Thế kỷ 20,
trong thế giới thuộc địa, Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận sớm ảnh hưởng
của Cách mạng Tháng Mười Nga. Thực tiễn hơn một thế kỷ qua, đặc biệt là 87 năm
cách mạng kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có thể thấy rất rõ: Việt Nam
là một điển hình về sự kiên định, sáng tạo trên con đường giải phóng theo ngọn
cờ Cách mạng Tháng Mười
Cuộc gặp gỡ lịch
sử
Người Việt Nam
đầu tiên nhận thức rõ giá trị to lớn và tầm vóc thời đại, tin tưởng và quyết
tâm đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Sau 12 năm bôn ba khắp thế giới, tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn phong trào cách
mạng quốc tế, trăn trở tìm con đường cứu nước, mùa hè năm 1923, Người đặt chân
đến nước Nga Xô viết. Thực tiễn sinh động của chế độ xã hội do nhân dân lao động
làm chủ trên quê hương Xô viết và những tư tưởng cách mạng của V.I.Lênin thể hiện
trong “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc
địa” đã chinh phục trái tim, khối óc của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Bằng những
tri thức phong phú, sự trải nghiệm sâu rộng và bằng mẫn cảm chính trị sáng suốt,
Người khẳng định dứt khoát: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga đã
thành công và thành công đến nơi”; “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều
nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa
Lênin”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đặt trọn vẹn niềm tin vào con đường
Cách mạng Tháng Mười Nga, vào Chủ nghĩa Mác - Lênin, xem đó là cẩm nang thần kỳ,
là kim chỉ nam, là mặt trời soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Người ra sức
truyền bá lý tưởng, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười và những nguyên lý cơ
bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, dày công chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức
cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam-một chính đảng vô sản kiểu mới theo
hình mẫu Đảng Bolshevik Nga do Lênin sáng lập.
Đội Cận vệ Đỏ trên đường phố Petrograd năm
1917. Nguồn : RIA Novosti
Chủ nghĩa Mác
- Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga đến với Việt Nam đúng vào lúc
phong trào yêu nước chống thực dân, phong kiến vì độc lập, tự do của nhân dân
Việt Nam, sau bao nhiêu phong trào quật khởi, bao nhiêu cuộc tìm kiếm, thử nghiệm
với các xu hướng, khuynh hướng, phương pháp khác nhau đều lần lượt thất bại,
đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về tổ chức. Cách mạng
Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin thổi luồng sinh khí mới vào phong trào
cách mạng Việt Nam, đáp ứng trúng sự khát khao, mong chờ của những người yêu nước
và đông đảo nhân dân lao động đang quằn quại, rên xiết dưới ách thống trị, thực
dân, phong kiến, do vậy, đã nhanh chóng ăn sâu, bén rễ và nhận được sự hưởng ứng
nồng nhiệt. Nhà ái quốc tiêu biểu Phan Bội Châu sau mấy chục năm quyết liệt tìm
con đường cứu nước, trải qua nhiều lần thất bại, chưa một lần thành công, vào
cuối đời đã nhận ra giá trị mở đường to lớn của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại:
“May thay! Đúng giữa lúc khói đục, mây mù, thình lình mà có một luồng gió xuân
thổi tới; đương giữa trời khuya, đất ngủ, thình lình mà có cả một tia thái
dương mọc ra, luồng gió xuân ấy, tia thái dương ấy là CNXH vậy”. Sự thức tỉnh của
Cụ Phan phản ánh khát vọng chung của dân tộc Việt Nam trên con đường kiếm tìm
chân lý cứu nước.
Sự tiếp nhận chủ
động, triệt để, kiên định
Cách mạng Việt
Nam tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin một
cách trực tiếp, chủ động, tự nguyện thông qua Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cùng
thế hệ cộng sản tiền bối do Người đào tạo. Đó là sự tiếp thu triệt để, nhất
quán và kiên định.
Nguyễn Ái Quốc-Hồ
Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, trải qua quá trình nghiên cứu lý luận;
hoạt động, đúc kết thực tiễn; phân tích, so sánh các cuộc cách mạng điển hình,
các học thuyết chính trị tiêu biểu trên thế giới, cuối cùng quyết định lựa chọn
đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, tin theo Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là sự
lựa chọn tự giác, có căn cứ vững chắc; là sự tiếp thu từ gốc, căn bản, triệt để
những tư tưởng cốt lõi nhất của Cách mạng Tháng Mười Nga. Lãnh tụ thiên tài của
cách mạng Việt Nam, từ thực tiễn xây dựng CNXH trên đất nước Xô viết đã sớm nhận
ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác
con đường cách mạng vô sản”; “chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được
các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Trên cơ sở nhận
thức có ý nghĩa nền tảng về mục tiêu của cách mạng vô sản mà Cách mạng Tháng Mười
là hình mẫu, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường
lối chiến lược cách mạng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước, trong
đó tư tưởng xuyên suốt, nhất quán là gắn độc lập dân tộc với CNXH. Trong tư duy
chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập dân tộc và CNXH gắn bó chặt chẽ,
biện chứng với nhau; độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết của CNXH và CNXH
là nhân tố quyết định bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.
87 năm qua, Đảng
Cộng sản Việt Nam không ngừng hoàn thiện đường lối chiến lược cách mạng và lãnh
đạo toàn thể nhân dân từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc-CNXH
phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng.
Việt Nam luôn
kiên định lập trường trước sau như một. Vào những thời điểm lịch sử có ý nghĩa
bước ngoặt, trước những thử thách khắc nghiệt, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam thay mặt toàn dân tộc, luôn thể hiện sự vững vàng không gì
lay chuyển nổi. Đó là tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải
giành cho được độc lập” trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính
quyền; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô
lệ” những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; “Không
có gì quý hơn độc lập, tự do” khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào
giai đoạn gay go ác liệt. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ 20,
trước cơn chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình CNXH ở Liên bang Xô viết và
các nước Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam ban bố Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, khẳng định mục tiêu nhất quán của
Việt Nam là tiến lên CNXH. Lập trường kiên định đó được khẳng định và luận giải
thấu đáo hơn trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).
Không ngừng
sáng tạo
Thấm nhuần
quan điểm chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo và phép biện chứng duy vật,
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học, kinh
nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác
- Lênin phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam.
Nhận thức sâu
sắc bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là phải có sự lãnh đạo đúng đắn của
một đảng cách mạng chân chính, 87 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định
nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định là xây dựng Đảng vững mạnh về chính
trị, tư tưởng, tổ chức, và gần đây, bổ sung mục tiêu, nội dung xây dựng Đảng về
đạo đức, phù hợp với đặc điểm xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Đảng thường
xuyên chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phấn đấu
làm cho Đảng thật sự là đội tiền phong, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Trong công cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng CNXH, Đảng Cộng sản Việt Nam
luôn chú trọng học tập, vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học, kinh nghiệm
của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Liên bang Xô viết về xây dựng lực lượng cách
mạng, về phương pháp tiến hành cách mạng thích hợp với hoàn cảnh lịch sử và yêu
cầu, điều kiện của từng thời kỳ cách mạng.
Trong 15 năm
chuẩn bị, đấu tranh giành chính quyền (1930-1945) và trong 30 năm tiến hành hai
cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất đất nước
(1945-1975), Việt Nam kế thừa, phát triển sáng tạo những bài học của Cách mạng
Tháng Mười Nga về liên minh công nông; về xây dựng đội quân công nông; về sử dụng
bạo lực cách mạng; về chuyên chính vô sản... Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất
rộng rãi, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước vào trận tuyến cách mạng trên nền
tảng khối liên minh công nông; xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ
kháng chiến, kiến quốc; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt
cho toàn dân đánh giặc; kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, đấu
tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa vũ trang, chiến
tranh cách mạng; tiến công trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; chủ
động tạo thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ, giành thắng lợi từng phần tiến lên
giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng lực
lượng và phương pháp cách mạng khoa học của Việt Nam trên cơ sở phát huy tinh
hoa đánh giặc, giành và giữ độc lập được đúc kết qua hàng ngàn năm của dân tộc;
tiếp thu sáng tạo kinh nghiệm của phong trào cách mạng quốc tế, trước hết là những
bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Liên bang Xô viết.
Trong sự nghiệp
xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt khi tiến hành công cuộc đổi mới, đồng
thời với việc tổng kết nghiêm túc thực tiễn trong nước, nghiên cứu kinh nghiệm
quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng phân tích những bài học thất
bại của Liên bang Xô viết, tìm hiểu sâu và vận dụng sáng tạo Chính sách kinh tế
mới của V.I.Lênin và những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của Nhà
nước Xô viết... để hình thành đường lối đổi mới. Xây dựng kinh tế thị trường định
hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Nhà nước pháp quyền
XHCN gắn với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN; xây dựng,
phát triển văn hóa, con người; tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội
nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước
nhanh, bền vững; kiên quyết bảo vệ vững chắc Tổ quốc... chính là những sáng tạo
lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có những đóng góp về lý luận, thực tiễn
được đúc kết từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và từ những thành công và cả
những không thành công trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ CNXH ở Liên bang Xô viết.
Lịch sử cách mạng
87 năm qua khẳng định: Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi đi theo con đường Cách mạng
Tháng Mười. Và, mặc dù trước mắt còn vô vàn khó khăn, còn không ít vấp váp,
song với sự kiên định, sáng tạo, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử
và những kinh nghiệm phong phú đã tích lũy được, nhất định Việt Nam sẽ đi đến
đích thắng lợi.
Nguồn: QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét