Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những định
hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là: “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển,
liêm chính, hành động”; “Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp
luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các
quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, chủ động điều tiết, giảm các
tác động tiêu cực của thị trường, không can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị
trường”. Trên cơ sở đó, để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam hiện nay cần tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
và cơ chế thực hiện pháp luật hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc “thượng tôn” Hiến
pháp và pháp luật.
Hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục
được hoàn thiện theo hướng tăng cường tính dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện
đại, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn
định, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, có sức cạnh tranh
quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp
làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiến tạo phát triển; đa dạng hóa nguồn pháp
luật; đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật, thu gọn đầu mối cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm
pháp luật. Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa các quyền hiến định
của con người, của công dân và tổ chức bảo đảm, bảo vệ tốt quyền con người,
quyền công dân trong thực tế. Trong đó, “tập trung thực hiện đồng bộ các giải
pháp để sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa” được xem là một trong các đột phá chiến lược để “Đổi mới
quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” và có đủ “sức cạnh
tranh quốc tế” nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và mang
lại hiệu quả cao ở nước ta.
Bên cạnh đó, “tổ chức thực hiện tốt hệ
thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh
thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo...”, ngoài ra cấp
ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội
các cấp, của cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong việc tuân thủ tinh
thần “thượng tôn” Hiến pháp và pháp luật, kỷ cương phép nước và thực hành dân
chủ xã hội chủ nghĩa; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thực
hiện pháp luật; tập trung chỉ đạo quyết liệt và dành các nguồn lực thích đáng
cho thực hiện pháp luật; hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các cơ quan thi
hành, áp dụng pháp luật, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật; nâng cao
năng lực tổ chức thi hành và áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức và đội
ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế pháp lý, đặc biệt là
trình tự, thủ tục thi hành, áp dụng pháp luật.
Thứ hai, tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước khoa học, an toàn,
hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo hướng
thực chất, đạt hiệu quả cao.
Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “xác định rõ
hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các
nguyên tắc pháp quyền” và “kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp
luật” nhằm thực hiện mục tiêu “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế và
chính sách”, bên cạnh đó, tại Đại hội này Đảng ta lần đầu tiên yêu cầu “hoàn
thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp” làm cơ sở chính trị nhằm cụ thể hóa nội
dung hiến định: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (Khoản 2, Điều 119 Hiến
pháp năm 2013). Hơn nữa, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải đặt trong tổng
thể kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị, tạo cơ chế chặt chẽ giữa kiểm
soát quyền lực nhà nước với kiểm soát quyền lực chính trị trong Đảng, vì thế
các cấp, các ngành phải “thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong
công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”, nhằm kiểm soát tham nhũng.
Theo đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục
hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hoàn thiện cơ chế
thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước; phân
công rành mạch, phối hợp chặt chẽ trên cơ sở chức năng của mỗi quyền, tăng
cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi quyền và giữa các quyền lực nhà nước;
tiếp tục đổi mới quản trị quốc gia, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã
hội, theo nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, minh bạch, trách nhiệm
giải trình, bảo đảm sự tham gia của người dân, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả,
phát triển bao trùm và định hướng đồng thuận.
Thứ ba, hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các thiết chế nhà nước
theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân công chức năng, nhiệm
vụ và phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa các cấp quản lý, trong đó tập trung vào
các nội dung sau:
Một là, Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng
chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, bảo
đảm nguyên tắc pháp quyền trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các
vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; hoàn thiện cơ chế bảo vệ
Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người
giữ chức vụ do cơ quan dân cử bầu hoặc phê chuẩn; tăng hợp lý số lượng đại biểu
hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành
pháp, tư pháp, đặc biệt là đại biểu tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan
hành chính ở địa phương; xây dựng Quốc hội số, tổ chức các kỳ họp Quốc hội trực
tuyến.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của
Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội
đồng Quốc phòng và an ninh; cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước - với tư
cách là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam về đối nội và đối ngoại; tăng cường vai trò của Chủ tịch nước trong mối
quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, như
bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch nước trong việc đề nghị Quốc hội xem xét lại
luật, bộ luật.
Ba là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo
hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành,
đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của
Quốc hội, thực hiện quyền hành pháp; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ
nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh,
công khai, minh bạch; tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất
chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy
mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm giữa
Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa
phương, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ
động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Điều này khắc
phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong nhiều
năm qua, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương,
không chấp nhận sự khu biệt, cục bộ địa phương, tự trị. Bên cạnh đó, tiếp tục
sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm
chất lượng, hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ công đáp ứng yêu
cầu xây dựng nền hành pháp phục vụ, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện
đại, tinh gọn, trong sạch, công khai, minh bạch và vững mạnh; “xây dựng và thực
hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”, trong đó tập trung thúc đẩy
việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng hướng tới cơ quan nhà nước
“không giấy tờ”; hoàn thiện kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà
nước với các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp; hoàn
thiện quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính phủ số, cắt
giảm tối đa giao dịch trực tiếp; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ
quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội...
Bốn là, xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại,
công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong
đó, “xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả,
dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định”;
tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và
uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan
thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp;
phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm
pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật và các loại tranh chấp, khiếu
kiện theo pháp luật nhằm “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, tiếp cận công
lý của người dân và doanh nghiệp”; “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý,
các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải
quyết tranh chấp ngoài tòa án”; đổi mới quản trị tư pháp theo hướng khắc phục
tình trạng “hành chính hóa” trong quan hệ tố tụng giữa Tòa án các cấp và bảo
đảm tính độc lập trong xét xử, như xây dựng thiết chế Hội đồng tư pháp quốc
gia, tổ chức Đảng theo ngành dọc; triển khai đồng bộ, thông suốt Tòa án điện tử
và xét xử trực tuyến.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền
địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt theo luật định, trong đó hướng đến “xây dựng và vận hành các
mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả”; phân định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai
trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân
sách địa phương; gắn đổi mới tổ chức chính quyền địa phương với đổi mới hệ
thống chính trị ở địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở; “Sáp nhập hợp lý một số
đơn vị hành chính cấp xã, huyện phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới”.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng”, vừa
“chuyên”, đây là “công việc gốc”; “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất
nước”; “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến
khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi
mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành
động vì lợi ích chung”, từ đó tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực
sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước, vì sự phồn vinh của dân tộc.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần chú trọng đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi
đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều
kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; xây dựng cơ chế
sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp
luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với nhân
dân; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, củng cố đạo đức công vụ,
đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập đi đôi với xử lý kịp
thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm để tiến tới cán bộ, công chức, viên
chức không thể, không muốn và không dám tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, nhân dân làm chủ” nhằm xác định “đúng vai”, đúng thẩm quyền để
Đảng không bao biện, làm thay, lấn sân Nhà nước và ngược lại Đảng cũng không
khoán trắng, buông lỏng lãnh đạo. Đặc biệt, chú trọng hoàn thiện cơ chế của
Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong việc kiểm soát
quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nghiên cứu thiết lập
các thiết chế mới để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo đảm các tổ chức của Đảng và đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hành dân
chủ và tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; mọi đường lối, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân
làm mục tiêu phấn đấu; phân định và thể chế hóa nội dung, phương thức lãnh đạo
của Đảng đối với Nhà nước trên từng lĩnh vực và cấp chính quyền, nhất là đối
với quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực pháp luật, nhất là
nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đủ về số
lượng, bảo đảm về chất lượng, quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về
pháp luật, đội ngũ luật sư giỏi, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật và về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các đặc
trưng cơ bản, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động
của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt
Nam sẽ phát huy tối đa các nguồn lực của đất nước phục vụ yêu cầu xây dựng đất
nước Việt Nam phồn thịnh, hạnh phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét