Tuyên truyền quan điểm
sai trái là một trong nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với
cách mạng Việt Nam, mà bản chất là nhằm xóa bỏ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, xã hội;
đòi xóa bỏ chế độ XHCN.
Gần đây, nhiều mạng xã
hội đăng tải khá nhiều bài, tin, hình ảnh chống phá quan điểm, chủ trương,
đường lối, vu khống, vu cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lực lượng vũ
trang, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013 nước CHXHCN Việt Nam, đòi “đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập",...
Đặc biệt, các thế lực
thù địch đẩy mạnh việc tuyên truyền các quan điểm sai trái, đòi “phi chính trị
hóa” Quân đội, đòi “dân sự hóa”, phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực
tiếp mọi mặt đối với Quân đội; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng về công
tác quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xuyên tạc chức năng, nhiệm
vụ của quân đội, thậm chí chúng cho rằng đất nước đã hòa bình, không cần phải
coi trọng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, chúng trông đợi sẽ truyền bá tư tưởng, đạo
đức, lối sống phương Tây vào quân đội, làm cán bộ, chiến sĩ, rơi vào lối sống
thực dụng, từng bước tác động nhằm làm phai nhạt mục tiêu, lý
tưởng chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân và truyền thống tốt đẹp của
Bộ đội Cụ Hồ.
Do đó, đòi hỏi toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân phải đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các quan điểm
xuyên tạc, sai trái, thù địch, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn
biến hòa bình”. Và để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đó, mỗi Đảng viên cần quán
triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng ta về chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tư tưởng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Khẳng định: Quan điểm về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Đảng có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt
tiến trình cách mạng Việt Nam. Xét về mặt lý luận và thực tiễn, chúng ta thấy
đây không phải là chủ trương hoàn toàn mới của Đảng, chủ trương này đã được nêu
trong nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng qua các kỳ đại
hội. Đồng thời, quan điểm đó cũng bắt nguồn từ tư tưởng nhất quán lâu đời của
Tổ tiên ta: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước; đã
được thực tiễn lịch sử dân tộc kiểm nghiệm, khẳng định qua hàng nghìn năm và
trở thành quy luật trường tồn, phát triển của dân tộc ta.
Triết
lý Hồ Chí Minh về phát triển đất nước theo tinh thần “nước độc lập mà dân không
hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” chính là quy luật
của cách mạng Việt Nam. Nội dung của quy luật này gồm học thuyết giải phóng và
học thuyết phát triển, trong đó chứa đựng cả xây dựng và bảo vệ.
Bảo vệ Tổ quốc là quan
điểm nhất quán, xuyên suốt trong sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đúc
kết: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy
nước”. Ngay từ những ngày đầu trứng nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ
Chủ tịch đã tuyên bố: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần
và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”; “chúng
ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu
làm nô lệ”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
cho thấy tư duy sâu rộng của mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Bảo vệ Tổ quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tư tưởng quân sự,
quốc phòng, an ninh, kháng chiến, mà kháng chiến bao giờ cũng đi liền với kiến
quốc. Xây dựng Đảng, Nhà nước chính là nhằm bảo vệ Đảng và Nhà nước, bảo vệ Tổ
quốc. Bảo vệ Đảng, Nhà nước là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà
nước. Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới không phải chỉ là
vấn đề của quốc phòng - an ninh, tăng cường quốc phòng an ninh mà là “phát huy
mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển
đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét