Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
vừa hoàn thành một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt
của cử tri cả nước, đó là lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do
Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ
tục. Thế nhưng, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại hậm hực
trước kết quả này. Trên các trang mạng xã hội, chúng đưa ra rất nhiều thông tin
sai lệch, xuyên tạc việc lấy phiếu tín nhiệm. Nào là việc “lấy phiếu tín nhiệm
hình thức”, “lấy phiếu tín nhiệm mà chỉ có ba loại phiếu là tín nhiệm cao, tín
nhiệm và tín nhiệm thấp thì chẳng có ý nghĩa gì”, “tại sao không lấy phiếu tín
nhiệm và bất tín nhiệm”…
Thực ra, đây không phải là lần đầu
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, cũng không phải là lần đầu các thế lực thù địch
và những kẻ cơ hội chính trị xuyên tạc về việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
và các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu
tiên vào tháng 6/2013 đến nay, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu
tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, Quốc
hội khóa XIII lấy phiếu tín nhiệm hai lần (tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 6/2013 và tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 11/2014). Quốc hội khóa XIV lấy phiếu tín nhiệm một lần
tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018. Lần này là lần thứ tư Quốc
hội tiến hành công việc quan trọng này.
So với 3 lần trước, ở lần lấy phiếu
tín nhiệm tại Quốc hội này có nhiều đổi mới theo quy định tại Nghị quyết 96
(Quốc hội khóa XV). Kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm được thông báo đến đại biểu từ
nhiều tháng trước. Ngoài kê khai tài sản, người được lấy phiếu tín nhiệm phải
tự đánh giá, nhận xét quá trình công tác của bản thân trong nửa nhiệm kỳ vừa
qua. Những tài liệu này đều được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu, là một
trong những căn cứ để họ quyết định mức tín nhiệm.
Để đánh giá mức độ tín nhiệm, đại
biểu Quốc hội sẽ dựa vào báo cáo toàn văn kết quả hoạt động cá nhân người được
lấy phiếu; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan
đến người được lấy phiếu tín nhiệm do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tổng hợp. Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu này, nếu đại biểu Quốc
hội thấy có vấn đề cần làm rõ liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì
có thể gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu cơ quan có thẩm
quyền xác minh, trả lời, hoặc yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ
những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Ngoài ra, đại biểu có
thể căn cứ vào tài liệu có được trong quá trình hoạt động như báo cáo, kết luận
chất vấn; báo cáo công tác của các cơ quan mà người lấy phiếu tín nhiệm đứng
đầu...
Nếu người được lấy phiếu có quá nửa
đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ
chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội
tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Phiếu tín
nhiệm với hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Quy định này góp phần đảm
bảo hiệu quả và nâng cao vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín
nhiệm. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không “hình thức”, chia thành ba loại
phiếu là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp không phải là “không có ý
nghĩa” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Việc bỏ phiếu kín lần này hoàn toàn
không có dấu tích nào để biết ai là người đánh giá và ý kiến đánh giá của đại
biểu cũng được bảo mật tuyệt đối. Điều này giúp loại bỏ tình trạng nể nang,
không bày tỏ chính kiến, không làm tròn trách nhiệm của đại biểu. Quy trình
kiểm phiếu bằng máy do Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) thực
hiện bảo đảm độ chính xác tuyệt đối, bảo mật tốt, tốc độ nhanh.
Thực tế cho thấy, lá phiếu trách
nhiệm của các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần đại diện cho ý chí và
nguyện vọng của cử tri đã bầu mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bởi
thế trong việc lấy phiếu tín nhiệm này không có chỗ cho cái tôi cá nhân ganh
ghét, đố kỵ nhằm hạ uy tín người khác; cũng không có chỗ cho bè phái, cục bộ,
lợi ích nhóm. Suy cho cùng, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ đều hướng đến mục
đích cao nhất: Vì lợi ích đất nước và nhân dân.
Việc lấy phiếu tín nhiệm không phải
như các thế lực thù địch rêu rao là “làm hình thức”, “làm xong để đấy” mà theo
quy định mới tại Nghị quyết 96, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở để đánh
giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và
thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm
lần này cũng chặt chẽ hơn so với trước khi quy định tiêu chí đánh giá tín nhiệm
còn xét đến sự gương mẫu, không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm
mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của
Nhà nước. Căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm không chỉ liên quan đến kết quả thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mà tính đến cả tính năng động, đổi mới,
sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn được giao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét