Phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước
Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận
dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp
thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị
trường của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên,
hiện nay, nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược, xuyên tạc, gây cản
trở đến quá trình thực hiện mô hình kinh tế này ở Việt Nam đặc biệt là mới đây
trên trang facebook Việt Tân phát tán bài “Kinh tế tư bản đỏ rất nguy hại cho đất
nước và nhân dân”, nội dung xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vu cáo Việt Nam “sách nhiễu”
với thành phần kinh tế tư nhân; hạ thấp vị trí vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà
nước; phủ nhận công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đối với các dự án phát
triển kinh tế trong thời gian vừa qua. Do vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay trong đó có nội
dung đấu tranh phản bác lại quan điểm của Việt Tân về bài viết bài “Kinh tế tư
bản đỏ rất nguy hại cho đất nước và nhân dân”.
Chúng ta phải nhận thức rõ ràng một điều đó là Việt Nam
đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản
chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh,
hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho
nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ
lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen
nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ
nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những
thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã
hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà
nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên,
việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát
triển.
Đưa
ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột
phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng
qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và
tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Theo nhận thức của chúng ta,
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại,
hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị
trường, có sự quản lý của nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng
xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh
tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế
thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và
bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: “sở hữu, tổ chức quản
lý và phân phối”. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và
cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta
còn đang trong thời kỳ quá độ).
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần
kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền
kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh
tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể,
kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một
động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến
khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện
chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời
theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống
an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật,
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng,
điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan
trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải
gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội,
tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong
từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa
là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để
chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều
phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo
ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi
đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người
có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát
triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, phát triển nền
kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất
nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới;
chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt;
kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các
cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; huy động các nguồn lực cho
đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất
lượng, hiệu quả được cải thiện… Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam
là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng trên
toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch,
vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống
nhân dân. Những kết quả đó là minh chứng thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác
lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét