Năm nay, ngày 20/11 dường như đến sớm
với đợt gió mùa đông bắc đầu mùa tràn về sớm hơn năm trước. Nhưng cơn gió lạnh
đầu mùa vẫn không làm mất đi không khí tưng bừng dào dạt niềm vui của ngày nhà
giáo Việt Nam mà toàn xã hội đã và đang dành cho những người Thầy.Dân tộc ta có truyền thống “Tôn
sư trọng đạo”. Từ thời phong kiến, người thầy đã có vị trí rất cao trong xã hội.
Trong bậc thang giá trị xét theo cấu trúc “Quân – Sư – Phụ”, nhà giáo được xếp
dưới vua nhưng trên cha mẹ. Ca dao xưa có câu:Muốn sang thì bắc cầu Kiều-Muốn con hay
chữ thì yêu kính thầy.
Được coi trọng như vậy bởi người thầy
luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực. Không những nắm đạo lí mà người thầy
còn có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lí cho mọi người, nhất là cho các thế hệ
học trò của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có
năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao
vai trò của người thầy. Người chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau
này tích cực góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Người
thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù
tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy
giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Được coi trọng như vậy, người thầy phải
đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về nhân cách. Người thầy phải là tấm gương
mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo. Sự gương mẫu của người thầy
không phải chỉ giới hạn ở phạm vi trường học mà còn ở mọi nơi, mọi lúc, trong
gia đình và ngoài xã hội.
Truyền thống "Tôn sư trọng
đạo" của nhân dân ta từ xưa và mãi sau này chắc chắn sẽ không thay đổi
nhưng những yêu cầu của xã hội ngày nay đối với nhà giáo cả về phẩm chất và năng
lực đã tăng lên rất nhiều. Điều đó đòi hỏi nhà giáo vừa phải giữ được những
phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý này lại vừa phải đáp ứng
nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ sư phạm.
Nhà giáo được vinh danh là “Kỹ sư tâm
hồn”, nghề dạy học được vinh danh là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao
quý”. Ngày nay có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo
viên khác – những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian
khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Những người thầy ấy luôn được coi
trọng. Tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lí, thành tình cảm tự nhiên của mỗi
người chúng ta.
Như thế, nét đẹp truyền thống “Tôn sư
trọng đạo” đã có từ ngàn xưa và được bảo tồn cho đến ngày nay. Nét đẹp ấy đã
được các thế hệ người Việt Nam chúng ta kế thừa, vun đắp, phát huy bằng những
thể hiện trong các chủ trương chung cũng như trong những việc làm cụ thể thường
ngày. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/ 11 chính là dịp quan trọng để tình cảm thiêng
liêng dành cho người thầy được thể hiện. Bởi vậy, vào những ngày này, khi mà
ngày lễ lớn của các thầy cô giáo đang đến gần, các bậc phụ huynh cùng học sinh
và tất cả những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường đều hướng tới các thầy, các
cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình với những tình cảm kính yêu, quý trọng. Những bó hoa
tươi thắm, những cánh thiếp chúc mừng được chuẩn bị để tặng thầy cô. Kỉ niệm
thời đi học chợt hiện về lung linh những sắc màu. Có thể nói ngày 20/ 11 không
chỉ là ngày lễ của các thầy, cô mà còn là ngày hội của mỗi chúng ta bởi hầu như
ai cũng có một thời cắp sách đến trường.
Những thành tựu mà giáo dục nước ta đã
đạt được cho đến nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của bao thế hệ nhà giáo. Nền
giáo dục của chúng ta đang đổi mới mạnh mẽ. Đội ngũ một triệu giáo viên, giảng
viên của cả nước với tâm huyết, năng lực, ý thức trách nhiệm và tinh thần nỗ
lực đang là chủ thể, lực lượng và động lực to lớn tạo ra sự chuyển biến phát
triển của nền giáo dục nước nhà.
Với tinh thần "tôn sư trọng
đạo" ngàn đời của đân tộc ta, các tầng lớp nhân dân đã mang đến cho người
thầy những xúc cảm vô bờ. Đó là những tình cảm quý báu để cho những nhà giáo
cống hiến toàn bộ tri thức của mình cho sự nghiệp giáo dục.
Vẫn biết rằng nghề giáo ngày nay còn rất
nhiều khó khăn, người thầy giáo không chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mà còn phải
sống có lí tưởng và bản lĩnh mới có thể vững vàng bám trụ trường, lớp, nhưng
trước niềm tin toàn xã hội gửi gắm, những người làm nghề giáo chắc chắn vẫn
dành trọn tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người.
Mỗi năm khi sắp đến 20 tháng 11 lòng ta
lại dâng lên những cảm xúc khó tả, đó là những cảm xúc mong nhớ, tiếc nuối về
thời đi học đã qua, những kỷ niệm về thầy cô và những người bạn học đã mãi xa.
Ngày 20 tháng 11 không chỉ là ngày để học trò có thể bày tỏ được tình cảm với
thầy cô mà đây là dịp thầy trò được gần gũi nhau hơn. Những tình cảm chân
thành của học trò luôn là món quà có ý nghĩa nhất đối với người thầy cô. Có
những em học sinh dù không còn học nữa nhưng vẫn luôn nhớ về thầy cô giáo cũ.
Nhiều học sinh đi học nơi khác vẫn tìm tới các thầy cô giáo để chúc mừng
thăm hỏi nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Những tình cảm đặc biệt này sẽ làm cho
những người thầy cô càng thấy ấm lòng hơn, quên đi mệt mỏi của công việc, lo
toan trong cuộc sống hàng ngày.
Nhân ngày 20/ 11, xin kính gửi tới các
thầy, các cô những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm nhất. Hướng về các
thầy, các cô với tấm lòng thành kính, những học trò hôm qua và những học trò
hôm nay đã, đang và sẽ luôn khắc ghi trong lòng đạo lí: Uống nước nhớ nguồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét