Tôn
sư trọng đạo là tình cảm đạo đức của dân tộc ta đối với Nhà giáo, là nét đẹp
trong văn hóa Việt Nam. Truyền thống ấy được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ
và phát huy. Từ
xưa đến nay, vai trò của người thầy luôn được đề cao dù ở đâu hay bất kỳ thời
đại nào. Ý nghĩa sâu xa của tôn sư trọng đạo chính là gắn
bó mật thiết với sự nghiệp trồng người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực,
bồi dưỡng nhân tài nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”.
Tôn sư-trọng đạo" không chỉ dừng lại ở vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là thể hiện tình yêu, lòng khát khao với tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ và ý chí vươn lên trong cuộc sống của con người. Hiện nay vấn đề “Tôn sư trọng đạo” đã có nhiều thay đổi, với sự đổi thay về cách dạy và cách học, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại cũng thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Tuy vai trò của người thầy có ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm, thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Dù xã hội có đi đến đâu, trong xã hội ấy vẫn có những người muốn được học tập thì vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nên người thầy vẫn là trung tâm, vẫn là người quan trọng để đưa tri thức đến với chúng ta. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. chính vì vậy truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn được đề cao và phát huy. Ở cấp học nào cũng vậy, tiếng nói của các thầy cô giáo vẫn có tác động vô cùng to lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi học sinh. Bởi vậy “Tôn sư-trọng đạo” mãi mãi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Trong
xã hội hiện đại, ngày càng đòi hỏi mỗi chúng ta phải ra sức góp phần giữ gìn,
phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Phải có các thế hệ thầy
giỏi, mới có trò giỏi, mới tạo đà cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng với
yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng cùng thế giới. Đối với người thầy, phải
thấy niềm vui lớn nhất vẫn là được truyền thụ trí thức, được nhìn thấy các lứa
học trò trưởng thành tốt đẹp. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần chú ý hơn
đến việc giáo dục con em mình thái độ thực sự tôn trọng đối với các thầy cô
giáo. Mỗi học sinh cũng cần biết thể hiện tình cảm với thầy cô một cách tôn
kính, chân thành, đúng đắn. Sự tôn trọng đối với các thầy cô giáo được thể hiện
trước hết từ sự nghiêm túc trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng của người trò, ở
thái độ tôn trọng tình nghĩa thầy trò. Yêu kính thầy, cô không chỉ là biết vâng
lời mà còn phải biết say mê với môn học, khao khát tìm tòi kiến thức và noi
theo chí hướng, nhân cách của các thầy, cô.
Những
năm gần đây, bên cạnh những thành tựu mà ngành giáo dục của đất nước đã đạt
được, trong chúng ta cũng còn không ít những hiện tượng tiêu cực. Có những thầy
cô đứng trên bục giảng mà không dành cho sự nghiệp trồng người tình yêu và
trách nhiệm. Có người học trò đã không tìm thấy ở thầy cô giáo của mình chỗ dựa
tinh thần, nên một số học sinh đã thiếu tôn trọng đối với thầy cô, có những
hành động và lời nói không phù hợp, xúc phạm đến thầy cô. Đó là những hành động
đáng lên án, đáng bị chê trách, là những biểu hiện hoàn toàn xa lạ với nếp sống
văn hóa trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay.
Cho
dù ở thời đại nào “Tôn sư trọng đạo” vẫn là một truyền thống quý giá cần được
giữ gìn và phát huy. Tình thầy trò có thể tồn tại ở những trạng thái khác nhau,
nhưng mãi mãi vẫn là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng không thể thiếu trong hành
trang vào đời của mỗi chúng ta. Trên cơ sở kế thừa, giữ gìn những mặt tốt đẹp
của truyền thống, chúng ta cần biết phát huy và vận dụng đạo lí “tôn sư trọng
đạo” một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng mới, nhằm đạt được kết
quả cao nhất trong sự nghiệp giáo dục của đất nước và giữ gìn truyền thống văn
hóa tốt đẹp của dân tộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét