Thời gian qua, bất chấp những
thành quả vượt bậc trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách đối
với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực
thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều thủ đoạn công khai, trực diện,
hòng hạ thấp uy tín của Đảng. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng rất nguy
hiểm, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu
số vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao
cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là
một trong những thủ đoạn cơ bản, xuyên suốt mà các thế lực thù địch ra sức
chống phá đối với cách mạng nước ta. Đây là vấn đề không mới, nhưng hết sức
nguy hiểm, bởi nó đánh vào nền tảng sức mạnh tổng hợp của toàn dân và đất nước,
làm suy yếu nước ta từ bên trong, tạo sự ly khai, cát cứ trên từng khu vực, địa
bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược, gây sự bất ổn định về chính trị,...
để dễ bề kêu gọi can thiệp từ bên ngoài.
Để thực hiện mưu đồ đó, chúng ra sức lợi dụng những
khó khăn, bức xúc của đồng bào các dân tộc trong cuộc sống; lợi dụng những yếu
kém trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; đặc biệt, chúng triệt để
lợi dụng các phần tử cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị,... để xuyên tạc, hạ
thấp, phủ nhận thành tựu công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước nói chung, chính
sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, bằng nhiều thủ đoạn ngày càng
công khai và trực diện hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc trong suốt chiều
dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc đoàn kết trong đấu tranh giải
phóng dân tộc và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Đảng ta đã
vận dụng đúng đắn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và trên cơ sở đó đề ra những
chủ trương, quan điểm để giải quyết vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết
toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc
bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử
dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến
căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”. Chính
sách dân tộc luôn được coi là chính sách quan trọng, các dân tộc đang phát huy
truyền thống đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước với mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều phải
có trách nhiệm củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc. Trong Hiến pháp
2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia
thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc
bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi
hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Hơn nữa, với hệ
thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, trên thực tế các dân tộc thiểu số ở
nước ta đã được bình đẳng về chính trị, văn hóa truyền thống được bảo tồn; chữ
viết, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào được tôn trọng, các quyền của công dân
được bảo đảm, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng
sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện. Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo
của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, là những minh chứng hùng
hồn phản bác lại luận điệu xuyên tạc, vu khống về cái gọi là “đồng bào dân tộc
thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”(!) của các thế lực thù
địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét