, v.v.. Còn vụ án "nhóm xét lại chống Đảng" thì chúng xuyên tạc: "đây là một điểm đen, một vết thương dai dẳng trong lịch sử và cơ thể chúng ta. Vụ án này chỉ là mưu đồ của một người nhiều quyền lực, nhiều tham vọng"...

Chúng rêu rao Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ và dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để độc quyền lãnh đạo đất nước. Chúng đổ lỗi cho Đảng ta về sự tụt hậu kinh tế so với những nước láng giềng như "tập trung nỗ lực vào vấn đề chính trị, thay vì vấn đề kinh tế", "sợ hao mòn quyền kiểm soát về chính trị và kinh tế của Đảng".

Có thể khẳng định lịch sử là nhân chứng hùng hồn nhất về vai trò lãnh đạo cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng ta được nhân dân thừa nhận ghi vào Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định sứ mệnh cao cả của Nhà nước và nhân dân ta là đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ, quyết đem hết tinh thần và lực lượng để bảo vệ, giữ gìn thành quả dân chủ và quyền dân tộc độc lập mà toàn dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh giành được trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến suốt gần một thế kỷ.

Trong bất cứ xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, giai cấp nào cũng có nhu cầu tổ chức chính đảng của mình để bảo vệ lợi ích giai cấp mà mình đại diện, do đó xuất hiện nhiều chính đảng và cuộc đấu tranh giữa các chính đảng. Chính đảng nào cũng muốn giành chính quyền nhà nước và nhân danh dân tộc, độc quyền lãnh đạo nhà nước để đại diện cho lợi ích riêng của giai cấp của mình. Tương quan lực lượng giữa các giai cấp và kết quả cuộc đấu tranh giữa các giai cấp quyết định vị thế của mỗi chính đảng trong xã hội.

Ở nước ta, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các phong trào và chính đảng đại biểu cho các giai cấp và tầng lớp yêu nước khác nhau đã bước lên vũ đài chính trị, một số người từng là vua quan phong kiến, đến nông dân, tiểu tư sản, trí thức đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, nhưng đều thất bại vì không có đường lối đúng. Trong thực tiễn của đấu tranh, ngọn cờ yêu nước đã chuyển sang tay Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và đại biểu cho lợi ích dân tộc, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã lật mặt nạ nhiều đảng phái nhân danh "yêu nước", nhưng lại đặt lợi ích của bản thân mình cao hơn lợi ích dân tộc, bám gót ngoại bang, chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đứng mũi chịu sào, chấp nhận mọi hy sinh để đổi lấy độc lập, tự do cho nhân dân, cho đất nước. Sự lãnh đạo độc tôn của Đảng ta, do thực tiễn cách mạng nước ta quy định. Đó cũng chính là thành quả cách mạng quan trọng nhất của nhân dân ta, chứ không phải của riêng Đảng.

Không một ai, không một thế lực nào có thể phủ nhận rằng, trong hoàn cảnh thế giới diễn biến hết sức phức tạp, hơn 38 năm qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tiến hành đổi mới có kết quả, đạt nhiều thành tựu to lớn, quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, tuy còn không ít khó khăn, nhưng rõ ràng kinh tế nước ta có những bước phát triển khá, nhịp độ tăng trưởng GDP vào loại cao trên thế giới với chất lượng và hiệu quả ngày càng tiến bộ, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định; quan hệ đối ngoại mở rộng. Đất nước đã ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Xuyên tạc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng nhằm chia rẽ nội bộ Đảng ta.

Các thế lực chống cộng tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ; mà theo họ "hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới đã từ bỏ, vì thực chất, sự tập trung quyền lực bao giờ cũng đưa tới chỗ triệt tiêu dân chủ. Dân chủ nhiều nhất, chỉ trở thành đồ rởm, chỉ có tác dụng trang trí cho sự tập trung quyền lực".

Chúng xuyên tạc, cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ đến nay đã lỗi thời, thực hiện tập trung dân chủ sẽ dẫn tới mất dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng rơi vào quân phiệt, độc đoán, độc tài; ra sức tán dương và khuyến khích thực hiện dân chủ, tự do, dân chủ cực đoan, trong đảng nên có nhiều phe nhóm đối lập, để bàn bạc, tranh luận, đấu tranh. Sử dụng triệt để những chiêu bài "dân chủ", "đa nguyên", họ cổ vũ sự bất đồng ý kiến về quan điểm trong Đảng, rồi lợi dụng sự bất đồng đó để chia rẽ Đảng thành những phe phái đối lập Những kẻ phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cơ hội, hữu khuynh, xét lại, những hành động chống Đảng, chống chế độ được ve vãn, tâng bốc, lôi kéo, mời chào, tặng cho đủ thứ danh hiệu mỹ miều. Còn những người đảng viên chân chính thì bị nhạo báng, chế giễu là bảo thủ, cứng nhắc, là giáo điều, nịnh hót. Họ đối lập những người lãnh đạo Đảng với đông đảo đảng viên, chia rẽ lớp đảng viên này với lớp đảng viên khác, mưu toàn gây ra mâu thuẫn nội bộ.

Gần đây trong nước xuất hiện nhiều cuốn "nhật ký", "hồi ký", tài liệu tung ra những chuyện giật gân trong sinh hoạt của lãnh đạo, "đề cao" người này, "hạ thấp" người kia, kích động gây chia rẽ lãnh đạo cấp cao của Đảng...

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức rất cơ bản của một đảng Mác - Lênin chân chính, bảo đảm phát huy sáng kiến và tính tích cực sáng tạo của mọi tổ chức đảng và đảng viên, đồng thời là điều kiện giữ gìn thống nhất ý chí, thống nhất hành động của Đảng. Đánh vào nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, các thế lực thù địch muốn phá vỡ sự thống nhất của Đảng, làm tan rã hoặc phân liệt Đảng về tổ chức.

Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ nghĩa là mọi người cùng bàn để cùng làm. Có các ý kiến khác nhau thì tranh luận. Cuối cùng, lấy ý kiến của đa số làm nghị quyết chung và cùng làm theo nghị quyết chung đó. Muốn hành động thống nhất thì phải có người điều khiển, lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được đa số tập thể bầu ra. Đã bầu ra người lãnh đạo thì phải phục tùng. Không phục tùng thì phải xử lý kỷ luật để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, mỗi người đảng viên và mọi tổ chức cơ sở đảng phục tùng Trung ương, do chính Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng bầu ra, đó là tập trung dân chủ, là nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp chặt chẽ hài hoà giữa hai mặt tập trung và dân chủ trong một mối quan hệ hữu cơ biện chứng chứ không phải chỉ tập trung hoặc chỉ dân chủ. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung, cũng như tập trung là cái bảo đảm cho dân chủ thực hiện. Dân chủ không phải là "tính từ" của tập trung. Việc tuyệt đối hoá một trong hai mặt đều có thể dẫn đến những sai lầm nguy hiểm có hại cho sự lãnh đạo và sức mạnh của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ chính là điều kiện bảo đảm cho tổ chức đảng cố kết về mặt tổ chức, thống nhất ý chí, hành động; đồng thời phát huy sáng kiến và tính tích cực sáng tạo của mọi đảng viên, mọi tổ chức đảng.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta vừa phải mở rộng dân chủ (vì dân chủ là bản chất, là nội dung, là động lực của xã hội), vừa phải giữ gìn kỷ cương, giữ gìn kỷ luật thống nhất, tính tập trung cao; kết hợp hai mặt tập trung và dân chủ, thực hiện thật tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thực tế trong Đảng còn hiện tượng thiếu dân chủ, còn hiện tượng độc đoán, quan liêu, cần phê phán. Nhưng phê phán phải đi đôi với xây dựng để thực hiện cho đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế lịch sử cho thấy, trong chốc lát buông lỏng kỷ luật, buông lỏng tính tập trung, nhấn mạnh một chiều tính dân chủ, để cho các phần tử cơ hội, cực đoan tự do hoạt động, một số đảng cộng sản có lịch sử mấy chục năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, đã rơi vào tình trạng nội bộ bị chia rẽ, tổ chức rối loạn, thậm chí tan rã thành từng mảng (Liên Bang Nga). Cho nên, nếu có đảng cộng sản nào đó đã bỏ nguyên tắc tập trung, dân chủ thì không thể coi là đảng cộng sản nữa mà thực chất đã trở thành một câu lạc bộ dành cho các sinh hoạt "ngoại khoá" mà thôi.

Các thế lực cơ hội, thù địch đưa ra luận điệu độc đảng là độc tài, độc đoán, là thủ tiêu dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển đất nước. Với ý đồ xấu xa đòi xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu mới giành lại được. Thuyết này dựa vào "lý luận rất bài bản" của quan điểm chống cộng khét tiếng mang tên "Toàn trị" được trường phái Phrăng Phuốc nêu ra vào những năm 80 của thế kỷ XX. Theo quan điểm này, những thế lực chính trị một khi đã khống chế toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng của đời sống xã hội thì sẽ dẫn đến "chủ nghĩa Toàn trị". "Chủ nghĩa Toàn trị sẽ dẫn đến độc tài, phátxít, mất dân chủ, bóp nghẹt tự do và dẫn đến thảm hoạ. Đảng Cộng sản là đảng theo "chủ nghĩa Toàn trị". Chúng lặp đi, lặp lại: một đảng lãnh đạo đã dẫn tới chế độ "Đảng trị" gây tai hoạ cho xã hội; mô tả Đảng ta có "một bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do dân chủ", "một bộ máy độc đoán, độc tài, toàn trị", "đầy tham nhũng, phản dân chủ", bởi vì xã hội ta chỉ có một đảng lãnh đạo, độc đảng thì kéo theo nhiều thứ "độc": độc tài, độc đoán, độc quyền. Họ kết tội Đảng: "Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của chế độ phátxít, độc tài". Những luận điệu trên đây đã được các nghị sĩ Mỹ đưa vào bản dự thảo Đạo luật về nhân quyền Việt Nam trình và thông qua Hạ viện Mỹ ngày 6-9-2001 đã ghi trong Điều 1: "Việt Nam là một quốc gia độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị và kiểm soát". Trên mạng Website mang tên "Dân chủ" gần đây, có kẻ đã vu cáo trắng trợn: Do sự hiện hữu của độc quyền chuyên chế đảng trị, dân tộc Việt Nam không chỉ khó thực hiện lý tưởng dân chủ mà còn khó tận hưởng các quyền tự do căn bản.

Sự lãnh đạo độc tôn của Đảng không đồng nghĩa với lộng quyền. Trong những năm đổi mới, các dự thảo nghị quyết của Đảng về các vấn đề quan trọng đều được đưa ra lấy ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội, được đăng tải trên các báo chí để lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cả trong và ngoài nước, có khi phải trải qua 5 - 7 lần dự thảo mới đưa ra Hội nghị Trung ương bàn và ra nghị quyết chính thức. Không có chuyện không ai được thảo luận.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, dân chủ thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về dân chủ. Theo Người, dân chủ nghĩa là "dân là chủ và dân làm chủ". Người chỉ rõ: "NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" hay chủ trương theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Phát huy dân chủ chính là mục tiêu, đồng thời là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, dân chủ không thể tách rời luật pháp. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể tách rời việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Dân chủ còn phải gắn với dân trí, với trình độ học vấn.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, trên thực tế, không chỉ phụ thuộc vào kinh tế, mà còn phụ thuộc vào một loạt các yếu tố khác, như tương quan so sánh lực lượng giai cấp, vị thế, vai trò của đảng cầm quyền, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, truyền thống lịch sử... Chế độ một đảng hay đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ hay không dân chủ. Đa nguyên chính trị trong xã hội tư bản, biểu hiện thành đa đảng, các đảng đều có quyền tự do tranh luận, ứng cử, tranh cử... nhưng về thực chất, cũng chỉ là nhất nguyên chính trị: vì tất cả các đảng này đều từ một nguồn gốc, một mục đích là thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp tư sản, chứ không phải thực hiện quyền của đại đa số nhân dân lao động. Dân chủ hay không là ở chỗ nhà nước, có thực sự là của dân, do dân, vì dân... có thực sự vì lợi ích của nhân dân hay không.

Hơn 38 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế, chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát huy dân chủ của nhân dân. Nền dân chủ xã hội có bước khởi sắc, sinh hoạt xã hội cởi mở hơn. Các hình thức dân chủ - cả trực tiếp và gián tiếp, từng bước được mở rộng. Cùng với việc Quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành, quyền dân chủ của nhân dân từng bước được thể chế hoá trong chính sách, pháp luật và các văn bản dưới luật. Việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính và tổ chức bộ máy Nhà nước đang được triển khai. Sinh hoạt của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được đổi mới theo hướng ngày càng phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng bám sát thực tiễn đời sống, phản ánh kịp thời các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội… Những thành tựu về phát huy dân chủ đó, cho thấy Đảng ta thường xuyên coi trọng việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân; mở rộng dân chủ đi liền việc thiết lập trật tự kỷ cương phép nước.

Tóm lại: Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội; làm cho chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội./.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...