Sinh thời, Chủ tịch Hồ
Chí Minh căn dặn: “Người thầy giáo tốt,
người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng
trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những
người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy
dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy
nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy
giáo thì phải sữa chữa”
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, truyền
thống đó đã thấm sâu vào tâm hồn cốt cách của con người Việt Nam, từ truyền thống
đó, vị thế của các thầy giáo, cô giáo được tôn vinh một cách xứng đáng trong xã
hội với quan niệm “Một chữ cũng là thầy,
nửa chữ cũng là thầy”, “Tôn sư trọng
đạo”. Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Muốn
sang thì bắt cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!”. Không có một vị
anh hùng, một lãnh tụ thiên tài nào mà lại không nhận được sự dạy dỗ, dìu dắt của
thầy giáo, cô giáo. Yêu mến, biết ơn và kính trọng thầy cô giáo là đức tính tốt
đẹp của người dân Việt Nam. Truyền thống hiếu học và đạo lý đối với người thầy
giáo của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hiếu học
và tôn sư trọng đạo, dân ta vì trọng đạo làm người mà tôn sư và coi trọng giáo
dục” . Kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo
cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - thầy giáo Nguyễn Tất Thành kính yêu
của chúng ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà, Người đã căn dặn:
“ Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”;
“ Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Người luôn nhắc nhở thầy trò phải thi đua dạy tốt, học tốt. Coi đó là vấn đề
chính trị trung tâm thiết thực nhất trong trường học.
Suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống
tôn sư trọng đạo ấy luôn là ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng con đường học vấn của
dân tộc ta. Chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong từng trang sử dân tộc hình ảnh
người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách,
hình ảnh những người vợ, người mẹ tần tảo sớm hôm lo cho chồng, cho con nấu sử
sôi kinh, và đặc biệt là những lớp học xưa với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học.
Người thầy được tôn vinh bởi người thầy không chỉ là người dạy chữ thánh hiền
mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất. Trong lịch
sử dân tộc ta đã có biết bao người thầy như thế: đó là người thầy Sư Vạn Hạnh –
người đã có công nuôi dạy và dìu dắt Lý Công Uẩn trở thành một vị vua anh minh
lỗi lạc. Chính Lý Công Uẩn là người đã ra chiếu rời đô đến đất Thăng Long và mở
ra một kỉ nguyên phát triển phồn hoa của dân tộc Việt Nam. Không những vậy, ông
còn là người đã đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc giáo dục của đất nước Đại
Việt bằng cách lập nên Quốc Tử Giám, trường học đầu tiên dành cho con cháu quý
tộc năm 1070. Đó là thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) – người dạy học cho thái
tử, cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ”
xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch. Đó là cụ
đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh
cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn – tác giả của nhiều bài thơ, văn bất hủ
tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân. Đó là các bậc thầy
cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Võ Trường Toản, Nguyễn Tất Thành – Hồ
Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân.... Những người thầy như
vậy và biết bao người thầy khác đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm
tự hào của dân tộc Việt Nam.
Trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc nhất là từ
khi có Đảng lãnh đạo, sự nghiệp giáo dục được Đảng và nhân dân ta đặc biệt quan
tâm và được đặt lên vị trí “Quốc sách
hàng đầu” chỉ có giáo dục cách mạng mà đội ngũ những người thầy giáo của Đảng,
của nhân dân mới đảm đương được trọng trách “Sự
nghiệp trồng người” xây dựng con người mới XHCN, xác định đúng vị trí của sự
nghiệp giáo dục của người thầy giáo trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và nhà nước
ta đã không ngừng chăm lo, xây dựng và hoàn thiện nền giáo dục Việt Nam, vừa
phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa trí tụê của nhân loại,
xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong tiến
trình đó đã khẳng định vị trí của “Người
thầy giáo Việt Nam” trong thời đại mới.
Nhằm không ngừng tôn vinh đội ngũ người thầy, cô giáo Việt
Nam và đáp ứng sự phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ngày 28 tháng 9
năm 1982 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định: Lấy
ngày 20/11 hàng năm là ngày “Nhà giáo Việt
Nam”, nội dung của quyết định chỉ rõ: “
Để ngày 20/11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm các cấp chính quyền và đoàn thể cần
xem xét tình hình hoạt động công tác của đội ngũ giáo viên, phát huy truyền thống
tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, nhân dịp này có thể khen thưởng những nhà giáo
có thành tích xuất sắc”.
Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện nền giáo
dục - đào tạo, nhất là nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đủ phẩm chất và năng lực
phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Giáo
dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân
trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, phát huy vai trò tinh thần trách nhiệm
của người giáo viên nhân dân, những năm qua đội ngũ giáo viên đã ra sức phấn đấu
hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình góp phần đắc lực vào sự nghiệp giáo dục - đào
tạo. Đội ngũ thầy giáo, cô giáo còn là lực lượng đi đầu trong việc lập lại nề nếp
trật tự, kỷ cương trong hoạt động giáo dục đào tạo, trong đổi mới nội dung,
phương pháp giảng dạy, phù hợp với tình hình phát triển giáo dục đào tạo trong
giai đoạn mới với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Trong các Nhà trường Quân đội, các thầy
giáo vừa là người truyền thụ kiến thức, vừa là người bồi dưỡng, ý chí tình cảm
cách mạng và phẩm chất, nhân cách tốt đẹp, khơi dậy khả năng sáng tạo cho người
học. Đội ngũ giảng viên thực sự mẫu mực cả về kiến thức, năng lực và cả về phẩm
chất đạo đức lối sống, luôn phát huy trách nhiệm cao cả tích cực nghiên cứu, đổi
mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức huấn luyện, không ngừng nâng
cao chất lượng dạy và học xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “giáo
viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn
cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải
mình trước”.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào Hội nhập,
đẩy mạnh CNH-HĐH như hiện nay, các nhà giáo cần phải không ngừng phát huy vai
trò của mình hơn nữa, không ngừng học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên
môn, trau dồi đạo đức chính trị. Nước nhà có được phồn vinh sánh vai với các cường
quốc năm châu hay không phần lớn nhờ công lao đào tạo thế hệ trẻ của các thầy,
các cô. Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn
vô hạn và chúc sức khoẻ quý thầy cô giáo; ra sức học tập, rèn luyện góp phần
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tô điểm thêm truyền thống
tốt đẹp, cao quý của dân tộc Việt Nam “tôn sư trọng đạo”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét