Đội
ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo trong quân đội nói riêng là những người giảng
dạy, bồi dưỡng, đào tạo những thế hệ cán bộ quân đội “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong tình hình hiện
nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội càng đòi hỏi phải đào tạo những
thế hệ cán bộ quân đội có phẩm chất, năng lực, trình độ cao, đáp ứng tốt mọi
yêu cầu, nhiệm vụ. Điều đó đỏi hỏi các Nhà trường trong quân đội phải tiếp tục,
không ngừng xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình
mới. Chính vì vậy, quán triệt tư tưởng Hồ
Chí Minh trong xây dựng đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường quân đội hiện nay là
một nội dung quan trọng.
Thực vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng đội ngũ nhà giáo. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ
vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không
có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”, theo Người “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô
giáo tốt hay xấu” … Và Người cũng rằng: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang.
Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng
bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh
thường xuyên nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện
đạo đức nhà giáo mẫu mực. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức
cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì
có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng,
một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Để rèn luyện đạo đức, Người luôn
nhắc nhở các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất
nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu
hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì
hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạn”. Và "Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh
thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với
công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng
vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân
giao cho".
Vì vậy, trước hết đội
ngũ nhà giáo phải không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất
đạo đức, lối sống. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì sự mẫu mực về chính
trị, tư tưởng đạo đức lối sống, tác phong của giảng viên là bài học thực tiễn
sâu sắc nhất đối với người học. Bài giảng dù có hay bao nhiêu cũng sẽ vô tác dụng nếu giảng viên đó không phải là tấm
gương sáng về niềm tin, lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách sư
phạm. Người chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một
trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, Người hết sức
coi trọng việc xây dựng tình đoàn kết. Người dặn dò: "Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết
thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và
công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật
sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”.
Mặt khác, muốn nâng cao
chất lượng giáo dục - đào tạo thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn
hoá đội ngũ nhà giáo. Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác -
Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng
cần phải được giáo dục”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới
làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình
đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”, Người nhấn mạnh: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì
người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội… Người huấn luyện phải học thêm
mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình, người giáo viên năng lực kém,
nói sai, có hại cho học sinh nghĩa là có hại cho tập thể. Mọi người đều phải
ghi nhớ và thực hành điều đó”. Người dẫn lại câu nói của Khổng
Tử: “Học không biết chán, dạy
không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự
mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào
thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương
pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho người học noi theo. Do đó, mỗi
giảng viên phải thường xuyên tích cực học tập, nâng cao trình độ kiến thức,
năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học và hoàn thiện về phẩm chất, nhân
cách người giảng viên. Đồng thời, đội ngũ nhà giáo cũng cần phải được đào tạo
theo đúng chuyên ngành, thông thạo về ngoại ngữ, tin học, có trình độ đại học
và sau đại học. Hướng tới xây dựng một đội ngũ nhà giáo có tầm vóc, thể chất
khoẻ mạnh, thể hiện được vóc dáng chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời
đại mới. Người còn nhắc nhở: “Người
thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù
tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những
người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Bên cạnh đó, mỗi nhà
giáo phải thật sự yêu nghề, yêu trò, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt
nhiệm vụ giáo dục được giao. Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, là yêu cầu quan
trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là cơ sở, là động lực thôi thúc
trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ
vang của mình. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của các nhà giáo. Mỗi cô
giáo, thầy giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo
tốt, nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Người căn dặn: "Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như
nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những
thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng
sản?". Yêu trò là tất cả vì sự tiến bộ của trò, "Phải thương yêu các cháu như con em
ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu
vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính
phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy". Yêu nghề, yêu trò
còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh
thần trong trường học. Bác dặn "Các
cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh
thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an
toàn".
Thấm nhuần tư tưởng của
Bác, nhằm không ngừng nâng
cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong các Nhà trường quân đội hiện nay đòi hỏi
các cấp uỷ đảng, khoa giáo viên phải có nghị quyết, kế hoạch, biện pháp cụ thể
thiết thực về nội dung giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên cả về
phẩm chất và năng lực cũng như tác phong công tác. Lấy chất lượng hiệu quả thực
hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học là mục tiêu hàng đầu để phấn đấu
và đánh giá phân loại cán bộ, giảng viên hàng năm. Đồng thời cổ vũ, động viên,
khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu nhằm khơi dậy phong trào thi
đua “dạy tốt, học tốt” trong
toàn nhà trường. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các đồng chí giảng viên
có nhiều kinh nghiệm để dìu dắt, giúp đỡ, bồi dưỡng những đồng chí giảng viên
mới. Chú trọng công tác tạo nguồn cán bộ, giảng viên bảo đảm đủ số lượng, giảng
dạy có chất lượng, hiệu quả cao. Đối với học viên được đào tạo các chuyên ngành
hệ sư phạm cần không ngừng thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ
nhà giáo trong Quân đội. Mỗi người cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất
của người thầy giáo trong quân đội,
không những phải nắm chắc kiến thức chuyên môn, mẫu mực trong ứng xử sư phạm mà
còn là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp…
Hiện nay, trong bối cảnh
nền giáo dục nước nhà đang có nhiều tiêu cực, nhất là vấn nạn bằng giả, hiện
tượng tiêu cực trong thi cử, dạy thêm, học thêm tràn lan… một số nhà giáo vì
những lợi ích vật chất tầm thường mà đánh mất phẩm giá cao đẹp. Đặc biệt sự
nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết
Trung ương 8 (khoá XI) đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục xây
dựng đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo trong quân đội nói riêng có đủ đức
tài, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Do vậy, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ
Chí Minh về xây dựng đội ngũ nhà giáo càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét