Hồ Chí Minh có nhiều bài viết luận giải rất khúc
chiết, thấu lý đạt tình về tác động của Cách mạng Tháng Mười đến cách mạng Việt
Nam và mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ, bền vững, lâu dài giữa hai cuộc cách mạng
này. Theo Người, trước Cách mạng Tháng Mười nhân dân Việt Nam bị bọn đế quốc thực
dân bưng tai, bịt mắt, chưa hiểu gì về chủ nghĩa Mác và cũng chưa nghe nói đến
V.I. Lênin.
Từ năm 1917 đến năm 1924, thực dân Pháp giăng một tấm
lưới dày đặc xung quanh Việt Nam để ngăn chặn những tin tức về Cách mạng Tháng
Mười. Vì vậy, thông tin về cuộc cách mạng này lọt vào Việt Nam một cách ít ỏi,
chậm chạp bằng con đường bí mật từ Pháp sang, từ Trung Quốc đến. Những năm ấy
người dân nước ta có cách tiếp nhận thông tin về Cách mạng Tháng Mười rất sáng
tạo. Khi sách báo và tuyên truyền của chính thực dân Pháp và bọn tay sai nói xấu
Cách mạng Tháng Mười, nói xấu chủ nghĩa cộng sản thì nhân dân bí mật bảo nhau:
Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa cộng sản có hại cho đế quốc tức là có lợi cho
chúng ta, chủ nghĩa cộng sản, Cách mạng Tháng Mười là kẻ thù của chủ nghĩa thực
dân tức là anh em của các dân tộc bị áp bức. Hồ Chí Minh viết: Bàn tay bẩn thỉu
của thực dân không che được mặt trời chính nghĩa…
Đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười là
tiếng sấm báo hiệu mùa xuân, là mặt trời chói lọi, là cơm ăn, nước uống. Về sự
cần thiết của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân ta, Hồ Chí Minh viết: “Nhờ
Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người cách mạng Việt Nam
đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sự sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa
Mác – Lênin. Điều đó tựa như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có
cơm ăn”(9).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những sự kiện có ý
nghĩa và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều chịu tác động của Cách mạng
xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Với Hồ Chí Minh, cách mạng trước hết cần có Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sau Cách mạng Tháng Mười 13 năm nhưng hai sự kiện
này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân
của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và của
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác-xít
– lê-nin-nít”(10).
Mười lăm năm sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân
dân ta giành được chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước
dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Hồ Chí Minh cho rằng: Đi theo con đường
Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã
kiên quyết đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm 1945 đã
làm Cách mạng Tháng Tám đánh đổ thực dân giải phóng đất nước, xây dựng chính
quyền nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám chứng
tỏ sự đúng đắn của con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch
ra.
Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc vận dụng sáng tạo
những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào thực tế Việt Nam. Những
bài học đó không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn
lâu dài. Người không chỉ căn dặn nhân dân ta mà còn tuyên bố với bạn bè quốc tế
rằng: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười là ngôi sao soi đường cho chúng tôi
trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”(11).
Cho đến những năm cuối đời, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục
suy nghĩ về con đường Cách mạng Tháng Mười với lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc.
Từ câu tục ngữ Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn”, năm 1967, Hồ Chí Minh liên tưởng:
Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại bước đường cách mạng đầy
gian khổ, hy sinh mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang, giai cấp công nhân và nhân dân
Việt Nam càng thấm thía công ơn của V.I. Lênin và Cách mạng Tháng Mười.
Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính
chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi
theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười,
nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối
tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười
vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại …là vô cùng sâu sắc”(12).
Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh giúp chúng ta nhận
thức đúng đắn rằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 25 năm đổi
mới có mối liên hệ biện chứng với con đường Cách mạng Tháng Mười.
Sự nghiệp đổi mới diễn ra không chỉ trong thời cơ
thuận lợi mà gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có cả những thử thách
hiểm nghèo, trước hết là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện
đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì quan điểm của mình về thời đại mới, được
mở ra từ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) chỉ rõ: Đặc điểm nổi bật
trong giai đoạn hiện nay của thời đại là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc gay
go, phức tạp của nhân dân các nước vì hòa bình độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Lịch sử thế giới
đang trải qua những bước quanh co. Song loài người nhất định sẽ tiến tới chủ
nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Qua hai mươi năm xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc (1991-2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định tinh
thần đó và bổ sung thêm: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách
thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài
người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(13), con đường do Cách mạng Tháng
Mười khai phá.
Ngay từ khi đi vào đổi mới, Đảng Cộng sản và nhân
dân Việt Nam đã khẳng định dứt khoát rằng đổi mới không phải là thay đổi mục
tiêu chủ nghĩa xã hội mà là tìm ra những biện pháp, cách thức thực hiện mục
tiêu đó nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Đó chính là sự kiên định lý tưởng và mục
tiêu của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.
Đặc biệt, nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được
Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Chỉ với nguyên tắc ấy, Đảng
và nhân dân ta mới từng bước hiện thức hóa con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn
– con đường Cách mạng Tháng Mười. Điều cần khẳng định là con đường do Cách mạng
Tháng Mười vạch ra nói chung, những bài học kinh nghiệm của nó nói riêng vẫn có
trong hành trang của mỗi chúng ta hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét