Kinh
tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại, được Đảng và Nhà nước Việt
Nam vận dụng một cách đúng đắn, khoa học, sáng tạo, trở thành nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò của con người
chính là động lực và cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Song, các thế
lực thù địch cho rằng, không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là
những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; gán ghép định hướng xã hội chủ nghĩa
với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không
thuyết phục. Chúng cho rằng, Việt Nam phải chuyển sang kinh tế thị trường tư
bản chủ nghĩa, và kêu gọi các quốc gia không công nhận nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Thực tế, các thế lực thù địch đang cố
tình xuyên tạc bản chất tốt đẹp của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành
của Nhà nước Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay.
Kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt
Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường
hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh
tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn
phát triển của đất nước. Đây, thực chất là kiểu tổ chức nền kinh tế - xã hội
vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên
những nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Do đó, kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vừa mang những đặc trưng chung của kinh
tế thị trường, vừa mang tính đặc thù, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính
định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường không phủ nhận các quy
luật kinh tế thị trường, mà là cơ sở để xác định sự khác nhau giữa kinh tế thị
trường ở nước ta với các nước khác, cụ thể là giải quyết tốt các vấn đề xã hội,
nói cách khác là phát triển kinh tế thị trường để thực hiện tiến bộ và công
bằng xã hội. Điều này khẳng định bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở
nước ta.
Thực tiễn qua hơn
37 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, có ý nghĩa
lịch sử. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước
không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỷ USD vào năm 1989, thì đến năm 2023
đã đạt 430 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ
khoảng 250 USD, thì đến năm 2023 đã đạt 4.284 USD. Việt Nam trở
thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng
trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống
dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống
nhân dân. Những kết quả đó là minh chứng đanh thép phản bác lại những luận điệu
xuyên tạc, sai trái về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở nước ta.
Bên
cạnh tính ưu việt của mô hình này, thì kinh tế thị trường vẫn còn tồn tại những
hạn chế cố hữu, đó là: Tình trạng khủng hoảng, tham nhũng, thất nghiệp, lạm
phát; gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội; cạn kiệt tài
nguyên; ô nhiễm môi trường… Những hạn chế này bản thân kinh tế thị trường không
những không thể tự khắc phục được, mà còn gia tăng theo thời gian. Để khắc phục
chúng, không có cách nào khác tốt hơn bằng sự điều tiết và can thiệp của Nhà
nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ khắc phục được những hạn chế
cố hữu trên; đồng thời, bảo đảm tính ưu việt, nhân văn, cao cả của chế độ xã
hội chủ nghĩa.
Việc
các thế lực thù địch bôi nhọ, vu cáo, xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa là đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân
dân. Do đó, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh vạch trần bộ mặt phản động của
chúng để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét