Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

NVB40 - NHẬN DIỆN VÀ PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC GÂY CHIA RẼ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT

 

                Cùng với sự phát triển của đất nước, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về vấn đề dân tộc luôn được bổ sung, phát triển, cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn đất. Nhờ vậy, trong những năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước khi áp dụng vào đời sống vẫn còn một số hạn chế, bất cập; kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phát triển còn chậm; đời sống của đồng bào các DTTS vẫn còn nhiều khó khăn… Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc; vu cáo chính quyền “kỳ thị” dân tộc, “hạn chế” quyền công dân đối với người dân tộc thiểu số, kích động gây chia rẽ đại đoàn kết dân tộc. Song, với quyết tâm chính trị, Đảng và Nhà nước ta kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng, quan điểm sai trái, và đề ra nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm bình đẳng, đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với vùng đồng bào các DTTS.

    Ngày 12/3/2003, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 65-KT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Ngày 14/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc. Tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành hàng trăm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có một số chính sách trọng tâm, điển hình như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang đi vào cuộc sống.

Đến nay, nhìn chung, đời sống của đồng bào DTTS đã dần được cải thiện, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tại các miền núi và vùng đồng bào DTTS ngày càng hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm, đại đa số đồng bào DTTS đã tiếp cận được với giáo dục, y tế công cộng, các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là internet, điện thoại thông minh. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế. Đời sống văn hóa, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào DTTS ngày càng phong phú, đa dạng. Tính đến tháng 6/2021, 100% huyện vùng DTTS có đường đến trung tâm huyện; 98% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã và 97,2% thôn bản có điện lưới quốc gia; 93,9% hộ gia đình được sử dụng điện; 100 % xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7 % xã có trường mần non; 99,3% xã có trạm y tế; 65,8% xã và 76,7% thôn có nhà văn hóa.

Luôn coi bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến chính sách phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ DTTS tham gia vào các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Kết quả bầu cử tại 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có 11,68% cấp ủy viên người DTTS (cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%). Tại Đại hội XIII của Đảng có 13 Ủy viên Trung ương Đảng là người DTTS. Tại Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu người DTTS, chiếm 17, 84% số đại biểu (là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay).

Những kết quả đáng ghi nhận này đã chứng minh tính đúng đắn, hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển văn hóa - xã hội ở vùng DTTS, chứ không phải như luận điệu vu khống trắng trợn của các thế lực thù địch. Chúng ta phải hết sức cảnh giác trong nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai trái đó; tập trung vào một số giải pháp sau: 

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng đối về vấn đề dân tộc. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa.

Hai là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc để “diễn biến hòa bình”, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ba là, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các DTTS ngày càng khăng khít. Kiên quyết chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm, tự ti dân tộc. 

Bốn là, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kích động biểu tình, phá rối an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước. Giải quyết kịp thời, triệt để các điểm nóng, các vụ việc phức tạp xảy ra trong vùng đồng bào các DTTS ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan.

Đảng ta luôn khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc… Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với những luận điệu hết sức thâm độc hòng làm xói mòn niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước; phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc; tạo ra nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đe doạ đến an ninh quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu vu khống, xuyên tạc đó của chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NVI42 - CÁC THỦ ĐOẠN NÓI XẤU, XUYÊN TẠC VỀ TỶ LỆ NỮ GIỚI TRONG CÁC CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC HIỆN NAY

  Ngày 01/11/2024, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, nội dung nói xấu, xuyên tạ...