Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu nhất quán,
là con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Đây là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt
đường lối cách mạng nước ta, là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng được thể
hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện Đại hội Đảng…
Thế nhưng, các thế lực thù địch với động cơ chính trị đen tối,
luôn tìm mọi cách phủ nhận, bôi đen, xuyên tạc mục tiêu đó với những luận điểm
hết sức phản động mà họ đưa ra là: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ mục tiêu độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”!...
Sự thực đó chỉ là quan điểm xuyên tạc, phản động của các thế
lực thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Âm mưu
thâm độc của chúng là, muốn thay đổi chế độ ở nước ta, hướng đất nước ta đi
theo con đường tư bản chủ nghĩa. Các quan điểm sai trái, phản động đó không thể
đứng vững trước sự phê phán của thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bởi mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử, là con đường duy nhất
đúng đắn, là tất yếu khách quan của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và không bao
giờ thay đổi.
1. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là
yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, là sự lựa chọn nhất quán của Đảng và
nhân dân ta. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có mối quan hệ biện
chứng, thống nhất chặt chẽ với nhau. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định, vấn đề
cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền và chỉ có cách mạng xã hội
chủ nghĩa do giai cấp vô sản lãnh đạo mới đủ khả năng giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp, giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho
nhân dân, đưa nhân dân thực sự trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh
dân tộc và bản thân mình. Đối với cách mạng Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc
gắn với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân
ta đã lựa chọn ngay từ năm 1930 khi Đảng ra đời. Sự lựa chọn đó, đã hội tụ đủ
các nhân tố khách quan, chủ quan của hoàn cảnh lịch sử dân tộc và thời đại. Mục
tiêu đó luôn được Đảng ta kiên định, thống nhất xuyên suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng; đó là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của
Đảng trong suốt 86 năm qua. Ngay cả khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu sụp đổ, Đảng ta vẫn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những
bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các
dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến
hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
2. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là
con đường duy nhất đúng để đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng con người. Thực tiễn lịch sử chứng minh, quá trình ra đi tìm đường
cứu nước, chỉ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới tìm
thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn nhất. Trong cuốn: Đường
Cách mệnh, Người viết, bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ
nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Người
chỉ ra: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường
cách mạng vô sản. Đó cũng chính là con đường kết hợp độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trải qua thực tiễn
đấu tranh chống xâm lược đầy cam go, khốc liệt, Đảng ta khẳng định: độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt, luôn gắn chặt với nhau, quan hệ
biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, độc lập dân tộc là điều kiện
tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội, còn chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm
vững chắc cho độc lập dân tộc. Tuy nhiên, ở từng giai đoạn lịch sử, tùy vào điều
kiện cụ thể, vấn đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được vận dụng phù hợp,
hài hòa. Ở giai đoạn đầu, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam là tập trung
giải quyết vấn đề dân tộc gắn với vấn đề giai cấp. Sau khi thực hiện thành công
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh bại thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, nhân
dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ này,
cách mạng Việt Nam thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền, đó là: cách mạng
xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Để
hoàn thành thắng lợi hai chiến lược cách mạng đó, Đảng ta giương cao ngọn cờ độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhờ đó, đã tạo được sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn
dân tộc, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần của quốc
tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của
nhân dân ta.
Sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội tiếp tục được Đảng ta thực hiện sáng tạo trong điều kiện đất nước thống
nhất, hòa bình, cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1986,
trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái
trào, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài, Đảng ta đã khởi xướng và
lãnh đạo công cuộc đổi mới, tạo ra bước ngoặt cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa
xã hội. Nhờ đó, hơn 30 năm đổi mới, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có
ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Từ
thực tiễn đó có thể khẳng định các sự kiện trong những năm 1930, 1945, 1954,
1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường
chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nó minh chứng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội là một tất yếu lịch sử. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là
mục tiêu nhất quán, xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Đó là cơ sở để bác
bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch luôn tìm cách phủ nhận mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam./.
Tác giả: Văn Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét