Cũng như quan hệ với nhiều quốc
gia khác, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bên cạnh những thành tựu to lớn vẫn
không tránh khỏi những khúc mắc, bất đồng, những thách thức không nhỏ, đòi hỏi
nỗ lực giải quyết cả từ hai phía.
Từ năm 1978, Trung Quốc tiến hành công cuộc
cải cách, mở cửa, đã vươn lên thành cường quốc lớn thứ hai thế giới với những
chỉ số phản ánh sức mạnh quốc gia khá ấn tượng. Sự vươn lên ngoạn mục ấy khiến
Trung Quốc đã chuyển chính sách ngoại giao từ “giấu mình chờ thời” sang cạnh
tranh trực diện, tạo ra những thách thức đối với khu vực và các nước láng
giềng.
Hiện nay, trở ngại lớn nhất
trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông.
Tuyên bố về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, và việc Trung Quốc tiếp tục khẳng
định sự hiện diện của mình tại Biển Đông để hiện thực hóa tuyên bố về “đường
lưỡi bò”, tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo... không chỉ khiến tình hình Biển
Đông trở nên căng thẳng, dư luận quốc tế lên tiếng mà còn làm cho Việt Nam và
các nước trong khu vực hết sức quan ngại.
Trong lĩnh vực kinh tế, cán cân
thâm hụt thương mại đang nghiêng rất lớn về phía Việt Nam, là thách thức mang
tính báo động. Tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam, chủ yếu là nguyên vật liệu phụ
trợ, linh kiện và máy móc thiết bị, từ Trung Quốc tăng mạnh qua từng năm: 4,4
tỷ năm 2006; 11,5 tỷ năm 2009; 12,7 tỷ USD năm 2011; 16,4 tỷ USD năm 2012; 23,7
tỷ USD năm 2013, năm 2015 là 32 tỷ USD, và năm 2016 là 28
tỷ USD. Thặng dư
thương mại nghiêng lệch về phía Trung Quốc cộng với nhiều mặt hàng nhập vào
Việt Nam từ Trung Quốc chưa bảo đảm chất lượng,… sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực
đối với kinh tế Việt Nam, tới dư luận và qua đó ảnh hưởng lâu dài đối với quan
hệ kinh tế song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Những thách thức nêu trên dẫn
tới một hệ lụy to lớn, đó là làm xói mòn niềm tin, tác động tiêu cực đến sự tin
cậy mà hai nước đã nỗ lực xây dựng trong nhiều năm qua, đòi hỏi phải có những
biện pháp, giải pháp tích cực, phù hợp và hiệu quả để Việt Nam và Trung Quốc
thực sự là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” trong bối
cảnh khu vực và quốc tế đầy biến động hiện nay.
Trong các thách thức nêu trên,
thách thức về Biển Đông là to lớn nhất và con đường giải quyết nó đòi hỏi sự
tỉnh táo cả từ hai phía. Trên cơ sở “lấy đại cục làm trọng”, nhất thiết Việt
Nam và Trung Quốc phải cố gắng duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; không
tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng tranh chấp;
không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các bất đồng thông
qua biện pháp hòa bình. Đặc biệt, hai bên cần tuân thủ những thỏa thuận cụ thể
đã đạt được như “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải
quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, “Tuyên bố về ứng xử của các bên
ở Biển Đông” (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN; đồng thời, tuân thủ luật
pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đó là những nguyên
tắc cứng mà mỗi bên đều có trách nhiệm thực hiện như đã cam kết. Luôn sử dụng
các cơ chế để duy trì đối thoại, duy trì các cuộc gặp gỡ hằng năm, các cuộc gặp
gỡ không chính thức… trong giải quyết xung đột. Một con đường hữu ích để từng
bước giải quyết bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông là tăng cường hợp
tác, hợp tác để gạt bỏ bất đồng và cùng phát triển; hợp tác trong nghiên cứu
khoa học biển; hợp tác trong các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác an
ninh...
Để mối quan hệ luôn ổn định và
phát triển, Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết mọi vấn đề dựa trên 5
nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; thúc đẩy hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải
quyết những vấn đề tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tiến hành quan
hệ hai nước không nhằm vào nước thứ ba và cũng không làm ảnh hưởng đến quan hệ
mỗi nước với các nước khác.
Những nút thắt trong quan hệ
hai nước khi dần dần được tháo gỡ, được giải quyết phù hợp với thực tiễn, với
luật pháp và thông lệ quốc tế, sẽ tiếp tục tạo đà cho quan hệ Việt Nam - Trung
Quốc phát triển, đáp ứng yêu cầu và lợi ích của mỗi nước. Lịch sử cho thấy,
nếu giải quyết đúng hướng, đúng cách những nút thắt đó sẽ mang lại cho hai
nước, hai dân tộc nhiều cơ hội mới để cùng phát triển trong hữu nghị, hòa bình
và thịnh vượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét