Xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ
trương này là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy nhằm tiếp
thu những giá trị tích cực của nhân loại trong phát triển kinh tế để phù hợp với
những điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay nhiều
quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược, thù địch đã xuất hiện, gây cản trở
không nhỏ tới quá trình phát triển
kinh tế này ở Việt Nam.
Những quan điểm
sai trái phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến từ nhiều
nguồn khác nhau, tập trung chủ yếu ở các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất,
nghi ngờ, phủ nhận sự tồn tại của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Họ cho rằng
chúng ta đang tìm kiếm mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
nhưng mãi không tìm ra được bởi vì "làm gì có cái thứ đó mà tìm". Một
số cá nhân khác cho rằng chưa thể hình dung ra nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa như thế nào do đó chưa thể khẳng định nó là tích cực hay tiêu
cực. Quan điểm này về bản chất là sự nghi ngờ và không thừa nhận chủ trương và
sự lãnh đạo của Đảng đối với mô hình kinh tế này.
Trong lịch sử
nhân loại, không có mô hình kinh tế nào là có sẵn và loài người cũng không thể
nhìn trước được bất kỳ mô hình kinh tế nào. Một mô hình kinh tế dù có hoàn thiện
đến mấy đều là kết quả của quá trình hoạt động của con người. Nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng vậy. Chúng ta đang trong
giai đoạn đầu xây dựng nên hình hài của nó chưa đầy đủ cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, phủ
nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản và sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường.
Những quan điểm
này viện lý do về sự yếu kém của một số đơn vị kinh tế nhà nước trong thời gian
vừa qua nên muốn loại bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Họ cho rằng sự
can thiệp của Đảng và Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường là vô nghĩa, làm
lệch lạc thị trường, là lực cản của nền kinh tế Việt nam. Một số quan điểm khác
thì cho rằng nền kinh tế thị trường ở nước ta là duy nhất trên thế giới khi lấy
kinh tế nhà nước làm chủ đạo, gia tăng vai trò can thiệp hành chính của Nhà nước,
làm kinh tế thị trường bị biến dạng.
Những quan điểm
trên đây chưa nhìn thấy hết bản chất sâu xa trong sự vận hành của một nền kinh
tế; chưa hiểu hết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, giữa cơ sở
hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Đối với Việt Nam, là quốc gia đi sau nên
trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của các đơn vị kinh tế còn nhiều hạn
chế, nền kinh tế thị trường còn nhiều khiếm khuyết. Do vậy, vai trò quản lý của
Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường là đặc biệt quan trọng nhằm khắc phục
các khuyết tật của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, sự phát triển của
nền kinh tế, đảm bảo lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc.
Thứ ba, coi
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lực cản cho sự phát triển ở
Việt Nam và cần phải “đổi mới lần thứ hai”.
Quan điểm này
xuất phát từ sự mơ hồ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những
người có quan điểm này chưa hiểu hết bản chất của mô hình kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Họ đổ lỗi cho những yếu kém, những tiêu cực nảy sinh
trong nền kinh tế nước ta trong thời gian qua là do nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là lực cản cho sự phát triển ở Việt Nam và hô
hào cần phải có một cuộc “đổi mới lần thứ hai”, đưa nền kinh tế thị trường Việt
Nam phát triển đầy đủ, hiện đại như kinh tế thị trường của các nước trong Tổ chức
Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trước hết, cần
phải khẳng định rằng những tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành của nền
kinh tế nước ta thời gian qua là có thực. Tuy nhiên, đây không phải là bản chất
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực chất, nó là những
khuyết tật mà Đảng và Nhà nước ta muốn loại bỏ nhằm xây dựng thành công và vận
hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, không thể đổ lỗi cho những
yếu kém, hạn chế hiện nay là do mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Trái lại, như Đảng ta đã nhìn nhận: những hạn chế, yếu kém nêu trên có
nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, đặc
biệt là do: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
chưa đủ rõ. Do vậy, thay vì đổ lỗi cho mô hình kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa thì cần phải khắc phục những sai lầm mang tính chủ quan trong quản
lý nền kinh tế, loại bỏ những hạn chế còn tồn tại, tiếp thu những giá trị tích
cực từ mô hình kinh tế thị trường của các nước tiên tiến trên thế giới, trong
đó có các quốc gia trong OECD.
Xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá về lý luận và xây
dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự đột phá đó được tạo nên bởi
sự đổi mới và sáng tạo liên tục trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam
trên cơ sở kiên định, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu mới nhất về lý luận của
thế giới và không ngừng tổng kết thực tiễn.
Lý luận về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng và
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung từng bước được hoàn thiện cùng với
những thành công trong hiện thực hóa lý luận này trong hơn 37 năm đổi mới đã tạo
nền tảng cho việc mở ra một giai đoạn mới cho phát triển kinh tế - xã hội của
Việt Nam trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét