GS Tương Lai là cái tên không còn
lạ lẫm với cư dân mạng cũng như độc giả trong và ngoài nước. Ông là một trong
những người bất đồng chính kiến với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội ở Việt Nam hiện
nay. Ngày 2/9/2017, thông qua một số trang mạng xã hội, ông tuyên bố “dứt bỏ mọi
liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tuyên bố của ông đã tạo ra dư luận trái
chiều trên mạng xã hội. Bên cạnh những bài viết ca ngợi, tán dương, có nhiều
bài viết chỉ trích ông, trong đó có cả những bài của những nhà “dân chủ” có “số
má”, từng ca ngợi, khuyến khích những bất đồng chính kiến của ông với Đảng, Nhà
nước, chế độ. Đặc biệt là, trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết ra vẻ
khách quan, trung lập, không bàn đúng sai việc làm của ông, cũng như các bài viết
chỉ trích, chê bai ông nhưng nội dung lại chứa đầy ý đồ thâm hiểm. Điển hình
cho những bài này là bài viết có tựa đề “Một tiếng thở dài của phong trào dân
chủ” trên Danluan.org ngày 14-9-2017 của tác giả có danh xưng là “Mường Thanh”.
Ý đồ thâm hiểm của bài viết này thể hiện trên những vấn đề sau:
1. Biện hộ, thanh minh cho những
phần tử cơ hội, chống đối
Trong bài viết trên tác giả đã vu
khống, bịa đặt rằng, ở Việt Nam hiện nay những ai có ý kiến phản biện lại đường
lối chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam đều gọi là “bất đồng chính kiến”, bị
vu vạ là “đồ phản bội”, chịu những đòn “đánh dưới thắt lưng” khiến cho cuộc sống,
công ăn việc làm và người thân gặp khó khăn, áp lực nặng nề, thậm chí còn bị
truy tố hình sự theo những điều luật, nghị định mập mờ, phi lý. Đây là sự bịa đặt
trắng trợn của tác giả bài viết. Bài viết đã cố tình đánh tráo khái niệm cho rằng
những luận điệu sai trái, thù địch của những phần tử cơ hội, suy thoái là sự phản
biện xã hội.
Thực tế, Đảng, Nhà nước ta khuyến
khích sự phản biện xã hội của các tổ chức, cá nhân nhằm đóng góp cho Đảng, Nhà
nước bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, luật pháp,… Văn kiện
Đại hội lần thứ XII Đảng xác định: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích
chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến… Bảo đảm để nhân dân
tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan lợi
ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến
giám quá trình thực hiện”[1].
Chủ trương phát huy sức mạnh toàn
dân tộc, tập trung trí tuệ của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng đất nước đã
được triển khai thực hiện nghiêm túc trong thực tế. Các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được xây dựng trên cơ sở tham khảo rộng
rãi ý kiến của nhân dân và được đông đảo nhân dân đóng góp ý kiến. Dự thảo Hiến
pháp năm 2013, Dự thảo Luật đất đai 2013, Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng lần thứ
XII và nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật khác của Nhà
nước đã được đông đảo nhân dân đóp góp ý kiến.
Đặc biệt, để kịp thời nắm bắt ý
kiến phản ánh, đóng góp của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta thực hiện thống nhất
quy định các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp định kỳ hằng tháng tiếp dân, lắng
nghe ý kiến của nhân dân. Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp
tiếp xúc cử tri, giải đáp ý kiến thắc mắc của cử tri. Các bộ, ngành, cơ quan chức
năng,… lập đường dây nóng để kịp thời nghe ý kiến phản ánh của nhân dân. Trên
Đài truyền hình quốc gia lập chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”. Nhiều cơ
quan nhà nước lập hộp thư góp ý tại công sở để tạo điều kiện cho nhân dân phản ảnh
ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề nghị,…
2. Kích động GS Tương Lai có quan
điểm từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam một cách dứt khoát. Sau khi tuyên bố dứt bỏ mọi
liên hệ với Đảng, GS Tương Lai có giải thích rằng, ông chỉ dứt bỏ với Đảng hiện
nay, chứ không dứt bỏ Đảng Lao động, đảng của Hồ Chí Minh. Lập trường, quan điểm
này của GS Tương Lai đã bị các phần tử cơ hội, các nhà "dân chủ cuội"
chỉ trích, lên án, cho rằng ông là người "cơ hội", "không biết
suy tưởng",... Mặc dù trong bài viết tác giả Mường Thanh "rào
đón" cho rằng mình không "đủ tuổi" để bàn chuyện đúng sai của vị
GS, nhưng lại đưa ra những lời lẽ thâm hiểm, vừa có tính chất tâng bốc, vừa có
tính khuyên GS Tương Lai "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách" nên
"đứng hẳn về một bên" (ngầm ý rằng GS Tương Lai cần từ bỏ luôn cả Đảng
Lao động của Hồ Chí Minh), "đấu tranh cho sự công bằng, cho lẽ phải"
mà GS "đã từng dấn thân bền bỉ",... Tinh vi hơn, y đưa ra lời khuyên
cho các nhà "dân chủ chính hiệu" phải là những người khiêm tốn, lễ
phép, lịch thiệp, mềm mỏng, mở tấm lòng bao dung,... đối với GS Tương Lai.
3. Kích động chống đối Đảng, Nhà
nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vòng vo "Tam quốc" thì cuối cùng tác
giả bài viết "Một tiếng thở dài của phong trào dân chủ" cũng lòi
"cái đuôi cáo", lộ nguyên hình là kẻ phản bội, tên tay sai của các thế
lực thù địch tuyên truyền các luận điệu kích động chống đối Đảng, Nhà nước và
chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Một mặt y vu khống, bịa đặt, xuyên
tạc nói xấu Đảng, Nhà nước, Chế độ xã hội chủ nghĩa, gán cho Đảng Cộng sản Việt
Nam là "độc quyền về lòng yêu nước, yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội".
Mặt khác, y hô hào, kêu gọi những người "bất đồng chính kiến" đứng
chung về một bên tạo thành khối đoàn kết, kề vai sát cánh để chống đối Đảng,
Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa với luận điệu mỹ miều "làm những điều khả
dĩ cho đất nước, xây dựng lý tưởng sống nhân bản cho giới trẻ noi theo khi niềm
tin và các giá trị đạo đức xã hội đang lộn tùng phèo...".
Như vậy, có thể thấy rằng, ý đồ của
tác giả bài viết "Một tiếng thở dài của phong trào dân chủ" là rất
thâm độc, nham hiểm hướng tới nhiều đối tượng, bao gồm cả GS Tương Lai, những
người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ và cư dân mạng. Tuy nhiên, nó đã bị
bóc mẽ và sẽ không làm lung lạc được ai./.
[1] Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.169
Tác giả: Đức Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét