Ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VI (1986), khi Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch và những người thiếu hiểu biết đã
cho rằng kinh tế thị trường nói chung và kinh tế tư nhân đối lập với chủ nghĩa
xã hội, hoặc là kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, hoặc là chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt trong thời gian qua, khi
Đảng ta ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành
một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
thì họ lại một lần nữa mở cuộc tranh luận sôi nổi về sự đối lập giữa kinh tế tư
nhân và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vậy đâu mới là chân tướng
của những lập luận này?
1.Sự tồn tại và phát triển kinh tế
tư nhân ở Việt Nam không đối lập với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và là
một thực tế được mọi người thừa nhận. Trước tiên, cần phải khẳng định rằng:
kinh tế tư nhân không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản mà là sản phẩm của
sự tiến hóa trong trao đổi hàng hóa giữa người và người. Chưa bao giờ các nhà
sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học phủ nhận vai trò của kinh tế thị trường và
kinh tế tư nhân, trái lại, các ông đều thấy được vai trò quan trọng của kinh tế
tư nhân trong sự phát triển của nền sản xuất và tiến trình phát triển của lịch
sử nhân loại. Trong quá trình nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội, C. Mác,
Ph. Ăngghen đều nói tới việc không thể xóa bỏ chế độ tư hữu, sở hữu tư nhân
trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, tiếp thu tư tưởng của C.
Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã đề ra chính sách kinh tế mới (NEP) nhằm phát
triển các thành phần kinh tế ở nước Nga trong đó có kinh tế tư nhân sau giai đoạn
nội chiến với sự không phù hợp của chính sách cộng sản thời chiến. Thực chất của
chính sách kinh tế mới của Lênin là phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư
nhân là một lực lượng quan trọng để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, chủ nghĩa Mác khẳng định sự tồn tại khách quan của kinh tế tư nhân
trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Chỉ có những kẻ cơ hội hoặc thù địch
với chủ nghĩa Mác mới cho rằng kinh tế tư nhân đối lập với chủ nghĩa xã hội và
kinh tế tư nhân không thể phát triển được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và
sự điều hành, quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, sự tồn tại và phát
triển của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa không phải là xuất phát từ ý muốn chủ quan của Đảng và Nhà nước ta mà
chính từ vai trò của bản thân kinh tế tư nhân với tư cách là một bộ phận không
thể tách rời của nền kinh tế quá độ ở nước ta quyết định. Kinh tế tư nhân với
các loại hình đa dạng, hoạt động linh hoạt đã từng bước hoàn thiện kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của
xã hội, trong đó nổi cộm là giải quyết việc làm cho người lao động. Kinh tế tư
nhân làm đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả
hoạt động nền kinh tế đất nước, đáp ứng các nhu cầu vốn rất lớn cả về
phía người tiêu dùng lẫn chủ sở hữu, tính đa dạng đó là ưu thế rất lớn để đưa nền
kinh tế từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất hàng hóa lớn và mục tiêu xây dựng cơ sở
vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Không phải đến Hội nghị trung
ương 5 khóa XII, Đảng mới quan tâm đến phát triển kinh tế tư nhân, mà trong nhiều
năm qua, xuyên suốt nhiều Đại hội Đảng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh
đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về
phát triển kinh tế trong đó có việc khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư
nhân phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của nhà nước,
trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở nước ta đã có sự phát triển vượt bậc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân hiện có
khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp của cả nước. Trong
giai đoạn 2006 - 2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư
nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá
trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và
dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển.
Trong thời gian tới, khu vực kinh tế này sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 30% ngân
sách và khoảng 40% GDP của cả nước. Đây là những minh chứng rõ nét nhất cho thấy
kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và luôn được Đảng và
nhà nước tạo điều kiện phát triển.
2. Đối lập kinh tế tư nhân với định
hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là mưu toan xấu của bọn cơ hội, thù địch.
Những kẻ cố tình không hiểu và xuyên tạc vai trò của kinh tế tư nhân trong sự
phát triển của đất nước ta hoặc ấu trĩ cho rằng kinh tế tư nhân và chế độ xã hội
chủ nghĩa như “nước” với “lửa” thực chất là những kẻ muốn phá hoại sự ổn định của
đất nước, hòng làm cho chúng ta xa rời nguyên lý gốc của chủ nghĩa Mác để dần dần
từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng để rơi vào
quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Những luận điệu này thâm độc ở chỗ nó hướng mọi người
đi tới lập luận: kinh tế tư nhân chỉ tồn tại ở các nước tư bản chủ nghĩa, do đó
Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân thì về bản chất Việt Nam đã là nước tư bản
chủ nghĩa, mà đã là nước tư bản chủ nghĩa thì phải từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản. Những âm mưu, thủ đoạn này không mới, bởi nó đã được thực hiện và thực hiện
thành công ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tuy nhiên, trước sự
phát triển nhanh chóng của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó tiêu biểu
là Trung Quốc và Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang có nhiều cải cách để
phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đây có thể được coi là “liều thuốc thử”
đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Nếu như chúng
ta giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhận định đúng, coi trọng và
phát triển đúng kinh tế tư nhân trong từng bước phát triển của con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội, chúng ta sẽ thành công. Nếu như chúng ta không thấy rõ, thấy
hết vai trò của kinh tế tư nhân, chúng ta sẽ thất bại, nhất là khi bước vào kỷ
nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như chúng ta từ bỏ nguyên tắc tập
trung dân chủ, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng để phát triển kinh tế tư nhân một
cách tự phát và vô từ chức, chúng ta sẽ đánh mất bản chất xã hội chủ nghĩa, đất
nước ta sẽ rơi vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Phát triển kinh tế tư nhân trở
thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng ta trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Mỗi một người dân Việt Nam yêu nước cần hiểu đúng và vận dụng
đúng Nghị quyết của Đảng để phản bác lại các luận điệu sai trái, góp sức mình
phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, để đất nước
ta sớm hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tác giả: Tuấn Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét