Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Vinh dự, trách nhiệm là người thầy giáo Quân đội

Nghề dạy học là một nghề cao quý. Ở bất cứ xã hội nào của bất cứ Quốc gia, dân tộc nào, vị trí của người thầy luôn được xã hội tôn vinh. Đồng hành với nghề dạy học là sự hy sinh âm thầm lặng lẽ của những người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô chính là những người lái đò cần mẫn, miệt mài chở con thuyền trí tuệ qua sông, đưa học trò đến bến đỗ bình an, gieo mầm tri thức, chắp cánh ước mơ của tuổi trẻ để những học trò sẽ trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.
Đây là một điều rất vẻ vang".

Ở nước ta, dạy học là một nghề cao quý, tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất, song lại có vai trò rất lớn trong đào tạo những thế hệ công dân có ích, nguồn nhân lực quan trọng cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quân đội nhân dân Việt Nam là lĩnh vực hoạt động đặc thù, người thầy quân đội được hiểu là những cán bộ làm công tác quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy trong các nhà trường quân đội; các khoa, tổ bộ môn giáo dục quốc phòng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề,…. trong cả nước; những cán bộ chiến sĩ đang âm thầm mang con chữ đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Vì vậy những người thầy quân đội vừa phải hội tụ đầy đủ “Tâm - Tài - Đức” của một nhà giáo vừa phải có những phẩm chất của người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ. 
  
Vinh dự người thầy thật lớn lao nhưng trách nhiệm rất nặng nề, đòi hỏi sự chuẩn mực, mô phạm của người thầy ngày càng cao. Người thầy phải thực sự là khuôn vàng, thước ngọc là tấm gương sáng về tự học, tự rèn, cũng như sự nỗ lực vươn lên làm chủ tri thức cho học sinh noi theo. Là người thầy, vị trí nghề nghiệp đòi hỏi họ phải luôn có ý thức tự tôn, tự trọng, mô phạm trong mọi lời nói và hành động. Là học sinh ai ai đều tỏ lòng yêu quý, kính trọng thầy giáo. Để xứng đáng là người thầy mô phạm, trước hết chúng ta cần tự ý thức sâu sắc về bản thân mình, về nghề nghiệp của mình.

Điều quan trọng nhất của người thầy là cái tâm, cái đức. Ngày xưa đã thế, sau này cũng vấn thế. Muốn "thắp sáng ngọn lửa" cho người khác thì tâm hồn mình phải "rực sáng". Thầy giáo không chỉ là sự toả sáng mà còn là sự cảm hoá nhân cách, người thầy phải có đức trong, tâm sáng. Tâm đức của người thầy còn thể hiện trong nhiều phương diện. Trước hết phải là một công dân gương mẫu, có kỷ cương, có ý thức trách nhiệm xã hội, hăng hái tham gia vào sự phát triển của cộng đồng; là một người mô phạm, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, quy định, quy chế; có cuộc sống trong sáng, giản dị, chan hoà, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Dù ở đâu thì người thầy cũng phải là một nhân cách điển hình, mẫu mực.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nhà giáo là một yếu tố đặc biệt quan trọng để mỗi giảng viên không ngừng vươn lên tự hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng với trọng trách cao cả của người thầy. Để xứng đáng với vai trò người kỹ sư “trồng người”, người thầy phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phẩm chất nghề nghiệp, trình độ năng lực, tri thức và kĩ năng sư phạm. Để làm được điều đó, mỗi giáo viên cần định hướng đúng và thường xuyên bồi dưỡng xu hướng nghề nghiệp. Xây dựng động cơ thái độ trách nhiệm, thực sự tâm huyết với sự nghiệp trồng người, toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ, luôn có tinh thần say mê, sáng tạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn để cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Lòng yêu thương con người sẽ giúp người thầy vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành tốt bổn phận nhà giáo. Ngày nay chúng ta đang thực hiện cuộc vận động nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, người thầy phải luôn đi đầu trong phong trào ấy. Mỗi cán bộ, giảng viên là tấm gương sáng về tinh thần say mê học tập, công tác, sáng tạo, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo. Phẩm chất đạo đức mô phạm, chuẩn mực, đời tư trong sáng là tấm gương sáng trong giáo dục nhân cách cho học viên. Đạo đức chân chính của người thầy sẽ cảm hóa các thế hệ học viên, định hướng họ, khích lệ họ vươn tới những giá trị cao cả của cuộc sống.

Hiện nay, cả thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, phẩm chất đức và tài của người thầy càng phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Dạy học là một khoa học của sự sáng tạo. Nhà giáo dục không chỉ làm một việc là truyền thụ tri thức đã có mà phải trở thành nhà tổ chức hoạt động nhận thức, định hướng nhận thức, gợi mở tư duy và xây dựng bản lĩnh, nhân cách cho người học. Làm được như vậy, người thầy phải thực sự là con người văn hoá, con người trí tuệ, có tầm, có tâm, có tài. Để thực hiện phương châm “biết mười dạy một”, người thầy phải không ngừng làm mới mình về tri thức, kĩ năng sư phạm.


Ở lĩnh vực quân sự, những tiến bộ mới nhất của khoa học - công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng trong việc chế tạo vũ khí, trang thiết bị; trong chiến thuật và phương thức chiến tranh. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt ra cho các lực lượng vũ trang yêu cầu cao về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống, kể cả khi các thế lực thù địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vì vậy, giáo dục - đào tạo quân sự và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo quân đội phải được hết sức coi trọng góp sức đào tạo thế hệ trẻ có phẩm chất, có năng lực, có khát vọng để tiếp bước cha anh dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...