Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 05 thông qua ngày 12 tháng 6 năm
2018. Luật được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 25/6/2018, có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01/01/2019. Luật gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an
ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng
ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh
mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các quy định của
Luật An ninh mạng năm 2018 góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ
chức hoạt động trên không gian mạng, đảm bảo đúng chủ trương của Đảng, chính
sách, luật pháp của Nhà nước, không có quy định nào làm ảnh hưởng đến các quyền
cơ bản của công dân; góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh,
xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, xâm phạm tới an ninh
quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Từ khi Luật An
ninh mạng được ban hành, thực hiện, đã cho thấy tính hiệu quả của các thiết chế
pháp luật đối với các hoạt động trên không gian mạng. Thực tiễn những năm qua
cho thấy Luật
An ninh mạng không có quy định nào làm ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con
người được ghi trong Hiến pháp; không những không cản trở mà còn bảo vệ, tạo
điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bình thường, đúng pháp luật của các tổ
chức, cá nhân; phù hợp với các giá trị văn minh pháp lý và các cam kết quốc tế
của Việt Nam. Chỉ các hành vi chống phá đất nước, vi phạm pháp luật, xâm phạm
đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân mới bị đấu tranh, xử
lý.
Trong thời
gian qua, trên không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ
thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để thực hiện
âm mưu tiến hành phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, “cách mạng màu”, “cách
mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình”… nhằm làm suy yếu và xóa bỏ chế độ chính
trị ở nước ta. Không gian mạng là môi trường vô cùng thuận lợi để chúng thực
hiện những mưu đồ đen tối do có sự lan truyền nhanh, rộng, khó kiểm chứng và dễ
ngụy tạo.
Về Luật An ninh mạng, chúng đưa ra các luận điệu như “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “mất quyền tự do ngôn luận”... Đây là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, từ khi Luật An ninh mạng được thực hiện các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề bị ngăn cản, cấm đoán miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam. Luật An ninh mạng bảo vệ cho các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân trên không gian mạng. Bất kỳ thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, gây tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội sẽ bị xử lý kiên quyết, kịp thời. Các cơ quan chức năng không chỉ truy tìm, xử lý các đối tượng tung tin giả mà còn yêu cầu các trang mạng xã hội gỡ bỏ các tin thất thiệt, đăng tải những thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
Trong thực tế đã có nhiều kẻ xấu tung tin Luật An ninh mạng ngăn cấm
người sử dụng internet truy cập Facebook, Google, Youtube. Tuy nhiên, từ khi áp
dụng Luật, người dân sử dụng internet vẫn dễ dàng truy cập vào tất cả các trang
mạng ở trong và ngoài nước. Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về
an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội
như Facebook, Google... Nhưng nếu cá nhân, tổ chức nào sử dụng không gian mạng để
thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp
luật.
Ngoài ra, còn
có kẻ đã tung tin Luật An ninh mạng gây cản trở các doanh nghiệp viễn thông,
internet và các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, Luật An ninh
mạng đã chứng minh không có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng nào bị dừng
hoạt động kinh doanh. Mọi hoạt động kinh doanh miễn là không vi phạm pháp luật
vẫn diễn ra bình thường trên môi trường mạng. Luật chỉ quy định trách nhiệm
phối hợp của doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã
hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; hướng
dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ mình
trước những mối đe dọa từ không gian mạng.
Do đó, mỗi cá
nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội cần nhận thức một cách đúng đắn, sáng suốt
trước những thông tin đăng tải, có ý thức thực hiện pháp luật vì sự bình yên
phát triển của đất nước; nhận thức rõ việc thực hiện pháp luật về an ninh mạng
góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét