“Phi chính trị hóa” Quân đội là một âm mưu, thủ
đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động chống phá
cách mạng Việt Nam, với mục đích tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Quân đội không còn là công cụ bạo
lực sắc bén của Đảng và Nhà nước.
Thuật ngữ “phi chính trị hóa”
quân đội xuất hiện vào những năm 80 của thế kỷ XX. Nội dung cơ bản của luận
điệu đó là: quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị, không chịu sự lãnh đạo,
chi phối của bất cứ chính đảng, lực lượng chính trị nào; quân đội chỉ làm nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Thực tiễn những năm 90 của thế
kỷ XX, các thế lực thù địch đã thành công với âm mưu, thủ đoạn này. Đó là làm
cho Quân đội Liên Xô và các nước Đông Âu - một lực lượng hùng mạnh, trung thành
với mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã bị “phi
chính trị hóa”, tự xóa bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị, từ bỏ cơ
chế Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội, vì vậy, khi đất nước Xô-viết và các nước
Đông Âu xảy ra biến cố chính trị, Quân đội đã đứng ngoài cuộc, chế độ XHCN sụp
đổ.
Đối với Quân đội ta, chúng đã
và đang sử dụng mọi biện pháp, hòng vô hiệu hóa, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Chúng ra
sức tuyên truyền phủ nhận quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về giai cấp và
đấu tranh giai cấp; xuyên tạc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quan điểm, đường
lối quân sự của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang
nhân dân, QĐND; làm lu mờ bản chất, truyền thống của Quân đội; thúc đẩy “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ (CB,CS), làm mất phương
hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu của Quân đội. Chúng lập luận rằng: Quân đội
“chỉ là công cụ của quốc gia, dân tộc”, vì thế “không cần phải đặt dưới sự lãnh
đạo của đảng phái nào”,… Gần đây, lợi dụng việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992, một số người hô hào: “quân đội là để bảo vệ nhân dân,
bảo vệ Tổ quốc, không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính
trị nào”; “quân đội trung lập, quân đội đứng ngoài chính trị”,… Thậm trí còn
“tung hỏa mù”, rằng ĐCSVN đã “cố tình đánh tráo khái niệm”, “đi ngược lại quy
luật” và đề nghị “bỏ quy định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với
ĐCSVN” trong Hiến pháp.
Có thể khẳng định, thủ đoạn
“phi chính trị hóa” quân đội là một chiêu bài, một âm mưu hết sức nguy hiểm,
thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xét về
nội dung tuy không mới, nhưng về thủ đoạn, cách thức tiến hành thì có sự thay
đổi, điều chỉnh so với trước. Chúng triệt để lợi dụng việc nước ta hội nhập, mở
cửa và hạn chế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để thúc đẩy “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội bằng mọi hình thức hết sức
tinh vi.
Trên thực tế, bất kỳ giai cấp
nào khi lên cầm quyền điều hành đất nước cũng phải nhanh chóng nắm lấy quân đội
và sử dụng quân đội làm công cụ để bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình. Ngay cả
ở các nước tư bản, về hình thức thể chế chính trị là đa nguyên, nhưng thực chất
vẫn là nhất nguyên, phục vụ quyền lợi của giai cấp tư sản.
Lịch sử hơn 72 năm qua ĐCSVN đã
lãnh đạo Quân đội xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội luôn hoàn thành
tốt các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng
với truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì
độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào
cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng
ta cần nắm vững phương pháp luận chủ
nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội, từ đó có cơ sở
khoa học vạch trần luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù
địch ; đồng thời tập trung xây
dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở nâng cao
chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi
tình huống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét