Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội, họ
là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục.
Người từng nhấn mạnh: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có
giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”, điều đó, vừa
khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề đặc biệt “dạy chữ, dạy người”,
vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự
nghiệp giáo dục - đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội
nhưng người trực tiếp và quyết định chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản
lý giáo dục. Bởi lẽ trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ
nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong
trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý
tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những
phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã
hội. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là
tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn tài là sự
am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn.
Bàn về đạo đức nhà giáo, Hồ Chí
Minh nêu lên những phẩm chất rất cơ bản, đó là: hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục
vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người
lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức
nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là
những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong
đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục -
đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật
thà yêu nghề của mình” . Ngoài ra, theo Hồ Chí Minh, đạo đức nhà giáo yêu nghề,
yêu trường thôi chưa đủ mà còn phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi đó là mục tiêu mà
dân tộc đang hướng tới. Về trí tuệ và tài năng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,
một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết
tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên nhà giáo phải
không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn
của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo; hoàn toàn
không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích luỹ kiến thức, tự
học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự
là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người nói: “giáo viên cũng phải tiến
bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì
dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Từ đó, Người khuyên
mọi người thực hiện theo lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” và lấy
phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành
trong công việc. Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Bác còn lưu ý giáo
viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững
lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng
người”.
Ngoài đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí
Minh còn rất quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi: “Một tấm
gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, do đó tấm gương
nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Người nói: “Giáo dục được người
thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh
hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo,
ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm
tin cả một lớp người. Người thường dặn dò:
các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng
phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa
rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ
kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể...
Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo
đức của nhà giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối
với công việc, quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn
thể... Người căn dặn: Phải xây dựng "quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ,
giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò… giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với
nhân dân". Chỉ có rèn luyện công phu như vậy, người thầy mới có được những phẩm chất tốt đẹp cho các thế hệ học trò noi
theo. Có thể thấy rằng, những tư tưởng mà Người nêu ra không chỉ có ý nghĩa với
hiện tại mà còn có ý nghĩa với tương lai, sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí
Minh đã được kiểm nghiệm Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng
phát triển thì vai trò của người thầy càng quan trọng và cùng với nó là yêu cầu
đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn.
Kế thừa và phát huy truyền thống
“tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước
ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đã có những quyết
sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô
giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã
tiếp tục khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là
sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”; “Phát triển đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Đất nước ta đang
trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục - đào tạo phải
đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong
giai đoạn mới. Trước những đòi hỏi đó, hơn ai hết mỗi giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về nghề
dạy học; từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách của Người./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét