Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1334/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát
huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong
tình hình mới”.
Người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn
lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm chỉ đạo:
Quán
triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc và phát huy nhân tố
con người trong sự nghiệp cách mạng dân tộc, sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát
triển đất nước. Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là
NVNONN), trong đó có tranh thủ, huy động nguồn lực, là một bộ phận có tính
chiến lược trong công tác đại đoàn kết dân tộc và đóng góp trực tiếp vào mục
tiêu đại đoàn kết dân tộc.
Bám
sát chủ trương tranh thủ tối đa nguồn lực NVNONN tham gia đóng góp phục vụ phát
triển đất nước, phù hợp với ưu tiên, định hướng phát triển đất nước nêu tại văn
kiện Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, Chỉ thị
45-CT/TW ngày 19 tháng 5 năm 2015, Kết luận 12-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2021
của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính
phủ. Xác định nguồn lực kiều bào là một nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong
tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài, cần được tranh thủ để phục vụ công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quán
triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
để phục vụ các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước từ nay đến 2030, tầm
nhìn 2045, cần phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân
dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam
hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng, lấy lòng yêu nước là mẫu số
chung.
Các
chủ trương, chính sách, biện pháp về tranh thủ nguồn lực của NVNONN được triển
khai nhất quán, thông suốt, toàn diện từ Trung ương đến địa phương.
Phát
huy nguồn lực của NVNONN phải gắn liền với quan điểm của Đảng, Nhà nước về tạo
điều kiện thuận lợi, quan tâm, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của
NVNONN. Các chính sách, biện pháp thu hút nguồn lực chủ yếu dựa trên yếu tố gắn
kết lợi ích, ý thức hướng về cội nguồn, lòng yêu nước, khuyến khích đóng góp
mang tính tự nguyện của cộng đồng.
Phương châm:
Việc
thu hút nguồn lực NVNONN dựa trên tiềm năng, năng lực, tính khả thi của nguồn
lực, đồng thời đặt trong tổng thể chính sách Đại đoàn kết dân tộc, đường lối
đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị
và hợp tác giữa Việt Nam và các nước, góp phần hỗ trợ kiều bào sinh sống ổn
định, tiếp tục đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Kế
thừa các chủ trương, chính sách do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã ban hành
hoặc đang triển khai có yếu tố về người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xác định
vấn đề cần sửa đổi (nếu có) hoặc ban hành mới chính sách nhằm tạo điều kiện
thuận lợi hơn nữa cho kiều bào về thăm quê hương, thân nhân, đầu tư, kinh
doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, từ thiện,
xã hội, du học sinh, lao động trở về lập nghiệp...
Các
chính sách, quy định, biện pháp nhằm phát huy nguồn lực của NVNONN cần mạnh
dạn, có đột phá, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của đông đảo
NVNONN.
Kết
hợp hài hòa giữa công tác thu hút với công tác bồi dưỡng, hỗ trợ, phát triển
nguồn lực NVNONN vì mục tiêu lâu dài.
Trong
khi tranh thủ nguồn lực kiều bào, tiếp tục tăng cường cảnh giác, kiên quyết đấu
tranh đối với các âm mưu và hành động khống chế cộng đồng, lợi dụng cộng đồng
để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảm
bảo hài hòa giữa ban hành chính sách ưu đãi để thu hút, vận động cộng đồng và
việc rà soát, siết chặt công tác quản lý, tránh lỗ hổng về pháp lý để đối tượng
xấu lợi dụng.
Các
bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, chủ
động trong công tác thu hút nguồn lực cụ thể.
Dành
kinh phí phù hợp, thỏa đáng cho công tác thu hút nguồn lực NVNONN, hài hòa giữa
kinh phí thực hiện ở Việt Nam và tại nước ngoài.
Mục
tiêu tổng quát của Đề án nhằm huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước
ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước
phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra;
tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước; củng cố
sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho đất
nước.
Mục
tiêu cụ thể là tăng cường thống nhất nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài
là nguồn lực ngày càng quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển
và bảo vệ Tổ quốc, từ đó xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang
tính tổng thể, cơ bản, lâu dài nhằm thu hút và phát huy tối đa nguồn lực này. Các
bộ, cơ quan, địa phương xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về thu hút nguồn
lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Thiết lập cơ chế triển khai, phối hợp đồng
bộ từ Trung ương đến cơ sở và trên phạm vi toàn quốc, trong và ngoài nước.
Tạo môi trường, cơ chế trong nước để người
Việt Nam ở nước ngoài yên tâm gắn bó, phát huy nguồn lực của mình với đất nước.
Xây dựng hành lang pháp lý để người Việt Nam ở nước ngoài cơ bản được hưởng môi
trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tiến hành các hoạt động đầu
tư, kinh doanh, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao, nhân đạo...
Tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững khuyến
khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh
vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng. Duy trì đà tăng trưởng của kiều hối;
thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI của người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy
mạnh phát huy hiệu quả nguồn lực của tri thức NVNONN thúc đẩy chuyển giao tri
thức và kỹ năng; thu hút và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, du học sinh
trở về; triển khai hiệu quả các sáng kiến, đóng góp từ thiện nhân đạo, xã hội
của các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam; phát huy vai
trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học - công
nghệ kinh tế - thương mại, văn hoá, xã hội...
Củng cố mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài
trên toàn thế giới. Mục tiêu của Đề án là củng cố mạng lưới người Việt Nam
ở nước ngoài trên toàn thế giới. Hoàn thành xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về
người Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu 100% các địa bàn có đông cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài thành lập được các hội, đoàn.
Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài phát triển, có vị thế ở sở tại; tăng cường sự gắn kết, giao lưu trong
nước giữa người Việt Nam ở nước ngoài với các tổ chức nhân dân, hội đoàn trong
nước.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, giáo dục pháp luật, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, thông tin, trao
đổi với người Việt Nam ở nước ngoài, quản lý lao động, du học sinh Việt Nam ở
nước ngoài.
3
nhóm giải pháp
Đề án đưa ra 3 nhóm giải pháp để phát
huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong
tình hình mới.
Nhóm 1: Giải pháp chung về nâng cao
nhận thức, chính sách, tổ chức và cơ chế phối hợp
Nhóm giải pháp này gồm: Thống nhất và
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác thu hút nguồn lực
của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển; rà soát, sửa đổi, bổ sung,
hoàn thiện các chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước
ngoài yên tâm quay trở về đất nước đầu tư, kinh doanh.
Các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức kinh tế - xã hội xây dựng chính sách, đề
án, chương trình cụ thể về việc thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước
ngoài.
Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ từ
Trung ương đến địa phương về triển khai thu hút, phát huy nguồn lực người Việt
Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh triển khai các biện pháp củng cố khối Đại đoàn kết
dân tộc trong tình hình mới.
Nhóm 2: Giải pháp riêng đối với từng
đối tượng, loại nguồn lực
Thu hút chuyên gia, trí thức, nhân tài
NVNONN và lao động người Việt trở về nước.
Cải thiện môi trường đầu tư, duy trì
đà tăng kiều hối hàng năm, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài quảng bá, xúc
tiến thương mại sản phẩm Việt Nam tại các thị trường ngoài nước; có các chính
sách, biện pháp cụ thể phát huy nguồn lực "mềm" của cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài.
Nhóm 3: Giải pháp bồi dưỡng, phát
triển cộng đồng NVNONN ở sở tại
Thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ
chức quốc tế và chính quyền các nước có người Việt Nam sinh sống để bảo vệ
quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài.
Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức
năng của Việt Nam và sở tại để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có
địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại. Tạo điều
kiện để cộng đồng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với chính quyền sở tại, nhất là
tại các sự kiện do Cơ quan đại diện tổ chức.
Củng cố, phát triển các hội đoàn
chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm nòng cốt, dẫn
dắt sự phát triển của cộng đồng ở sở tại. Thu hút nhóm người Việt Nam ở nước
ngoài đã thành đạt ở sở tại tham gia trợ giúp nhóm còn yếu thế.
Đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt,
truyền thụ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam cho các thế hệ
thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước
ngoài với trong nước.