Truyền
thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt
Nam. Truyền thống ấy đã được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều
dài lịch sử dân tộc: “Nhất tự vi sư, bán
tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”;
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay
chữ thì yêu lấy thầy”… để tỏ lòng trân trọng, thành kính dành cho nhà giáo.
Vị trí của người thầy luôn được xã hội tôn vinh,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không
có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng
và rất vẻ vang”, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các
nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.Các thầy cô giáo không
những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa
rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Vì vậy,
ngày Nhà giáo Việt Nam (hay ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) được tổ chức hằng
năm vào ngày 20 tháng 11, một ngày trọng đại và ý nghĩa. Là ngày để toàn xã hội
hướng về các thầy cô - những người hy sinh thầm
lặng cho sự nghiệp trồng người. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô chính
là những người lái đò cần mẫn, miệt mài chở con thuyền trí tuệ qua sông,
đưa học trò đến bến đỗ bình an, gieo mầm tri thức, chắp cánh ước mơ của tuổi trẻ
để những học trò sẽ trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Lịch sử giáo dục của dân tộc ta cũng sẽ còn ghi mãi công lao
những người thầy tiêu biểu, được nhân dân mãi mãi tôn vinh, gương sáng còn lan
tỏa đến ngày nay như thầy Đỗ Năng Tế (thầy dạy cả văn lẫn võ cho hai chị em
Trưng Trắc và Trưng Nhị), thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn
Đình Chiểu. Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy,
không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo bao thế hệ học trò,
con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ
Chí Minh cũng đã từng dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết. Qua các bài giảng,
Người đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào,
tự tôn dân tộc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng
Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác.
Tiếp
tục con đường người thầy đã chọn, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường
Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo tài ba của đất nước đã từng làm nghề
“ươm mầm xanh” ở một số trường học. Họ tiếp tục sự nghiệp mà người thầy vĩ đại
của dân tộc để lại, không chỉ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những
chiến công chói lọi ở thế kỷ XX mà còn từng bước đưa nền giáo dục nước nhà sánh
vai cùng bạn bè năm châu.
Trong
những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi
của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của
mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào
trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục
truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy
lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế
hệ học sinh, sinh viên.
Hiện
nay, trước sự cám dỗ
của đời sống vật chất trong nền kinh tế thị trường, sự xuống cấp đạo đức của một
số giáo viên. Song, vẫn còn biết bao tấm gương của các thầy cô đã vượt lên những
khó khăn của cuộc sống, không vì danh lợi trước mắt, đã dốc hết tâm lực, trí lực
vì học sinh thân yêu, gắn bó cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục để xứng đáng với
danh hiệu nghề cao quý của sự nghiệp “trồng người”. Họ là những tấm
gương đã để lại hình ảnh gương mẫu, đạo đức nghề nghiệp, được xã hội tôn vinh,
kính trọng, là hình tượng mẫu mực đối với các thế hệ học trò và được xã hội tôn
vinh.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ngày
20 tháng 11, trước sự quan tâm của toàn xã hội, niềm vui, hạnh phúc lại trào
dâng, rạng ngời trên mỗi gương mặt thầy cô - điểm tựa tinh thần vững chắc, tiếp
thêm sức mạnh, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của các thầy cô đối với sự
nghiệp giáo dục. Đó là niềm vinh dự, tự hào về vị trí, vai trò của mình đối với
sự nghiệp “trồng người”! Nhưng trách nhiệm cũng không kém phần lớn lao, nặng
nề, trăn trở của mỗi người thầy: làm sao để hình ảnh người thầy mãi mãi là tấm
gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, đồng thời để xứng đáng
với sự tôn vinh của xã hội: “Nghề dạy học
là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét