Trước
đây, theo tư duy của mô hình nhà nước tập quyền XHCN, thì quyền lực nhà nước
tuy thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân chỉ thực hiện quyền lực nhà nước của mình
thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Toàn bộ quyền lực nhà nước tập
trung vào Quốc hội; không có sự phân công thành các quyền lập pháp, hành pháp,
tư pháp. Mô hình tổ chức quyền lực nhà nước này phù hợp với điều kiện chiến
tranh và nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, với ưu điểm bảo đảm cho
nhà nước ban hành quyết định nhanh chóng và thống nhất. Tuy nhiên, mô hình này
trong điều kiện mới - điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần - bộc lộ
nhiều hạn chế.
Do vậy,
trong điều kiện mới, mô hình nhà nước tập quyền XHCN không còn phù hợp với việc
phát huy đầy đủ vai trò của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiềm ẩn nguy
cơ lạm quyền, lộng quyền, quan liêu, tham nhũng trong việc tổ chức và thực thi
quyền lực nhà nước.
Nhận rõ
những hạn chế của mô hình tập quyền XHCN, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa
nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, lần đầu khẳng định trong văn kiện của mình chủ
trương “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì
dân”. Với nguyên tắc mới: Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền. Theo đó, xây dựng nhà nước
pháp quyền XHCN trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, có tầm chiến
lược, bao gồm toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; trở thành định
hướng cho quá trình cải cách bộ máy nhà nước trong điều kiện xây dựng nền kinh
tế thị trường định hướng XHCN. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ này là: “Tiếp tục
xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng
pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng. Nhà nước pháp quyền Việt
Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân,
lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền
tảng do Đảng ta lãnh đạo”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội nghị Trung ương lần
thứ 8 (khóa VII) chuyên đề bàn về vấn đề nhà nước đã ra Nghị quyết: “Tiếp tục
xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một
bước nền hành chính".
Để thực
hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với những tổng kết bước đầu
cả về nhận thức lẫn thực tiễn, năm 2001, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi một số
điều về tổ chức bộ máy nhà nước của Hiến pháp năm 1992. Điểm nổi bật trong lần
sửa đổi này là thể chế hóa các tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng nhà nước
pháp quyền XHCN. Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi một số điều năm 2001) khẳng
định: “Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân
dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và
đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp
giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp,
tư pháp”.
Tiếp theo
là tại các Đại hội lần thứ X và XI của Đảng - các đại hội có bước phát triển về
chất trong nhận thức và vận dụng chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở
nước ta. Tại Đại hội X, trong mục tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp
quyền XHCN đã đề cập tới vấn đề: “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám
sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan
công quyền” trong đó đã đề cập sâu về vấn đề “xây dựng cơ chế phán quyết về
những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đây
chính là nhận thức, quan điểm mới về sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực nhà
nước trong chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng ta. Theo đó,
tại Đại hội XI của Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung và phát
triển năm 2011) đã bổ sung một yếu tố mới vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động
của nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Đó là yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước.
Lần đầu trong Văn kiện của Đảng ta đã ghi nhận một nguyên tắc cơ bản về tổ chức
và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN, chứa đựng đầy đủ các giá trị mới về
chất so với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong nhà nước tập quyền XHCN
trước đây. Đó là nguyên tắc: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân
công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp”. Thể chế hóa các quan điểm xây dựng nhà nước pháp
quyền XHCN trong gần 30 năm của Đảng ta, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 tuyên bố:
“1. Nhà
nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân;
2. Nước
CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân
dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và
đội ngũ trí thức;
3. Quyền
lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ
quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Trên phương diện thực tiễn, việc xây dựng Nhà nước
pháp quyền XHCN Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật được
hoàn thiện một bước cơ bản, bảo đảm yêu cầu quản lý, ổn định, phát triển kinh tế
- xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp,
quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao có nhiều đổi
mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, quyền làm chủ của nhân dân
được củng cố, phát huy, bảo đảm và lan tỏa tinh thần tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân, cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân
chủ ở cơ sở dựa trên phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra,
dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp theo hướng
tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế phân công, phối hợp và
kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Trong
đó, vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử thể hiện rõ hơn, hiệu quả hơn. Hoạt
động cơ quan hành pháp chủ động, tích cực, tập trung vào quản lý, điều hành,
tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, tư pháp có bước
đột phá; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ,
bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Những kết quả này được Đại hội XIII của
Đảng khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ,
tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả
hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét