Dân tộc
Việt Nam từ xưa đến nay vốn có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” Không
có một vị anh hùng, một lãnh tụ thiên tài nào mà lại không nhận được sự dạy dỗ,
dìu dắt của thầy giáo, cô giáo. Yêu mến, biết ơn và kính trọng thầy cô giáo là
đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam. Trong xã hội xưa vị trí của người thầy đã được đặt với vị trí rất
cao và được coi trọng. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị xét theo cấu
trúc “Quân - Sư - Phụ” thì nhà giáo được xếp dưới vua nhưng trên cha mẹ, trong ca dao tục ngữ có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Người thầy luôn tượng trưng cho những gì
chuẩn mực, không
những nắm đạo lý mà người thầy còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi
người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở nên người có học
vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước. Chủ
Tịch Hồ Chí Minh đã rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo, Người đã từng
nói: “Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang
nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương,
song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Ở nước ta có nhiều bậc thầy cao quý như Chu Văn An, Nguyễn
Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên
Giáp, Dương Quản Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu. Chính những bậc
thầy đó đã làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta. Ngày 20/11 hàng năm chính
là dịp để mỗi người trong chúng ta cùng nhau gặp gỡ, ôn lại truyền thống và tôn
vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng truyền đạt tri
thức và đạo làm người cho biết bao thế hệ học trò nối tiếp nhau.
Lịch sử
ngày nhà giáo Việt Nam khởi đầu bằng một sự kiện lịch sử. Đó là vào tháng 8 năm
1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại VacSaVa (Ba Lan) đã thông qua bản
“Hiến chương các nhà giáo” và quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày
“Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”. Nghị quyết của hội nghị được phổ biến nhanh
chóng đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lí giáo dục miền Bắc và đồng
bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Ngày 20/11/1958, ngày quốc tế Hiến chương
các nhà giáo lần đầu tiên được tổ chức tại miền Bắc nước ta.
Ngày
28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 167-HĐBT
lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam để cả nước tri ân các nhà giáo, là dịp để các thế hệ
học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy đã luôn tận tình
truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã
hội chia sẻ niềm vui với những người đã góp bao công sức cho sự nghiệp trồng người
cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc. Quyết
định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà
nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây
dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.
Để ghi
nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên, khuyến khích các nhà giáo,
ngày 30/5/1985, Chủ tịch hội đồng Nhà nước - nay là Chủ tịch nước đã kí lệnh
công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho
các công trình thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật... và
pháp lệnh danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nhà giáo nhân dân", "Nhà
giáo ưu tú" để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ
thông, giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy cao đẳng,
đại học và các học viện nhà trường trong quân đội có thành tích xuất sắc. Nhà giáo đã được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, nghề
dạy học được vinh danh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Ngày nay
có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác -
những người mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến
cho sự nghiệp “trồng người”, những người thầy ấy luôn luôn được coi trọng.
Ngày
nay, chúng ta đang sống, làm việc trong những điều kiện thuận lợi song cũng rất
nhiều nhiệm vụ và thách thức đang đặt ra cho các nhà giáo: Vấn đề đổi mới và
nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của nước nhà
trong hội nhập đổi mới và phát triển. Thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của
ngành giáo dục của Quân đội và của Học viện, các thầy cô giáo trong Học viện chính trị đã tích cực tham gia các
hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp trí tuệ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy,
nhiều thầy cô đã tìm tòi sáng tạo nâng cao chất lượng bài giảng, cập nhật kiến
thức hiện đại, phát huy tính tích cực chủ động học tập của hầu hết
các đối tượng học viên
trong Học viện. Chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng được nâng cao hơn, các học
viên sau khi tốt nghiệp về đơn vị đều sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm
vụ trên cương vị chức trách được tổ chức phân công. Trải qua 66 năm xây dựng và
trưởng thành, Học viện chính trị đã đào tạo bồi dưỡng được hàng ngàn cán bộ
chính trị, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của quân đội,
đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo tại Học viện chính trị đều có phẩm chất chính trị,
đạo đức tốt, có kiến thức toàn diện chuyên sâu về công tác đảng, công tác chính
trị,có năng lực lãnh đạo, chỉ huy hoàn thành tốt nhiệm vụ khẳng định được vị
trí, vai trò và uy tín trên cương vị công tác, nhiều đồng chí đã phát triển trở
thành tướng lĩnh trong quân đội, cán bộ cấp cao của Đảng, nhà nước và nhà koa học
có uy tín. Để có được kết quả như vậy phần lớn là công lao bồi dưỡng kiến thức,
truyền thụ kinh nghiệm của đội ngũ thầy cô giáo trong Học viện
Trong bối cảnh
đất nước đang bước vào Hội nhập, đẩy mạnh CNH-HĐH như hiện nay, các nhà giáo cần
phải không ngừng phát huy vai trò của mình hơn nữa, không ngừng học tập nâng
cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, trau dồi đạo đức chính trị. Nước nhà có được
phồn vinh sánh vai với các cường quốc năm châu hay không phần lớn nhờ công lao
đào tạo thế hệ trẻ của các thầy, các cô. Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam
20/11, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và chúc sức khoẻ các thầy cô giáo; đồng
thời tích cực ra sức học tập nâng
cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tu dưỡng đạo đức ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp, cao quý của
dân tộc Việt Nam “tôn sư trọng đạo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét