Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều
tra (Công an Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt
giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều
tra về hai tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 123 Bộ luật
Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143 Bộ luật Hình sự).
Ngay sau đó, trên mạng xã hội,
liên tục xuất hiện nhiều thông tin với nội dung tuyên truyền xuyên tạc, đưa tin
sai lệch về sự việc này, hòng gây nhiễu loạn trong dư luận nhân dân, chống đối
chính quyền. Trong đó có bài viết của J.B Nguyễn Hữu Vinh với tiêu đề: Quyết định
khởi tố vụ án ở Đồng Tâm nói lên điều gì? - (Phần II) được đăng trên một số
trang mạng xã hội. Bài viết của J.B Nguyễn Hữu Vinh đã cố tình suy diễn, xuyên
tạc sự việc, kích động nhân dân, bôi nhọ chính quyền; “đục nước béo cò”, phục vụ
cho những mưu đồ chính trị đen tối của y.
Trước hết, cần phải nhận thức rõ
rằng việc khởi tố vụ án hình sự tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) của
Công an Hà Nội là cần thiết, vừa có lý, vừa có tình. Bởi, việc người dân thôn
Hoành, xã Đồng Tâm bắt giữ 38 người thi hành công vụ và đập phá một số tài sản
công là hành vi vi phạm pháp luật, có tính chất hình sự. Trong một vụ án hình sự,
để tạo điều kiện cho hoạt động điều tra được tiến hành thuận lợi, đúng pháp luật,
cơ quan điều tra sau khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, sẽ phải tiến
hành khởi tố vụ án hình sự. Chỉ sau khi khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra
mới được áp dụng tất cả các biện pháp điều tra mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định,
để thu thập thông tin, chứng cứ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án, bảo đảm đúng
người đúng tội. Việc khởi tố vụ án hình sự ở Đồng Tâm chỉ là sự mở đầu của cuộc
điều tra, chưa có bất cứ nội dung nào thể hiện sẽ bắt nhân dân phải chịu trách
nhiệm hình sự, gánh chịu hình phạt. Thông qua việc điều tra, xem xét vấn đề, cơ
quan điều tra sẽ làm rõ ai là người phạm tội, lỗi là của ai, động cơ, mục đích
phạm tội là gì; từ đó có phương án giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.
Mặt khác, ngay cả khi xét xử,
pháp luật vẫn quy định về miễn trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm
2015 có ghi nhận sẽ miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp: “Người phạm tội
tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội
phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc
có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.” Do đó, với sự thành khẩn,
biết lỗi mà bà con Đồng Tâm đã thể hiện, chắc rằng những ai hợp tác với chính
quyền sẽ có tình tiết giảm nhẹ hình phạt trên thực tế.
Hai là, trong vụ ở Đồng Tâm, việc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết: “Không truy cứu trách
nhiệm hình sự với nhân dân xã Đồng Tâm”, điều đó không đồng nghĩa với việc
“không khởi tố vụ án hình sự”. Bởi, xét về bản chất đây là hai hoạt động hoàn
toàn khác nhau, không thể “đánh đồng”. Bên cạnh đó, sự việc diễn ra ở Đồng Tâm,
đòi hỏi phải được làm rõ “trắng - đen”; phải điều tra tìm cho ra nguyên nhân, động
cơ gây án; xác định trách nhiệm của từng cá nhân, của người “cầm đầu”, “chủ
mưu”. Đồng thời, tìm hiểu rõ trong vụ việc này, người dân sai tới đâu; chính
quyền sai tới đâu; từ đó có kết luận đúng lý, hợp tình… Khởi tố vụ án hình sự để
điều tra chính là quá trình xây dựng căn cứ để xử lý đúng người, đúng tội và thực
hiện nghiêm thượng tôn pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.
Tóm lại, việc khởi tố vụ án hình
sự ở Đồng Tâm chỉ ở giai đoạn đầu. Trong thời điểm này, người dân Đồng Tâm nên
bình tĩnh, hợp tác tốt với cơ quan điều tra, cung cấp những chứng cứ cần thiết
để vụ án nhanh chóng được làm rõ; không nên nghe theo những lời “xúi giục” của
những kẻ cơ hội chính trị, cản trở quá trình điều tra. Bởi, chỉ khi vụ án được
làm rõ, “hai năm rõ mười”, cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại với người dân
Đồng Tâm./.
Tác giả: LyLy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét